Ngàn dâu xanh ngát
Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi: Ngàn dâu xanh ngát
Nhìn thấy thảm trạng của đất nước ngày nay, tôi càng cảm thấy tiếc nuối cho Việt Nam Cộng Hòa và những giấc mơ dang dở.
Nền cộng hòa non trẻ đã bị bán đứng và bức tử trong âm mưu dàn xếp của các thế lực chính trị đứng sau cuộc chiến tranh
huynh đệ tương tàn. Một thời vàng son, quốc gia thịnh vượng, một nền giáo dục "nhân bản, dân tộc, khai phóng" và những tinh
hoa dân tộc đã theo đó mà vĩnh viễn mất đi.
Dưới đây là câu chuyện có thật về thân phận một gia đình bốn thế hệ, và những tâm tư của một người trẻ sinh ra và lớn lên
trong chế độ Cộng Sản.
Ông bà ngoại tôi định cư trên cao nguyên B'lao vào cuối thập niên 50, sau khi rời miền Bắc và sống một thời gian ở vài đô thị
miền Nam. Là thế hệ thứ ba của những người Bắc di cư, ảnh hưởng của nếp sống và văn hóa miền ngoài trong tôi vẫn còn
sâu đậm. Ngày còn là đứa bé ba bốn tuổi, tôi vẫn thường đứng trước nhà tựa cửa mà hát mấy câu:
Ngàn dâu xanh ngát, mấy nếp tranh xa mờ
Tiếng sáo bay dập dìu đường về quê xưa... (1)
Câu hát thường khơi lại trong lòng những người di cư như bà tôi ký ức về một miền Bắc xa vời và những năm tháng bình yên
trong quá khứ. Quê ngoại tôi là một vùng đất bồi thuộc tỉnh Thái Bình, nơi có những ruộng dâu bát ngát. Tôi chưa một lần đến
đó nhưng chẳng lạ gì với cây dâu, vì nơi tôi sinh ra, một thời đi đâu cũng gặp loài cây này. Sau thời bao cấp, cây dâu theo chân
các di dân kinh tế mới lên tận cao nguyên B'lao, nhiều cánh rừng mênh mông bị tàn phá để làm nơi trồng dâu, rồi chỉ vài năm
sau những nông trường dâu lại hóa thành bãi hoang loang lổ khô cằn. Cổ nhân thường lấy hình ảnh biển xanh hóa nương dâu
để ví với những đổi thay vô thường: "ngũ bách niên tang điền thương hải." Chỉ mới đi hơn một phần ba cuộc đời, tôi đã thấy
nhiều cảnh dâu bể ngay trước mắt.
Rất nhiều năm sau này khi đã trưởng thành, tôi mới tìm ghép lại từ những ký ức tản mác thành bức tranh về lịch sử gia đình
mình. Cũng như bao nhiêu gia đình Việt Nam, số phận của chúng tôi cũng liên đới với bi kịch của cả dân tộc này, từ buổi binh
lửa triền miên đến những ngày tháng hòa bình đen tối.
Theo lời bà kể lại ông tôi là con người vợ lẽ trong gia đình một lãnh binh đất Thái Bình. Quê ông có nghề trồng dâu nuôi tằm
dệt vải và gia đình ông cũng sở hữu một hàng vải có tiếng. Thời trai trẻ bồng bột và yêu nước, ông đã trộm mấy xấp vải của cụ
cố mà bỏ nhà theo Việt Minh đi kháng chiến. Được đánh giá là người có tài năng quân sự, ông được Việt Minh cất nhắc cho đi
Trung Quốc học khóa sỹ quan quân sự Hoàng Phố. Cả nhóm học viên đều lấy tên có họ Hoàng làm bí danh, nhiều người sau
này đã trở thành các tướng lĩnh trong quân đội Cộng Sản. Tôi chỉ được nghe kể lại qua lời người thân, nên không rõ vì sao
ông lại rẽ sang hướng khác, bỏ Việt Minh, trốn sang Nhật, rồi về với quốc gia Việt Nam. Có thể vì cái chết bi thảm của cụ cố
trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cả nhà bị đấu tố và hành hình bằng lưỡi lê đâm xuyên ngực; cũng có thể là do ông đã nhận ra
bộ mặt thật Cộng Sản đằng sau lớp vỏ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh; hoặc cả hai. Rồi "một ngày 54 cha bỏ phương trời, một
miền Bắc âm u mưa phùn rơi." (2)
Sau vài năm phục vụ như một hoa tiêu không quân, ông mang gia đình đi định cư trên cao nguyên Trung Phần. Ông giữ một
vài chức vụ dân sự trong hội đồng tỉnh. Phần lớn thời gian ở đây ông dành cho việc dạy võ, dạy chữ viết và hướng nghiệp cho
thanh niên, mang thuốc men quần áo đến các buôn làng sắc tộc Mạ và K'ho, xây các cơ sở tôn giáo. Đến ngày miền Nam mất
trọn, ông tôi phải đi "học tập cải tạo" hơn một năm do nằm trong hàng ngũ quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa. Một trong
những truyền kỳ về ông mà tôi được nghe kể là sau khi đi cải tạo về, có lần ông bắt gặp mấy tên kiêu binh Cộng Sản hà hiếp
dân, với bản tính ngang tàng và nghĩa khí, ông đã dùng mấy miếng võ gia truyền mà trị tội chúng. Trong số cán bộ cao cấp từ
trong bưng mới về tiếp quản, có kẻ trước đây từng được ông cưu mang giúp đỡ đứng ra bênh vực, nên lũ kiêu binh không
làm gì được ông. Nhưng dưới sự kìm kẹp của một chế độ đầy rẫy bất công tha hóa, ông đâu dễ gì yên phận sống mòn. Sau
lần đó ông càng quyết tâm "chống Cộng," để rồi phải gánh lấy bi kịch cuộc đời: gia phá nhân vong. Ông tôi vào rừng tập hợp
người Kinh và người sắc tộc, lập quân kháng chiến để liên kết với các phong trào yêu nước khác suốt một dải từ Phương Lâm
đến Đức Trọng. Mọi chuyện chưa đi đến đâu đã bị vỡ lở, nhiều người bị giết và tù đày. Ông bị bắt và chết (hay bị giết?) trong
tù. "Man is condemned to be free," (3) cái giá của tự do đôi khi là bằng cả mạng sống. Thắng-thua, được-mất trong đời không
làm nên giá trị một con người. Với tôi - đứa cháu ông chưa từng biết mặt, ông luôn là một bậc trượng phu, dám sống và xả
mạng vì nghĩa cả, một hiệp sỹ An Nam cuối cùng.
Những ngày tháng sau khi ông mất, bóng tối phủ kín gia đình tôi, cùng với nỗi đau quá sức chịu đựng của hai người phụ nữ.
Bà ngoại tôi cả ngày chỉ ngồi thẫn thờ và ủ rũ khóc, mẹ tôi lúc ấy độ chừng mười ba tuổi, ngoài những người anh em kết nghĩa
của ông tôi, họ không còn người thân nào khác. Các cán binh cộng sản khám xét và đập phá, cướp tài sản, đỉnh điểm là khi
chính quyền tuyên bố sẽ tịch thu ngôi nhà. Tức nước vỡ bờ và không muốn sống trong cảnh giày vò thêm nữa, họ lấy xăng
đem đổ khắp nhà và tưới cả lên người, rồi tuyên bố sẽ tự thiêu chứ không để bị đẩy ra đường. May mắn cho bà và mẹ là bầy
sói no nê đã chịu nhượng bộ, cho họ một đường sống. Từ đó bà và mẹ tôi tiếp tục sống trong sự xa lánh của làng xóm, mật
vụ thường đến nhà dò xét và khủng bố tinh thần. Mẹ tôi được đi học tiếp, nhưng với thân phận là con cái của "kẻ phản động,"
suốt đời này xem như không có tương lai.
Những năm bao cấp, khi mẹ tôi học xong lớp 12, đã được người quen nhận vào làm trong hợp tác xã. Thời gian này có một
người đàn ông đã bước vào cuộc đời của hai mẹ con và trở thành bố tôi sau này. Bố tôi là một di dân kinh tế mới. Quê hương
ông cũng ở ngoài Bắc, ông là con thứ trong một gia đình cha mẹ mất sớm. Sau 1975 bố tôi theo đoàn người Nam tiến mưu
sinh và lên xứ cao nguyên làm việc trong một nông trường trà. Ông quen biết bà ngoại tôi và thường ghé qua giúp đỡ gia đình
mẹ góa con côi. Bà tôi quý mến ông ở tính cách hiền lành đôn hậu, thương ông ở hoàn cảnh thiệt thòi, và muốn gả con cho
ông. Chỉ có hai trở ngại: một là ông là đảng viên Cộng Sản, sẽ bị khai trừ khỏi đảng nếu lấy đứa con gái của gia đình "phản
động," hai là sự ưng thuận của mẹ tôi. Ông chấp nhận bỏ đảng tịch và cũng nhận được ở mẹ tôi cái gật đầu đồng ý. Bố tôi về
ở rể và ba người họ trở nên một gia đình mới. Rồi tôi đã được sinh ra trong gia đình đó, vào những năm đầu thời kỳ "Đổi mới."
Tôi là đứa con thứ ba trong gia đình, hai người con đầu của bố mẹ tôi đã mất sớm vì bị một người y sĩ vô trách nhiệm tiêm
nhầm thuốc. Phần lớn tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với mái trường như bao đứa bé khác. Trường học Xã Hội Chủ Nghĩa nơi
chúng tôi lớn lên đầy những khẩu hiệu tuyên truyền dối trá, thi đua thành tích, chạy điểm, nhồi sọ, học vẹt, gian lận, văn mẫu,
học thêm... Chúng tôi sinh ra vốn là những trẻ thơ lành lặn nhưng lại bị cuộc đời bẻ nặn thành những kẻ tàn tật về tâm hồn, đui
mù về lương tâm, tư duy lệch lạc. Đến giờ khi nhìn lại một chặng đường đời đã qua, tôi phải thừa nhận rằng nếu không nhờ
một ơn trên soi sáng cho lương tâm và lòng trí tôi, thì giờ đây tôi đã như phần đông những người cùng lứa. Họ bị tẩy não từ
bé và suốt đời chìm đắm trong sự vô minh của bầy đàn. Những trang sách tôi đọc từ lúc tuổi còn thơ, di sản của người ông
quá cố, đã cứu rỗi cả cuộc đời tôi và mang tôi ra khỏi những điên rồ và giả dối của một nền giáo dục bị nhiễm độc. Khi tôi có
nhận thức và bắt đầu nghi ngờ phản kháng thì cũng là lúc phải nhận nhiều sự trừng phạt, đòn roi, kỷ luật, hạ hạnh kiểm. Tất cả
những thứ đó không thể ngăn được tự do ý chí trong tôi, tôi phản kháng lại nhà trường bằng thái độ tuy lễ độ nhưng bất phục
tùng. Văn hóa bóng tối còn len lỏi vào cả gia đình tôi. Tôi thấy hết những bất hòa, rạn nứt, thờ ơ, ghẻ lạnh trong một gia đình ở
cái thời mà đồng tiền có sức ảnh hưởng quá lớn. Mẹ tôi là một nạn nhân của cuộc đời nhưng lại biến những người xung quanh
thành nạn nhân của chính bà. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ muốn bỏ nhà đi hoang, lang thang như em Rémi không
gia đình, ca hát và tìm khoảng trời tự do cho riêng mình.
Thời ấy quê tôi có cả ngàn bãi dâu xanh rì, mọc lan tràn khắp các ngọn đồi và triền núi, do chính sách khi đó muốn biến B'lao
thành thủ đô dâu tằm của CHXHCN Việt Nam. Những di dân kinh tế mới Bắc Kỳ cuối thời bao cấp đã mang cây dâu từ đồng
bằng sông Hồng lên cao nguyên, để giải quyết vấn đề áo cơm trước mắt. Nhìn cây dâu lớn nhanh tươi tốt trên đất đỏ phì
nhiêu, đám cán bộ lãnh đạo như thấy được cơ hội làm giàu. Những cánh rừng và đồi trà phải nhường chỗ cho dâu. Nhiều cây
rừng trăm tuổi bị đốn hạ, xẻ ra đem bán để chia chác hay mang về tô điểm cho vẻ sung túc của các tư dinh cán bộ. Nhiều
nông trường và công trình xây dựng của tổng công ty dâu tằm được dựng lên. Điển hình là khách sạn ba sao "Seri hotel" mọc
lên ngay tại chợ huyện, một thời được xem như biểu tượng của ngành dâu tằm xứ này và các cán ngố thường lấy ra làm dẫn
chứng cho câu thơ vĩ cuồng, đầy ảo tưởng sức mạnh: "có sức người sỏi đá cũng thành cơm." Nhưng hào quang đó chỉ là le
lói, vì những gì đi ngược lại tự nhiên sớm muộn đều bị đào thải. Cây dâu rễ nông lại trồng trên đất dốc không đủ sức giữ đất
khỏi sự xói mòn bởi những cơn mưa cao nguyên như trút nước. Sau vài năm nghề trồng dâu phá rừng đã không còn mang về
nguồn lợi lớn như trước do đất màu bị mất chất mà gỗ rừng thì đã cạn. Khi hết kiếm ăn được dễ dàng như xưa thì nhiều vụ
tham nhũng lừa đảo bắt đầu bị phanh phui. Vài sự dàn xếp trong bóng tối đã mang vài con dê làm vật tế thần để những kẻ còn
lại được yên thân lui về dưỡng già, bỏ lại khoản nợ nghìn tỉ, những nhà máy bỏ không và những đồi dâu xơ xác lá. Nhiều năm
sau này không còn ai nói về cây dâu, vì người ta bắt đầu chuyển sang trồng cà phê. Những kẻ lập chính sách nông nghiệp vẫn
không học được gì từ bài học năm xưa mà lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của nghề dâu tằm, và giấc mộng phú túc đổi đời của
người nông dân nghèo ngày càng quá tầm tay. Đến bây giờ, giới lãnh đạo tham lam ngu dốt vẫn đang gây thêm tổn thương
cho vùng đất này. Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên dưới sự bảo trợ của một thế lực ngoại bang đang được tiến hành bất
chấp những hậu quả nhãn tiền. Ai sẽ tiếc thương nếu có ngày rừng thiêng thành bãi tha ma? Một định mệnh buồn luôn đeo
bám xứ cao nguyên đất đỏ sương mù.
Những năm đi học và làm việc xa nhà cho tôi cái nhìn toàn diện hơn về đất nước và thời đại mình đang sống. Thành phố tôi
sống như một Sodom của thời hiện đại, nơi từng được xem là Hòn Ngọc Viễn Đông. Ngày hôm nay những cao ốc phô
trương, trưởng giả mọc lên trong lòng các khu phố cổ kính - các khu đất vàng, không làm tôn vinh những giá trị hiện đại mà chỉ
phá nát tương quan thẩm mỹ và phơi bày những mặt tối của nền kinh tế bong bóng, trọng hư vinh và phù hoa giả dối. Các
công trình cổ, tượng đài, hàng cây bị phá bỏ nằm trong một âm mưu muốn xóa sạch hoàn toàn dấu tích xưa, cho lòng người
không còn lưu luyến về chế độ cũ. Sẽ chẳng mấy ai còn bận tâm về những tội lỗi và sai lầm trong quá khứ của người Cộng
Sản, nếu như họ thực tâm sám hối và làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Khi đó mọi lời chống đối đều là những tiếng nói lạc lõng.
Nhưng tất cả những gì mà lãnh đạo Cộng Sản có thể làm chỉ là ăn mày dĩ vãng và đánh cắp những gì thuộc về tương lai. Hàng
triệu thế hệ người Việt sau này sẽ phải gánh lấy nhiều khoản nợ quốc gia, các thảm họa môi trường, lạc loài trong thế giới văn
minh. Chưa bao giờ trong hơn một ngàn năm, tâm linh dân tộc lại bị tổn thương nhiều như lúc này. Bóng tối lên ngôi trong sự
vô cảm và tha hóa của giống nòi. Mẹ Việt Nam ngày nay chỉ sinh ra được những đứa con mất gốc, bầy đàn, yếu ớt, tôn thờ vật
chất. Mọi giá trị bị đảo lộn là hậu quả tất yếu khi để những kẻ ác, hèn, nhược trí lên cai trị đất nước. Và nguy cơ mất đi căn tính
Việt đang hiển hiện trước mắt, nếu có một ngày quốc gia Việt Nam bị ngoại bang thôn tính và xóa sổ khỏi địa cầu thì chúng ta
chỉ có thể tự trách mình. Hai tiếng Việt Nam sẽ chỉ còn trong những bài học lịch sử về những dân tộc tàn vong đã từng đến và
đi trong cõi đời này.
Nhìn thấy thảm trạng của đất nước ngày nay, tôi càng cảm thấy tiếc nuối cho Việt Nam Cộng Hòa và những giấc mơ dang dở.
Nền cộng hòa non trẻ đã bị bán đứng và bức tử trong âm mưu dàn xếp của các thế lực chính trị đứng sau cuộc chiến tranh
huynh đệ tương tàn. Một thời vàng son, quốc gia thịnh vượng, một nền giáo dục "nhân bản, dân tộc, khai phóng" và những tinh
hoa dân tộc đã theo đó mà vĩnh viễn mất đi.
"There was a time when men were kind
When their voices were soft
And their words inviting
There was a time when love was blind..." (4)
Thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay đã vắng bóng những con người hào hiệp, tài năng, những tâm hồn đẹp. Khi trưởng
thành, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cựu binh và trí thức Việt Nam Cộng Hòa. Họ khác xa với miêu tả thâm độc của nhà trường
Cộng Sản: "lũ ác ôn," "lũ tay sai," "Việt gian bán nước," "ngụy quân ngụy quyền." Trực giác cho tôi thấy họ đều là những con
người hiền lành có tấm lòng yêu nước thực sự, nhiều người trong số họ có ánh mắt ẩn chứa sự cao thượng. "Si vis pacem
para bellum" (5), tôi cảm thấy nợ những người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa một lời tri ân vì đã không tiếc thân hy sinh cho
một Việt Nam tự do và thịnh vượng ngày nào. Giờ đây nhiều người còn sống ở quê nhà vẫn đang bị đẩy ra bên lề xã hội, với
thương tật, nghèo đói và gánh nặng tuổi đời. Xin hãy nhớ về các anh, nhưng không phải trong hình ảnh già nua. Hãy nhớ về
các anh trong những hình ảnh xưa, khi vẫn còn xuân trẻ như tôi, yêu hòa bình, tự do, và khao khát làm nên bầu trời.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in khung cảnh chiều hôm đó, buổi chiều cái ngày mà tôi mang tro cốt bà rải xuống sông Đại Bình.
Rừng chiều thinh lặng, chỉ có tiếng nước chảy và tiếng gió lửng lơ trên đầu ngọn cây. Tôi đứng trên một cây cầu sắt bắc
ngang dòng sông, dưới ánh mặt trời chiều lạnh lẽo, và thầm hát mấy câu trong bài "tình quê hương" - khúc hát bà ru tôi thưở
xưa giờ thành khúc ca từ biệt. Ngàn dâu xanh ngát... Ông bà tôi đã đi một chặng đường dài từ quê nhà miền Bắc trong hành
trình tìm tự do và cuối cùng yên nghỉ trên mảnh đất cao nguyên này. Khi bóng tối còn ngự trị thì không nơi đâu trên mặt đất này
người ta có thể tìm thấy hòa bình, tự do, hạnh phúc thực sự. Thiên đàng trần thế cũng chỉ có trong ước mơ hoang đường của
người Cộng Sản vô thần. Nhưng với ai tin vào đời sau thì trần gian chỉ là cõi tạm. Có lẽ giờ đây ông bà tôi đã tìm thấy nhau, tại
một chốn vĩnh phúc và bình yên, ở bên kia cầu vồng.
T.M.Đ
____________
(1) Tình quê hương - Việt Lang
(2) 1954 cha bỏ quê, 1975 con bỏ nước - Phạm Duy
(3) "Con người bị kết án vì tự do" - Jean Paul Sartre
(4) "I Dreamed A Dream", bài hát trong nhạc kịch Les Misérable
(5) "Nếu muốn hòa bình, anh phải chuẩn bị cho chiến tranh"