Những người ủng hộ Luật sư Lê Quốc Quân. (Nguồn: blog Anh Ba Sàm) .Internet đang ‘bùng nổ’ ở Việt Nam với hàng triệu người sử dụng nó trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong lúc người dùng Internet tăng thì chính phủ cũng ngày càng tỏ ra khắc nghiệt hơn với giới bất đồng chính kiến trên mạng.
Việt Nam là nước có lượng người sử dụng Internet tăng nhanh nhất thế giới. Người dân vào mạng để tìm kiếm những thông tin hoặc chương trình khác thay vì những thông tin, chương trình do các cơ quan truyền thông do nhà nước điều hành công bố.
Tuy nhiên, đối với các blogger viết về các vấn đề chính trị thì nỗi lo sợ là điều vẫn triền miên ám ảnh họ trong cuộc sống hàng ngày.
Trong bản phúc trình ‘Các blogger bị tù ở Việt Nam’ Ủy ban Nhân quyền Việt Nam nói rằng chỉ trong một năm, Việt Nam đã kết án tù 22 blogger với mức án tổng cộng lên tới 133 năm.
Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, nói: “Các blogger trẻ tuổi bị đe dọa, quấy nhiễu, đánh đập, bắt bớ và bị kết những án tù rất dài hạn chỉ vì họ viết blog chỉ trích nạn tham nhũng hoặc đề cập tới quyền sở hữu đất đai hay quyền của phụ nữ. Hoặc họ viết về những vấn đề bình thường mà người dân đang phải đối mặt hàng ngày như đời sống, trong đó vật giá leo thang trong lúc các đảng viên sống rất sung túc.”
Phóng viên Zoe Daniel của Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc ABC đề cập tới trường hợp của blogger nổi tiếng Điếu Cày và các thành viên khác trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Hồi tháng Chín năm ngoái, Điếu Cày bị kết án tù lên tới 12 năm về “tội tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Một người viết cho mạng Dân Làm Báo cho hay người ta “theo dõi, xem email, nghe lén điện thoại và đôi khi đánh đập bạn”.
Trong hoạt động mới đây nhất nhằm trấn áp người bất đồng chính kiến, hồi tháng trước Việt Nam đã kết án tù nhiều nhà hoạt động ôn hòa tổng cộng hơn 100 năm tù.
Phóng viên Zoe Daniel nêu trường hợp của Luật sư Lê Quốc Quân, người bị bắt hồi gần đây và kể từ ngày đó người ta không biết gì nữa về số phận của ông.
Zoe Daniel cũng nói về trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị tù 4 năm hồi năm 2007 và hiện bị quản chế ở Hà Nội.
Trong lần nói chuyện trước đây ông Quân, và nay là ông Đài, đều cho biết về tình trạng quấy nhiễu, đe dọa nhà cầm quyền áp dụng đối với hai ông.
Úc là một trong một số ít quốc gia vẫn đang thực hiện các cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam. Trong tài khóa 2012-13 Úc cam kết viện trợ cho Việt Nam gần 135 triệu đô la.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động người Úc gốc Việt Nam nói rằng dù vậy, tình hình vẫn không hề thay đổi. Ông Đoàn Việt Trung nói ông hy vọng chính phủ Úc sẽ lưu tâm tới các đề nghị do một ủy ban điều tra Quốc hội đưa ra. Trong đó có việc có thêm các nhà lập pháp của Úc tham gia vào tiến trình đối thoại và Bộ Ngoại giao Úc phải tham khảo ý kiến một cách sâu đậm hơn với các tổ chức phi chính phủ của Úc.
Theo nhận định của bà Faulkner và phóng viên Zoe Daniel, mặc dù phải đối diện với tù tội, các blogger vẫn thề quyết tiếp tục viết blog để bày tỏ quan điểm. Theo bà Faulkner “ta không thể mở cửa đất nước nhưng cùng lúc lại bịt miệng không cho người dân phát biểu”.
Source: ABC Australia