Làm sao ta có thể nào giữ được tấm lòng nhân ái của mình khi hất mạnh tay những người đang chết đuối ra? Một khi ta đắm chìm trong máu, ta chỉ có thể trở nên tàn ác hơn. Hơn nữa, dù sao, sự tàn ác (“tàn ác giai cấp”) được ca ngợi và tuyên truyền, và có lẽ chẳng bao lâu ta sẽ không còn biết bản tánh ấy nằm chính xác ở đâu giữa xấu và tốt. Và khi ta thêm vào đấy lòng tử tế bị chế diễu, lòng trắc ẩn bị chế diễu, lòng từ bi bị chế diễu- ta sẽ không bao giờ có thể nào xiềng xích hết tất cả những kẻ đang say máu!
Nhà báo nữ vô danh của tôi, ở số 15 phố Arbat, hỏi tôi “về cội rễ của sự tàn ác” đặc trưng của “những người Xô Viết nào đó.” Tại sao chính sự tàn ác họ biểu lộ lại tỷ lệ với sự bất lực của người dưới quyền lực của họ? Và chị nêu ra một trường hợp- mà ta hoàn toàn không thể coi đây là trường hợp chính, nhưng dù sao tôi vẫn kể ra đây.
Chuyện xảy ra vào mùa đông năm 1943-1944 ở nhà ga Chelyabinsk, dưới mái che gần phòng gởi hành lý. Trời lạnh dưới âm 13 độ. Dưới mái che là nền xi măng dính đầy tuyết bị giẫm đạp từ bên ngoài vào. Một phụ nữ mặc áo khoác độn bông đứng bên trong ô cửa phòng gởi hành lý, và một công an mập mạp mặc áo khoác bằng da cừu thuộc đứng gần hơn ở bên ngoài cửa. Họ mải mê cười nói tán tỉnh vui vẻ. Vài người mặc những bộ áo quần cũ màu đất và rách tả tơi nằm trên nền xi măng. Cho dù gọi họ là những người nghèo khổ ta vẫn còn nịnh họ không tiếc lời. Những người trẻ này-mặt mày hốc hác, sưng tấy, môi lở loét. Một người trong bọn họ, rõ ràng đang lên cơn sốt, nằm phơi ngực ra trên tuyết, rên rỉ. Người phụ nữ kể chuyện lại gần người này hỏi han họ là ai, thì hóa ra một người đã mãn án tù ở trại, còn người kia được thả ra vì bệnh, nhưng giấy tờ ra trại của họ bị làm sai, và vì thế họ không thể nào mua được vé tàu để trở về nhà. Nhưng họ cũng chẳng còn sức lực nào để quay về trại- bệnh tiêu chảy đã làm cho họ hoàn toàn kiệt sức. Người phụ nữ kể chuyện nghe thế bắt đầu bẻ bánh mỳ ra từng miếng nhỏ cho họ. Đến lúc này viên công an đột ngột ngừng cuộc trò chuyện vui vẻ để nói với người phụ nữ với vẻ hăm dọa: "Này bà cô, chuyện gì vậy, bộ bà nhận ra bà con hay sao? Bà khôn thì mau rời khỏi đây ngay. Họ sẽ chết mà chẳng cần bà giúp!" Nghe thế, người phụ nữ nghĩ thầm: Dù sao, họ sẽ bất ngờ bắt mình chỉ vì chuyện này rồi tống mình vào tù! (Và điều ấy rất đúng, có gì cản được họ đâu?) Rồi… chị bỏ đi.
Tất cả những chuyện này đều tiêu biểu cho xã hội chúng ta- điều người phụ nữ này thầm nghĩ, và chị bỏ đi như thế, và viên công an tàn nhẫn, và người phụ nữ tàn nhẫn mặc áo khoác độn bông, và người thu tiền ở quầy vé từ chối bán vé cho họ, và người y tá không cho họ nhập viện thành phố, và đến viên chức tự do đần độn ở trại làm giấy tờ ra trại cho họ.
Nguồn: Trích dịch từ tác phẩm Quần đảo Ngục tù của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn, Tập Hai, phần IV, chương 3, trang 650-651 nhà xuất bản Harper & Row, 1975. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Tựa đề của người dịch
Trần Quốc Việt dịch