Năm 1985. Tôi còn nhớ năm đó trong nước tổ chức lễ kỷ niệm mười năm “giải phóng miền nam” thật lớn. Không biết ngoài Hà
nội thế nào, nhưng trong Sài gòn thì nội cái tin: có phóng viên báo chí của Mỹ trở lại Sài gòn sau mười năm bặt tăm đã làm
chấn động giới tò mò!
Nhưng tôi cũng đâu có tư cách gì để lọt vào Dinh Độc lập, dù chỉ để được thấy phóng viên Mỹ. Tôi chỉ là thằng mê máy ảnh;
cũng may là mẹ tôi buôn bán thuốc tây lậu thời đó nên có tiền, cho thằng con có được hơn một cái máy ảnh đời mới thời đó đã
đủ hãnh diện ở Sài gòn. Nhưng tôi nghe bạn bè bon chen vào được Dinh Độc lập kể lại, “…phóng viên Mỹ đeo ống kính lủng
lẳng khắp người như thợ săn đeo ống nhắm, có cái ống kính dài nửa thước…”
Tôi bần thần rất nhiều ngày vì không hình dung ra được những cái ống kính mà phóng viên báo chí Mỹ họ dùng! Tôi đang nghĩ
vẩn vơ là cái ống kính dài nửa thước tây thì người chụp ảnh có thể lấy được tấm ảnh từ xa cả cây số không chừng…
Nhưng những suy nghĩ của tôi trong một buổi chiều nằm nhà vì hết tiền đi rong, đã bị tiếng cửa rào mở làm tan biến! Không lẽ
mẹ tôi về sớm, vì ngoài mẹ ra, không lẽ tôi có người đến thăm! Còn chuyện ba tôi về nhà bất tử là chuyện khuya khoắt chứ
không phải giờ này! Bởi lần cuối mẹ tôi đi thăm ba cách đó chừng một tháng. Mẹ về, mệt hơn những lần đi thăm trước; đặc
biệt là không kể chuyện gì về ba, không nói lại những lời nhắn của ba cho tôi, mà chỉ nói gọn lại cho tôi nghe mỗi một câu, “Ba
mày, vượt trại rồi! Không biết sống chết ra sao!”
Với gia đình chỉ có ba người, thì ba tôi đã không tin tức. Mẹ tôi khi không bị á khẩu, vì không dám hé miệng với ai, ngay người
trong gia đình hai bên nội ngoại, nói chi tới hàng xóm hỏi thăm ba…
Đúng là hôm đó mẹ tôi về nhà sớm, nhưng sau lưng bà còn có cô gái Bắc. Tôi chưa thấy cô gái Bắc nào thon thả hơn vì trong
trường chúng tôi thường trêu ghẹo bạn bè ngoài Bắc vào là bọn ăn củ nên đứa nào cũng hình củ. Sao ở đâu ra cô gái Bắc
dong dỏng cao, trắng muốt như sữa, gương mặt lạ lùng là con gái mà cằm vuông như đàn ông mặt chữ điền; đôi mắt sáng
lạnh…
Tôi chỉ nhìn qua được thế, rồi thấy mình bất nhã nên vọt lên lầu mặc cái quần dài vì tôi đang mặc xà lỏn.
Khi trở xuống lầu, tôi thấy mẹ tôi đưa cô ta đi xem nhà – như người mua nhà! Tôi nghĩ, ừ thì bán đi. Được đồng nào đỡ cực
cho mẹ đồng nấy chứ tình hình ba tôi thì thể nào công an chả vịn cớ mà tịch thu nhà. Nhưng cô gái lạ lùng là khoanh tay trước
ngực một cách lễ phép, không có sự hống hách đầy ngớ ngẩn của người ngoài Bắc vào thuở ấy!
Cô đi quan sát hết căn nhà, từ trên xuống dưới; từ trong ra ngoài… rồi trở vào phòng khách, nói chuyện với mẹ tôi.
Điều tôi nghe được khi theo lệnh mẹ, đi làm nước uống để mời cô ta.
Tôi nghe cô ta nói với mẹ tôi, “…Cô có căn nhà rất tốt về mọi phương diện. Nhưng căn nhà của cô cũng như người ta vậy! Cái
thời của người đó đã qua; phong thủy của căn nhà đã hết vượng mà sát chủ. Cô cố giữ căn nhà cũng không được, mà còn có
thể nguy hại cho cô. Cháu xin nói rõ, căn nhà này vẫn giữ một vị thế rất tốt, nhưng cho người khác chứ không phải là cô nữa,
cô nên bán đi, càng sớm càng tốt…”
À! Thì ra là cô thầy bói. Tôi bưng nước chanh ra mời cô ta dùng. Sau đó lên phòng tôi trên lầu, nhưng không vô phòng mà
ngồi thụp xuống lan can cho người dưới phòng khách nhìn lên không thấy tôi, nhưng tôi nghe được hết chuyện dưới phòng
khách.
Cô ấy nói về ba tôi như sau, “Chú đã vượt ngục. Những nguy hiểm đã qua. Hiện chú đang được một người đàn ông là dân tộc
thiểu số, người này có tật ở chân trái nên đi khập khiễng. Hiện người này đang che chở cho chú. Thím không phải lo nghĩ
nhiều. Phần chú là người suy nghĩ rất sâu xa, chú tính ra được hết những gì cô sẽ phải đối mặt sau khi chú trốn trại. Chú chờ
cho vụ việc lắng xuống thì sẽ tìm cách liên lạc với cô. Cô yên tâm. Cô cứ yên tâm là chú không bị chết đâu…”
Cô ấy nói về tôi, “Cô đang rất mệt mỏi, lo lắng, và bất an đủ thứ… Nhưng mọi thứ đã ngoài khả năng của cô. Người đang hợp
tác làm ăn với cô là người trong gia đình, người này là đàn ông, có râu quai nón. Tuy không chủ tâm nhưng vì hoàn cảnh khiến
ông ta có thể phản cô, rồi sau đó đền bù chứ không phải lừa gạt. Điều cô có thể và nên làm là chú ý hơn tới người con trai của
cô. Anh ta đang có những toan tính nguy hiểm cho chính bản thân mà không biết!”
Tôi chưa bao giờ tin thầy bói. Nhưng nghe được những lời từ cô gái mới gặp lần đầu, làm tôi dựng tóc gáy! Vì người đàn ông
đang làm ăn với mẹ tôi là cậu tôi. Cậu cũng vừa nói riêng với tôi là cậu có thể bị nguy hiểm. Cậu sẽ dông ra nước ngoài không
biết lúc nào! Người gánh hậu hoạn là mẹ tôi. Tôi phải chuẩn bị tinh thần để giúp mẹ, và tiền bạc cậu để lại chỉ tôi biết chứ
không cho mẹ biết vì sợ mẹ bị điều tra rồi khai ra hết…!
Phần tôi đang âm mưu cùng bạn bè làm một chuyện kinh thiên động địa ở Sài gòn, thì nhụt chí ngay…
Cô gái có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi từ ánh nhìn đầu tiên càng kỳ lạ hơn! Tôi nhất định không để cho cô ta thôi miên mình.
Nên khi mẹ tôi gọi xuống nhà, ngồi đối diện với cô ấy trên cái bàn mênh mông ở phòng khách nhà tôi. Cô ấy nói, “Anh cho tôi
xin chữ ký mà anh thường dùng; đang dùng là tốt nhất. Tôi hy vọng có thể giúp anh được chút gì đó, như mẹ anh yêu cầu…”
Tôi ký chữ ký của thằng bạn mới bị tai nạn giao thông chết cách đó một tháng. Cô ấy nhìn không lâu, và nói, “Anh bỏ ngay cái
chữ ký này. Vì anh sẽ bị chết bất đắc kỳ tử…”
Cô ấy định nói thêm. Nhưng không nói gì thêm nữa. Có lẽ do đã biết mình bị gạt!
Chuyện còn lại là mẹ tôi tuốt ngón tay, trao cho cô ấy cái khâu vàng y hai chỉ. Cô ta nhất định không nhận, “vì cháu cảm nhận
được cháu cần nói với cô những gì cháu biết chứ không phải vì tiền thù lao…”
Chính tôi đưa cô ấy về khách sạn. Nhưng khi tôi trở về nhà thì mẹ tôi vẫn ngồi bất động ở phòng khách. Mẹ tôi nói, “Cô ấy là
bà thầy nổi tiếng ngoài Bắc, do mấy người chủ cả trong Sài gòn mời vào xem bói. Mẹ đâu có tiền để trả cho cô ấy như người
ta; mỗi người cho cô ấy hai, ba cây vàng. Nhưng cô ấy tự nói riêng với mẹ khi gặp mặt, là ‘cháu có mấy chuyện muốn nói riêng
với cô’!
Mẹ đưa cô ấy về nhà vì cũng nóng lòng muốn biết tin tức về ba con. Nhưng, mẹ trả hai chỉ, không đáng cho người ta nhận…”
Ý mẹ tôi là còn tiếc, nếu như có hai, ba cây vàng để trả công thì cô ấy sẽ nói rõ hơn về tình hình của ba tôi, về công việc làm
ăn của mẹ tôi… Nhưng với tôi lại nghĩ khác, không biết từ đâu tôi suy nghĩ nhiều về việc mẹ tôi không phải là người mời cô ta
từ Bắc vào Sài gòn để xem bói. Vậy sao cô ta (có thiếu gì khách có tiền, sao nhắm đúng vào mẹ tôi để nói, “cháu có vài việc
muốn nói riêng với cô”. Cho dù là việc gì thì cũng chắc chắn không phải vì tiền!
Cô Bắc kỳ nho nhỏ đã đưa tôi vào một cuộc chơi mới thay cho đam mê máy ảnh. Tôi đến khách sạn tìm cô hai lần đều không
gặp; lần thứ ba nhận được mảnh giấy, “Xin lỗi anh là em quá bận nên biết anh sẽ đến tìm nhưng không đợi được. Lần này anh
tới thì em đã về Hà nội. Thành thật xin lỗi anh. Mong cho những gì em biết là có thật. Chúng ta sẽ có cơ hội gặp lại…”
Tôi chưa bao giờ mê nhan sắc của cô ta khi diện kiến. Nhưng khi thành kiến nam bắc phai bớt đi. Cô ấy xuất hiện nhiều trong
giấc mơ của tôi, giấc mơ nam nữ thường tình, và cả giấc mơ nghệ thuật khi tôi nghĩ tới cái cằm vuông trên gương mặt một cô
gái thì tấm ảnh đen trắng sẽ có góc cạnh đặc biệt về cái xương hàm, có ánh sáng (có thể) mê hoặc hơn những gương mặt
hình trái xoan, gương mặt đầy đặn của nữ giới…
Tôi đi Bắc chuyến tàu hỏa ngay sau khi nghỉ hè năm đó vì không còn chịu nổi những đêm dài lắm mộng. Và tôi trở về là hai
người. Về tới Sài gòn thì mẹ tôi đang chờ chúng tôi để vượt biên. Đặc biệt là cha tôi đang ở một nơi bí ẩn cho tới ngày vượt
biên của gia đình. Đặc biệt thứ hai là cha tôi có người anh em kết nghĩa cùng đi là ông người Thượng (có tật ở chân trái) đã
che giấu và nuôi ba tôi sau khi trốn trại…
Đám cưới tôi diễn ra trên đảo, ngoài cô dâu chú rể chỉ có ba mẹ tôi và chú Thon. Tôi mang ơn chú vì ngoài việc cứu ba tôi bị
sốt rét hành trên đường vượt trại cải tạo. Chú che giấu và nuôi ba tôi trong rừng. Thân chú tật nguyền, không rành tiếng Việt
mà dám lặn lội về Sài gòn để bắt liên lạc với mẹ tôi. Và cái ơn bên đảo là ba mẹ tôi muốn tôi với bà thầy giữ nguyên hình
nguyên trạng sang Mỹ để còn lo ăn học. Nhưng chú thật thà nói ra với ba mẹ tôi, hai đứa nó như nỏ với tên đã giương lên, bắn
không trúng nai cũng trúng cây rừng… Đại khái chú nói là lửa với rơm đã ở chung chòi thì trước sau cũng cháy nhà. Cho tụi nó
thành vợ chồng, rồi khi có cơ hội thì ăn học sau cũng đâu có muộn…
Cả hai vợ chồng tôi mang ơn chú điều đó.
Nhưng qua Mỹ được mười năm. Ba mẹ tôi ly dị vì ba tôi có người đàn bà khác trẻ đẹp hơn. Chú Thon tuyệt tình huynh đệ với
ba tôi. Nhưng chú tu tại gia để tích phước cho mẹ tôi vì chú tin mẹ tôi là mẹ của chú! Một sự đền bù theo niềm tin của người
dân tộc, tôi không thông nhưng hiểu ý chú giải thích, nếu mẹ mình mất một cách đột ngột, thì núi rừng sẽ đền bù cho mình
một người mẹ khác để thương kính.
Chuyện về chú Thon của tôi như chuyện đường rừng, chú không biết cha mình là ai vì bộ tộc của chú còn mẫu hệ. Nhưng hai
mẹ con chú bị gấu tấn công, mẹ chú hy sinh để con được được sống – và chú bị gấu phặp một phát gẫy xương chân nên cà
nhắc suốt đời. Chú tin những đối xử của mẹ tôi với chú suốt từ khi quen biết là đối xử của mẹ chú “tái thế” để lo lắng, chăm
sóc cho đứa con ngoan. Chú không bao giờ quên mẹ mình trong đời sống hằng ngày của chú. Đơn giản như ăn cơm, cả nhà
cùng ngồi vô bàn, cứ ăn. Nhưng chú bưng chén cơm của mình ra sân (bất kể nắng mưa hay tuyết rét…) chú mời mẹ ăn cơm
trước, rồi mới vô nhà, ngồi xuống bàn, cùng ăn với mọi người. Khi chú có quà, (nhiều nhất là từ vợ tôi mua cho chú). Chú bưng
ra sân, báo cho mẹ trên trời biết! Rồi đem vô nhà – dâng cho mẹ tôi. Khi nào mẹ tôi cho lại chú thì chú mới mời mọi người –
nếu là quà ăn được; còn như cái áo lạnh thì chú ướm thử cho hết người trong nhà rồi mới mặc vô cho mình.
Nhớ nhất là lần vợ tôi mua được bình rượu cần của người Thượng, đem về tặng chú. Chú mừng như được vàng. Đem ra sân
dâng mẹ trên trời, rồi bưng vô nhà dâng mẹ ngồi ghế sofa… Hồi chú đi rửa mình như thánh lễ đâu đó xong xuôi, chú ngồi xếp
bằng trước lò sưởi để thưởng thức, tôi ngồi xuống bên chú với cái ly, “Chú hút một hơi thì cháu hút ra ly rồi cháu uống…”
Đâu ngờ mắt chú đỏ lên, “Mày đi chỗ khác, không được hỗn…”
Chuyện chú Thon còn nhiều kỳ bí mà khi khác tôi kể tiếp. Vì mỗi chuyện uống rượu thì chú không biết uống rượu nên bình
rượu cần chú uống mười năm chưa hết! Nhưng mỗi lần uống rượu cần là phải đi rửa mình cả tiếng đồng hồ, thay đồ dân tộc
chứ không mặc áo vét; ngồi xếp bằng trước lò sưởi trong căn nhà im vắng, uống hơi rượu mà tưởng nhớ núi rừng và tiền nhân
của chú.
Chỉ biết từ khi ba mẹ tôi ly dị. Chú Thon chăm sóc mẹ tôi hơn. Có những nửa đêm, tôi say xỉn tới ngại về nhà, ngại gặp vợ. Tôi
về nhà mẹ tá túc qua đêm. Hình ảnh chú ngủ ngồi ngoài cửa phòng mẹ tôi vì mẹ tôi cảm cúm. Chú sợ mẹ gọi chú không nghe
nếu chú ngủ ở phòng chú… Thâm tâm tôi thật muốn chú ngỏ lời cầu hôn với mẹ tôi đi vì đàng nào ba tôi cũng đã sai trong tình
nghĩa với mẹ tôi. Chú đến với mẹ tôi để thành hai người bạn già cũng rất tốt. Nhưng ngay mẹ tôi cũng không dám xúc phạm tới
niềm tin của chú là mẹ tôi là người mẹ tái thế của chú. Nên căn nhà đầu tiên của gia đình tôi từ khi đến Mỹ, bây giờ chỉ có mẹ
tôi sống với chú Thon – mặc hàng xóm Mỹ nghĩ gì mặc họ; mặc đồng hương thấy chú đẩy xe chợ cho mẹ tôi trong siêu thị…
Còn tôi với bà thầy, tất cả diễn biến của gia đình tôi. Bà thầy đã nói cho tôi nghe từ trước. Ngay người mẹ kế của tôi, dì rất tốt
với tôi và cả mẹ tôi. Nhưng dì mang thương tích trong mình thì chỉ bà thầy biết là dì bị miểng bom! Và dì công nhận.
Trong gia đình tôi bây giờ, mẹ với dì kế như chị em – tại phần số, tại duyên phận thế thôi! Cả hai bà cùng tin như thế nên đâu
ai chống đối cho sinh chuyện! Đứa em cùng cha khác mẹ với tôi, nó sống với má lớn từ nhỏ chứ không phải má ruột. Mẹ tôi lo
cho nó hơn cả lo cho tôi ngày xưa với niềm tin từ bà thầy, “mẹ có người con trai đầu lòng, người con gái kế tiếp, nhưng bị hư
thai. Nhờ mẹ ăn ở có tình nghĩa nên trời sai người khác sinh cho mẹ đứa con gái. Tuy nó không do mẹ sinh ra nhưng nó là con
của mẹ…”
Thôi thì mẹ tôi cưng con bé từ khi lọt lòng. Nên ba tôi với dì không phản đối vì có thời giờ cho nhau hơn. Còn bé tôi không ưa
tiếng khóc của nó, nhưng từ khi biết nói thì tôi mê hai tiếng “anh Hai”, nó cứ lẽo đẽo theo tôi tới hết cuộc đời…
Chú Thon với mẹ tôi ở chung mái nhà – là hai người mà ngay ba tôi rất kính trọng. Dù chú chỉ tin là chú đang sống với mẹ chú
(tái thế) phải hết sức hiếu thảo với mẹ già (dù chú già hơn mẹ).
Còn tôi với bà thầy, chưa bao giờ cãi nhau. Thầy nói với tôi hôm xưa lắm rồi, “Em biết anh, thậm chí em thấy được anh, và tin
đó là người chồng của mình. Em chỉ không ngờ là gặp mẹ chồng khi em còn trẻ quá”!
Bà thầy tả con nhỏ em tôi từ khi chưa sanh, và nó đúng như vậy! Làm dì tôi cũng tin bà thầy một phép…
Nhưng bà thầy cũng tin là mẹ tôi là mẹ của chú Thon – điều duy nhất bà thầy không trưng ra được bằng chứng, mà chỉ cảm
tính…
Thôi thì bà thầy có cái cằm vuông như người đàn ông ngang ngạnh đã nuốt hết tiền tôi mua phim để chụp hình. Tấm ảnh nghệ
thuật đoạt giải nhiếp ảnh thì không có, nhưng có cuộc sống gia đình êm đềm với người vợ Bắc là tôi mãn nguyện. Cô chẳng
bao lớn tiếng dù khi giận ngập lòng cũng chỉ nói tới mức, “Thôi em xin lỗi bố nó; mẹ xin lỗi các con. Mẹ đi nghỉ.”
Khi tôi còn trẻ, con còn nhỏ. Thì đúng là mẹ nó đi nghỉ một mình. Nhưng khi tôi đã già, con đã lớn, thì cả đám ngồi chân
giường im lặng – như một lời xin lỗi.
Và, bà thầy không bao giờ làm người khác thất vọng! Lần nào cũng trở dậy ôm hôn chồng con. Không kể mấy giờ khuya, sẽ
đích thân ra bếp pha bình trà, bánh trái lúc nào chả có trong nhà… mọi mỏi mệt của người thân tiêu tan trong niềm vui gia đình.
Hôm nay giỗ chú Thon, (là vợ tôi giành đặc quyền) được tổ chức giỗ chú mọi năm. Ba tôi, mẹ tôi, dì kế của tôi, tôi, vợ tôi… ai
thắp nén hương cho chú cũng thành kính. Đám con cháu không biết gì nên chỉ vui sum họp. Nhưng những người muôn năm
cũ đã già đều tiếc thương một người dân tộc anh em – chú để lại quá nhiều tình nghĩa trong gia đình tôi…
Mọi người ra về. Điều dì nói còn âm vang trong gia đình kỳ quặc của tôi, dì nói với mẹ tôi, “Chị. Anh còn ngày nào không biết,
nhưng chuyện tới sẽ tới. Chị đứng chủ tang như nguyện vọng của anh nha chị. Em xin chị…”
Mẹ tôi đã già, “Tôi không thương dì thì có hôm nay sao? Nhưng tôi hiểu được có hôm nay từ chú Thon. Ba tụi nhỏ nằm xuống
không khó lo toan mọi bề, chỉ đáng lo là con cháu có tưởng nhớ như tụi nó thương chú Thon trong gia đình…”
Còn tôi với bà thầy ngồi tính sổ nhân duyên sau khi người lớn ra về. Bà thầy ít nói theo thời gian nên tôi nghe kỹ lắm! “Em
chẳng có học hành gì về khoa tướng số, chiêm tinh. Em xong lớp 12, không đi xin được việc làm nên cứ nằm đói ở nhà mà
đọc sách. Đầu tiên, em nhận ra tâm lý con người là giấc mơ của ông vua thường thấy ông là mục đồng chăn trâu cho nhẹ đầu
với việc nước khó tính toán. Trong khi mục đồng chăn trâu thường mơ thấy mình là hoàng đế để vinh hoa. Nhưng giấc mơ của
em có khác là em thấy – tiếp xúc được với những người đã khuất từ lâu! Lạ lùng là sáng ra, kiểm chứng lại thì người đó có
thật, đã mất từ khi em chưa sinh ra đời! Có người nhờ em nhắn lại với gia đình họ là họ mất ở đó, ngày tháng đó, vì lý do gì
đó… Điều không ngờ là khi em nói thì người nhà của họ tìm được di thể thân nhân, biết được nguyên do cái chết… Em thành
bà thầy với những đồn thổi hơn là thực tài…”
Nhưng lần em ngại ngùng nhất là có người bạn trai ngỏ lời với em. Em bỗng rùng mình khi thấy người ấy không phải là chồng
mình. Và, vậy chồng mình là ai? Em tự đi tìm kiếm trong những suy luận thầm kín nhất. Và em đã dần dần thấy ra được hình
ảnh của anh. Nhưng anh ở đâu thì không biết!
Đến khi vào Sài gòn xem bói cho người ta, bỗng gặp mẹ anh như gặp người thân bị thất lạc đã lâu! Em đặc biệt chú ý đến mẹ;
là nguồn gốc của quan hệ của chúng ta sau này…”
Tôi sống với bà thầy có ba mươi năm rồi, có hai mặt con. Nhưng không có nghĩa là tôi hiểu hết được vợ tôi; tôi chỉ yêu thương
và tin vợ tôi, vì chưa từng có chuyện gì làm khó xử cho nhau trong đời sống, không hề có chuyện gì làm e ngại nhau tới không
dám nói. Nhưng vẫn là không hiểu – cho tới một hôm, vợ tôi tự nói: “Ngày nhỏ, em cảm nhận được một việc gì, em cứ kiên
nhẫn suy xét, đến bao giờ tỏ rõ mới thôi! Và theo thời gian thì em hiểu được không có việc gì không để lại nguyên do của việc
đó cho người muốn tìm hiểu. Rồi kinh nghiệm tìm hiểu sự việc tích lũy được sẽ giúp cho thời gian tìm hiểu một sự việc khác
rút ngắn lại.
Nhưng sau khi em lập gia đình, em chỉ cảm nhận được sự khác thường đang xảy ra bên mình. Nhưng sức hình dung ra điều
gì đang xảy ra thì thường mất phương hướng; còn với một việc đã rồi như nhìn ngôi mộ, em không còn đoán ra người trong
mộ chết vì lý do gì được nữa!”
Dù sao tôi cũng tin là vợ tôi có sức suy đoán sự việc hơn người, có kinh nghiệm suy đoán; tôi vẫn cố gắng không tin vào lĩnh
vực siêu nhiên, nhưng lại không giải thích nổi cho trình độ hết lớp 12 của một học sinh miền Bắc sao lại thấu hiểu nhiều điều
siêu thực. May là bà thầy vốn người ít nói, càng già càng ít nói hơn nữa. Gần như chỉ trả lời khi có ai hỏi chứ không tự nói với ai
bao giờ. Và bây giờ thì có nhiều bằng chứng xuống cấp về trí nhớ; chưa tới sáu mươi mà đễnh đãng kinh khủng, cái gì cũng
có thể quên, nhầm lẫn giữa quá khứ và hiện tại; đôi khi nói ra tương lai không suy nghĩ, làm tôi hú vía nhiều phen…
Không biết trở trời hay thời tiết thất thường làm người bạn quen biết lâu năm nhưng chưa bao giờ anh ta tâm sự với tôi nhiều
như hôm nay, nhất là về chị nhà và chuyện gia đình anh ta. Nhớ lại những người cùng quen biết vợ chồng anh, có lẽ chưa ai
được nghe về năng lực siêu nhiên của chị. Riêng tôi vẫn cảm thấy chị khác lạ hơn người khác ở điều gì đó mà hai mươi năm
nay tôi cứ cho là cái cằm vuông trên gương mặt người nữ làm cho chị đẹp khác với những người nữ khác; cung cách Bắc của
chị và giọng nói làm cho những người gốc Bắc ưa hoài tưởng tới người thân của mình; còn bạn bè người Nam thì nhái giọng
với ý trêu ghẹo cho vui chứ cũng không ai có ác ý gì…
Có thể có những người hiếm hoi có một năng lực hơn người. Nhưng tôi đã lậm vào suy tư, sao chị không dùng năng lực đặc
biệt đó để giúp anh thành công hơn trong chứng khoán mà để anh te tua như cái mền rách nhiều phen. Hay lĩnh vực siêu nhiên
không liên quan tới thị trường chứng khoán; thậm chí là kỵ. Chứ không lẽ vợ biết mà để chồng thất bại thì cả nhà ăn đất sao?
Thật khó hiểu cho vợ chồng anh bạn. Nhưng biết rồi thì có ngày, tôi cũng cạy được miệng chị vài câu về “số con rệp” của tôi
sẽ đi về đâu…?
Phan