Buổi chiều ngày 30/3/2015, tại Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa một số nghị sỹ của Đức và Thụy Điển với giới xã hội dân sự Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức công khai, mở cửa tự do, thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ và các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam.
Buổi gặp gỡ được bắt đầu vào lúc 16h30, với lời mở đầu, nói sơ qua về mục đích của ông Phó đại sứ Đức và bà Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Bốn vị nghị sỹ tham dự cuộc tiếp xúc gồm có:
- Ông Anti Avsan - đến từ đảng Ôn hòa Thụy Điển. Ông là Nghị sỹ Thụy Điển từ năm 2006 ;
- Bà Monica Green là một chính trị gia thuộc đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển. Bà là Nghị sỹ Thụy Điển (Riksdag) từ năm 1994 ;
- Bà Claudia Roth là một chính trị gia thuộc đảng Xanh của Đức. Bà là Nghị sỹ Quốc hội Liên bang (Bundestag) từ năm 1998. Hiện nay, bà là Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang ;
- Ông Bernd Fabritius là một chính trị gia thuộc đảng Xã hội Thiên chúa giáo Đức. Ông là Nghị sỹ Quốc hội Liên bang từ năm 2013.
Điều hợp cho cuộc tiếp xúc là hai viên chức chính trị của Tòa đại sứ Đức và Thụy Điển tại Hà Nội.
Sau phần mở đầu, bốn vị nghị sỹ đã chia sẻ với quan khách tới tham dự về xã hội dân sự và quyền con người trong việc phát triển đất nước và xã hội, thực tiễn từ Đức và Thụy Điển. Họ đưa ra những ví dụ của sự tham gia của xã hội dân sự trong việc xây dựng các chính sách phát triển quốc gia, như về bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, …
Đặc biệt, ông Bernd Fabritius – là một người sinh ra tại Romania, tới năm 18 tuổi mới tới Đức. Ông đã sống 18 năm trong chế độ Cộng sản tại Romania. Ông đã chia sẻ về xã hội Cộng sản Romania, những suy nghĩ về quyền tự do của công dân và những lợi ích chung của cộng đồng, cũng như về các giá trị dân chủ, nhân quyền.
Sau phần chia sẻ của bốn vị nghị sỹ là phần chia sẻ suy nghĩ của các nhà hoạt động Việt Nam. Đầu tiên là một nhà hoạt động trẻ đến từ Hà Nội đã kể về những trường hợp một số blogger bị ngăn chặn, không đến được buổi tiếp xúc này. Thêm vào đó là việc chính quyền Hà Nội đã cho lực lượng an ninh bao vây xung quanh Tòa đại sứ Đức. Họ chĩa máy quay vào những người tới tham dự cuộc gặp gỡ. Nhà hoạt động này cũng chia sẻ quan điểm của anh tình hình xã hội dân sự tại Việt Nam và cho rằng Việt Nam đang thiếu trầm trọng sự tôn trọng của chính quyền đối với người dân, của chính quyền đối với quyền của người dân. Một ví dụ được dẫn giải đó là chuyện chặt hạ cây xanh vừa qua tại Hà Nội.
Kế đến, đại diện của Hội Phụ Nữ Nhân quyền, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, bà Trần Thị Hài đã nói đến những khó khăn và sự trấn áp của chính quyền đối với bản thân bà và các thành viên khác trong hội. Thêm vào đó, bà Hài còn nói đến quyền tự do hội họp của người dân Việt Nam đang bị xâm hại, không được tôn trọng, đơn cử như hội của bà. Ngay sau đó, là phần chia sẻ của hai người dân oan. Họ đã kể về những khó khăn trong cuộc sống của mình, những sự trấn áp của chính quyền CSVN đối với họ, với những bản án bất công, những quyết định sai trái và những hành động tàn bạo của chính quyền đối với phong trào dân oan nói chung.
Sau khi nghe những lời chia sẻ này, bà Claudia Roth đã cho biết bà rất ngạc nhiên về những gì bà được nghe và chứng kiến. Cả bốn vị nghị sỹ đều khẳng định phẩm giá và quyền của con người cần phải được tôn trọng và bảo vệ ở bất cứ nơi đâu.
Tiếp đó, hai nhà hoạt động khác là Nguyễn Chí Tuyến và Trịnh Anh Tuấn đã nói về thực trạng nhân quyền Việt Nam hiện nay. Trong đó, anh Nguyễn Chí Tuyến nhấn mạnh việc CSVN là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhưng lại không tôn trọng các công ước quốc tế về quyền con người và có những vi phạm công khai. Anh đã dẫn chứng những trường hợp bị CSVN xâm phạm nhân quyền mà Tòa đại sứ Đức và Thụy Điển biết rõ, trong đó có việc anh bị cấm xuất cảnh và chị Trần Thị Nga, hội viên Hội Phụ Nữ Nhân Quyền bị mật vụ đánh gẫy chân.
Anh Trịnh Anh Tuấn chia sẻ rằng không gian xã hội dân sự tại Việt Nam đang bị kiểm soát, thu hẹp rất đáng kể. Các tổ chức mang danh xã hội dân sự thực ra là tổ chức phục vụ cho Chính quyền CSVN, chứ không thật sự độc lập. Các NGO rất khó xin phép, bị kiểm soát gắt gao. Các lĩnh vực mà xã hội dân sự được tiếp cận hết sức hạn hép, gồm có: LGBT, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác ít ảnh hưởng đến chính trị. Các vấn đề nhạy cảm như quyền tự do ngôn luận, chống tham nhũng, minh bạch chính sách, quyền tự do biểu đạt ý kiến gần như bị trấn áp, nhiều người đã bị bỏ tù.
Sau hai lời chia sẻ trên, bốn vị nghị sỹ cho biết, trong quá trình tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU lần thứ 132 tại Hà Nội trong những ngày này, họ đã có nhiều phiên thảo luận về các vấn đề liên quan tới quyền con người, cũng như đã có những sự trao đổi thẳng thắn với phía chính quyền CSVN. Họ nói rằng, nếu như những nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam gặp khó khăn, những người này có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía các Tòa đại sứ và chính phủ các nước Âu Châu. Thêm vào đó, họ ghi nhận những gì mà họ được lắng nghe và chứng kiến hôm nay, những điều này sẽ được chia sẻ với các đồng nghiệp tại Âu Châu của họ. Họ sẽ có những tác động cần thiết tới chính quyền CSVN, nhằm thúc ép Hà Nội tôn trọng các cam kết về dân chủ, nhân quyền.
Để kết thúc buổi tiếp xúc ông Felix Schwarz, tham tán Chính trị Tòa đại sứ Đức đã nhận định, tuy dù 4 vị nghị sỹ đến từ 4 đảng phái có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng tất cả họ đều có nhận thức chung về tầm quan trọng của việc bảo đảm dân chủ, quyền con người trong việc phát triển xã hội dân sự và phát triển đất nước.
Do buổi tiếp xúc được tổ chức công khai, mở cửa tự do, nên không tránh khỏi việc có mật vụ trà trộn vào. Khi mọi người ra về khỏi Tòa đại sứ, mật vụ vẫn đứng xung quanh ở phía bên đường rất đông, chĩa máy quay vào những ai đi ra. Tất cả các viên chức Tòa đại sứ Đức đều được chứng kiến rõ hành động này. Hình ảnh của CSVN trong mắt giới ngoại giao và chính khách Phương Tây lại trở thêm xấu đi bởi những hành xử như trong cuộc tiếp xúc ngày 30/3 vừa qua.
SBTN