Từ miền Trung, vợ chồng cô và các con chạy giặc ra tới đảo Phú Quốc, rồi lại vào Cần Thơ, tạm trú trong một trường tiểu học
gần cầu Đầu Sấu. Người tị nạn Cộng sản thấy ấm lòng khi có nhiều đoàn thể của chính phủ đến thăm hỏi, an ủi, cho thức ăn, áo
quần, vật dụng, hội Hồng Thập Tự khám bệnh, đoàn Hướng Đạo cắt tóc cho mọi người. Mấy tuần sau, những người tị nạn
trong trường học không nghe tiếng súng, nhưng lại nghe tin Việt cộng đã “Giải phóng” thành phố tối qua mà không cần đánh
nhau gì hết. Mờ sáng ngày 1 tháng 5, những hàng quân Bắc Việt đội nón cối, lưng ba lô đầy lá ngụy trang, chân mang dép râu
lấm bùn đất lặng lẽ như những chiếc bóng hành quân trên đường, trước mặt trường học. Mọi người bấn loạn, hoảng sợ, nhiều
người tị nạn trong trường than thở: “Đã chạy từ ngoài Huế vô tới đây mà cũng lại gặp Việt cộng!”. Một người khác oán trách:
“Còn tôi trốn từ ngoài Bắc năm 54 vào Trung, nay chạy tới miền Nam mà cũng không thoát được Cộng sản. Tổ cha mấy ông tai
to mặt lớn bỏ dân, bỏ nước mà chạy”.
Những ngày tiếp theo, không còn thấy hội đoàn nào đến viếng thăm nữa, không ai còn đồ ăn, chính quyền “Cách mạng” cũng
chẳng đếm xỉa gì, dường như họ không thấy hàng trăm người tị nạn trong trường học. Lần lượt mọi người tự động bỏ đi, người
đi lên Sài Gòn, người về quê, trong trường học rộng mênh mông chỉ còn lại mỗi gia đình cô. Cả nhà không biết phải làm gì, tiền
thì không có và cũng không biết đi đâu vì nhà cô ngoài Trung ở trong trại lính. Tối đến gió lồng lộng, cả nhà bụng đói, ôm nhau
ngủ trong lớp học hiu quạnh. Chờ thêm mấy ngày nữa mà vẫn không thấy ai đến, gia đình cô xách va li, các túi áo quần đi bộ ra
bến xe, tìm xe xin quá giang về Sài Gòn. Xin rất nhiều xe, nhưng không xe nào cho quá giang, cuối cùng có một xe tải chở hàng
cho lên ngồi cùng hàng hoá về Sài Gòn.
Đến Sài Gòn, nhưng không biết ở đâu, vợ chồng cô và các con đi lang thang tìm được một căn nhà sát hàng rào phi trường
Tân Sơn Nhất, trong khu gia binh Truyền Tin, của một sĩ quan đã bỏ ra nước ngoài. Đói quá, chồng cô ra sau vườn đào rễ
chuối lên nấu cho các con ăn. Ăn rễ chuối mấy bữa thì ăn không nổi nữa. Cô và các con phải đi xin ăn. Cô dắt các con đi xa
khỏi xóm gia binh, hướng đến các con đường có nhiều nhà sang trọng. Các con cô, đứa nào cũng trắng trẻo, hồng hào, vui
mừng nói cười tíu tít vì tưởng đi ăn xin là đi chơi. Thành phố vắng vẻ, không có nhiều người đi lại, các nhà đóng cửa im lìm,
chẳng quán xá nào bán hàng. Đi từ sáng tới chiều, qua nhiều con phố, gõ cửa nhiều nhà, nhưng chỉ vài nhà cho ít tiền, có nhà
cho bánh kẹo, có nhà cho một nải chuối chín vàng.
Uỷ ban Quân quản Thành phố qua đài phát thanh đưa ra nhiều điều lệnh, thông báo nghe rôm rả, lạ tai, “Nhân dân miền Nam ta
anh dũng, nổi dậy, tổng tiến công đánh tan Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, hại dân và đã dành thắng lợi vẻ vang”. “Để
xây dựng trật tự của chánh quyền cách mạng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bà con phải tuân theo các lệnh
của Uỷ ban Quân quản Thành phố, của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”. “Thành phố ta được
vinh dự mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại, được làm ăn sinh sống tự do, không còn bị kìm kẹp, tàn ác như chế độ Mỹ ngụy”.
Vài ngày sau, trên đường phố thỉnh thoảng có những vụ xử bắn làm gương. Những người bị xử bắn, bị bịt mắt, hai tay trói quặt
ra sau, đứng trên một thùng phuy. Bộ đội đọc vội bản án cướp bóc hay phản động, xong dùng súng AK-47 bắn vào nạn nhân.
Xác nạn nhân văng xuống đất giãy đành đạch, máu tuôn có vòi, như con thú bị giết dã man trước mắt mọi người, già trẻ lớn bé.
Một bộ đội khác dùng súng ngắn bắn thêm một phát vào đầu xác chết trước khi thu dọn mang lên xe đi chôn. Báo chí trong
thành phố đua nhau đăng tin ca ngợi “Sự khoan hồng của Nhà nước và khuyến khích các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hoà
mạnh dạn đi học tập, cải tạo mười ngày”. Chồng cô tin vào “Sự khoan hồng của nhà nước” khăn gói đi “Học tập, cải tạo” biệt
tích.
Bơ vơ giữa Sài Gòn xa lạ, tiền không có, các gốc chuối sau vườn cũng đã đào lên ăn hết, cô lo lắng gầy hẳn đi. Tối nào mấy
mẹ con cô cũng ôm nhau khóc sướt mướt. May sao có người mách bảo đến tiệm bánh của người Tàu, lấy bánh đi bán, trả vốn
lại sau. Sáng sớm cô đi lấy bánh bao chỉ, bánh có những chấm màu xanh đỏ đựng trong các thau nhựa, cô và các con chia
nhau đi bán sống lây lất qua ngày. Dân Sài Gòn tuy vẫn sợ quân “Giải phóng”, không biết tương lai như thế nào, nhưng vì đói
nên mọi người đổ ra đường dọ dẫm làm ăn, buôn bán. Sau “Giải phóng”, chợ trời mọc lên khắp nơi, chợ trời có đủ các thành
phần xã hội, người đàng hoàng, người trí thức, kẻ lường gạt, dân ma cô, tất cả mọi người đều ra lăn lộn ở chợ trời kiếm ăn.
Nhiều người vì đói quá nên đem đồ đạc trong nhà ra bán, người không có gì bán thì ra mua đi bán lại. Chợ trời bày dọc theo hai
bên lề đường, người mua kẻ bán tấp nập, họ bán đủ mọi thứ, áo quần, bàn ghế, nồi niêu, chén bát, không thiếu thứ gì, nhưng
được nhiều người tìm mua nhất ở chợ trời là Đạp, Đổng, Đài (xe đạp, đồng hồ, radio), vì bộ đội và nhiều người miền Bắc mua
về để khoe của.
Đang lúc mua bán thì có tiếng la lên từ đầu đường: “Công an! Công an!”. Mọi người náo loạn gom ôm đồ đạc, hàng hoá bỏ
chạy, nếu bị bắt thì coi như mất hết. Họ chạy xuống cuối đường, công an và quản lý thị trường đem xe đến hốt cuối đường, thì
mọi người lại chạy lên đầu đường. Loa từ xe công an phát ra kêu gọi: “Cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân không được tụ
tập mua bán đồ cũ, vì sẽ tạo nên hang ổ cho bọn lưu manh, trộm cướp, bọn đầu cơ, bọn bán hàng giả, hàng ăn cắp của nhà
nước. Tiêu thụ hàng ăn cắp là phạm pháp. Bà con nên tránh xa những nơi tụ tập của những kẻ làm ăn bất chính, phá rối trật tự
trị an, làm hại đến đời sống của nhân dân lao động”.
Dù đã ra nhiều thông cáo răn đe, dù bắt bớ, tịch thu khá nhiều hàng hóa của người dân Sài Gòn, nhưng người dân vẫn đổ ra
đường buôn bán càng đông hơn. Chính quyền không làm sao dẹp nổi chợ trời, nên họ đem xe vòi rồng xịt nước đến đuổi phá
chợ trời. Xe vòi rồng đi rồi, thì chợ trời lại nhóm đông như cũ. Chính quyền cách mạng bèn hút nước cống hôi thối đến xịt, dân
chợ trời đã chuẩn bị trước, liền đưa cờ “Giải phóng”, hình bác Hồ “Vĩ đại kính yêu” lên che đỡ, vừa che vừa la lớn: “Bác cứu
con. Bác cứu con”. Công an và quản lý thị trường không ngờ, trở tay không kịp nên xịt bao nhiêu nước cống đen ngòm hôi thối
lên cờ “Giải phóng” và cả hình bác. Cuối cùng vì không dẹp được chợ trời, nên chính quyền đành làm lơ cho mọi người buôn
bán kiếm miếng ăn.
Một hôm, có đoàn bộ đội dắt theo hai con chó đến chiếm nhà, thủ trưởng bộ đội nói: “Nhà này của ngụy quyền bỏ chạy theo
chân đế quốc Mỹ, nay nhà nước tịch thu. Mấy mẹ con chị phải dọn ra gấp”. Cô chấp tay nói: “Thưa bộ đội, mẹ con tôi từ ngoài
Trung vô, không có nhà nên không biết đi đâu...”. Gã bộ đội ngắt lời cô: “Thì về lại ngoài Trung”. Nước mắt lưng tròng, cô nói:
“Dạ tôi cũng không có nhà ngoài Trung”. Hai con chó gầm gừ chạy tới gần mấy đứa con của cô, làm chúng sợ khóc thét lên.
Gã bộ đội gọi hai con chó: “Thiệu, Kỳ đến đây”. Hai con chó tên Thiệu, Kỳ liền cụp đuôi, chạy tới nằm dưới chân gã. Gã lấy
lương khô Trung Quốc cho hai con chó ăn, rồi nhìn mấy mẹ con cô, nói tiếp: “Mẹ con chị đi đâu thì đi tôi không cần biết”. Cô
năn nỉ: “Xin bộ đội cho mẹ con tôi ở sau nhà bếp cũng được, tôi không biết phải dắt con đi đâu bây giờ”. Gã bộ đội quát lớn
làm mấy con chó láo liên, sợ hãi: “Không được. Sao chị lì lợm thế”. Quay sang mấy bộ đội trẻ đang đứng trước cửa nhà, gã
nói: “Vào dọn hết đồ đạc của chị ta ra khỏi nhà ngay”. Một số bộ đội vào lấy đồ đạc của mấy mẹ con ném ra đường, một số
khác thì dọn đồ của bộ đội vào. Mẹ con bồng bế nhau, khiêng vác đồ đạc đi lang thang trong xóm gia binh, may gặp một nhà
nhỏ bỏ hoang, mừng quá cô và các con vào ở tạm.
Sáng nay, các loa truyền thanh treo khắp nơi bất ngờ thông báo lệnh đổi tiền, “Để kết thúc đồng tiền Sài Gòn tội lỗi, đồng tiền
nhơ nhớp, nhục nhã nay nhà nước ban lệnh đổi tiền. Mỗi hộ gia đình được đổi tối đa một trăm ngàn đồng tiền Sài Gòn. Giá năm
trăm đồng tiền miền Nam đổi một đồng tiền giải phóng”. Cô không có tiền để đổi nên có người nhờ cô đổi giùm, họ cho lại cô
một phần, mấy mẹ con mừng lắm. Sau ngày đổi tiền, nhiều người giàu bị nhà nước đánh lén trở thành nghèo, họ ném tiền
không đổi được ra đường. Thấy nhiều tờ giấy bạc bay khắp nơi, các con nhỏ của cô mừng rỡ lượm về đưa cho mẹ mua gạo.
Cô phải nói cho các con biết tiền này không còn xài được, như tờ giấy thôi. Các con cô tiếc rẻ ném tất cả tiền lượm được vào
thùng rác.
Sau đổi tiền, cuộc sống của mọi người càng bi thảm hơn, đói rách, còn thêm ghẻ lở. Người thành phố thường gọi là “Ghẻ bộ
đội, ghẻ Trường Sơn”, ghẻ từng chòm nổi khắp người, nhất là ở những kẽ ngón tay, ngón chân, và những chỗ kín trong thân
thể. Đi đâu cũng thấy mọi người đưa tay gãi sột soạt, họ thường nói đùa, “Tiếng đàn Ta Lư”. Cô lo lắng không biết làm cách
nào kiếm được miếng ăn cho các con, nhìn các con bụng đói ôm nhau nằm ngủ, ghẻ chốc đầy mình, khiến nước mắt cô cứ ứa
ra.
Những ngày gần đây, ông tổ trưởng Tổ dân phố cùng vài cán bộ ngày nào cũng tới vận động, cưỡng bức gia đình cô đi vùng
kinh tế mới vì không hộ khẩu. Cô nghĩ, mình ốm yếu, cả đời không biết làm ruộng rẫy, các con nhỏ dại, đi vùng kinh tế mới nơi
rừng sâu nước độc thì làm sao sống được. Dù không phải là lựa chọn của cô, nhưng cũng không thể chống lại lệnh của chính
quyền, cô cũng đành gạt nước mắt mặc cho số phận. Cô cùng những người hàng xóm có chung hoàn cảnh trong khu gia binh,
chạy qua chạy lại giúp nhau thu dọn đồ đạc đi “Xây dựng vùng kinh tế mới”. Lòng ai cũng rối bời và tuyệt vọng, nhưng cố trấn
an nhau, hy vọng tương lai sẽ không bị thiếu ăn, thiếu mặc nơi vùng kinh tế mới. Cô và các con là những người đi vùng kinh tế
mới trong những đợt đầu tiên sau ngày “Giải phóng” miền Nam.
Phước An Thy