Quốc hội Canada thông qua Luật '30/4'Thượng nghĩ sỹ gốc Việt ông Ngô Thanh Hải (bên phải) là người hỗ trợ việc trình đạo luật '30/4'.
Cuối cùng điều chờ đợi 40 năm nay đã tới như câu nói kinh điển rằng “Hãy trả cho César những gì của César”.
Dự luật S-219 “Ngày Hành trình đến Tự do” do Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải bảo trợ đã được Quốc hội Canada chính thức biểu quyết thông qua chiều ngày 22/4/2015 lúc 19 giờ 15 phút giờ Ottawa, Canada, tức 7 giờ 15 phút sáng ngày 23/4/2015 giờ Hà Nội, kết thúc quy trình lập pháp kể từ ngày 10/4/2014.
Đạo luật này chính thức công nhận ngày 30 tháng 4 là ngày quốc lễ Canada để tưởng niệm những nạn nhân cộng sản Việt Nam đã liều chết vượt biên ra đi tìm tự do và cũng để cảm ơn chính phủ và nhân dân Canada đã rộng lượng dang rộng vòng tay cưu mang họ gần 40 năm qua.
Điều 2 quy định rằng “Khắp đất nước Canada, hàng năm và mỗi năm, ngày thứ Ba mươi của tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là “Ngày Hành trình đến Tự do”.
“Khắp đất nước Canada, hàng năm và mỗi năm, ngày thứ Ba mươi của tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là “Ngày Hành trình đến Tự do”Điều 2, đạo luật S-219
Đạo luật này theo một số Thương nghị sỹ và Dân biểu Canada rằng nó cũng ghi nhận sự trỗi dậy mãnh liệt và những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Canada.
Một đạo luật không những làm ấm lòng hàng trăm ngàn người Việt tại Canada mà còn là một niềm an ủi, động viên lớn lao cho cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới.
Những mất mát đau thương như đang được chia sẻ và làm lành lại hầu tạo thêm niềm tin cho họ vào công cuộc đấu tranh cùng đồng bào quốc nội cho một tương lai Việt Nam mới, tự do, dân chủ và thịnh vượng.
Một đạo luật dù trong toàn bộ quá trình lập pháp còn có những dư luận trái chiều nhưng là một đạo luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hầu hết tất cả các Dân biểu và Thượng nghị sỹ Canada.
Đạo luật “Ngày Hành trình đến Tự do” một lần nữa để nhắc nhở mọi người chúng ta nên có cái nhìn trung thực và khách quan về lịch sử. Chúng ta có thể không cùng quan điểm, thậm chí chúng ta có thể đã từng là những đối thủ không đội trời chung với nhau nhưng chúng ta không thể chỉ viết lịch sử cho riêng những người thắng cuộc.
Lịch sử phải luôn công bằng và chỉ nhìn nhận những diễn biến trung thực. Việc đánh giá phê phán lịch sử nên cần hết sức cẩn trọng hầu giúp những thế hệ mai sau tránh đi những cái nhìn lệch lạc, một chiều.
'Ngày hòa hợp, hòa giải'
Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải (trái) trong lần tiếp đoàn quan chức Việt Nam tới Quốc hội Canada.
Ngày 30 tháng 4, ngày hội hòa giải, hòa hợp
Đối với nhiều đảng viên đảng cầm quyền thì “Nhiều người Canada không biết những câu chuyện của thuyền nhân Việt Nam. Ngày này, 30 tháng 4, là ngày [chế độ] Sài Gòn sụp đổ, ngày mà cuộc chạy [tỵ nạn] của người dân miền Nam Việt Nam bắt đầu, ngày mà người Canada sẽ tìm hiểu những gì những người này sẽ làm và đến mức độ nào để họ thoát khỏi những cuộc đàn áp, để nắm lấy sự tự do cho bản thân và cho gia đình của họ”, ông Mark Adler, người đồng bảo trợ dự luật trên cho biết.
Và ông cũng muốn người Canada đừng bao giờ quên rằng đã có hàng triệu Việt Nam sau ngày này đã “chạy trốn sự đàn áp của cộng sản, chạy trốn tù đày, chạy trốn trong rất nhiều trường hợp, cái chết”. Và còn có rất nhiều người khác đã chết mà điển hình trong đó có trên 250.000 thuyền nhân đã vùi sâu vĩnh viễn thân xác họ dưới lòng đại dương bao la.
Ông Dân biểu Mai Hoàng, một chính trị gia Canada gốc Việt trẻ tuyên bố như sau: “Để được rõ ràng, tôi sẽ ủng hộ dự luật. Tôi đã bỏ phiếu thuận ở vòng hai và tôi sẽ bỏ phiếu cho thuận ở vòng ba (cuối cùng). Như tôi đã nói, đối với tôi đó là một cách để tưởng nhớ cội nguồn, nhớ nguồn gốc của tôi, để ghi nhớ nơi quê hương của cha mẹ tôi, và nhớ những người từ Việt Nam. Đó là một cách để tôi hiểu vì sao Canada nơi tôi đang sống là một xứ sở tuyệt vời, nơi mà họ thực sự mở cửa và nơi mà người dân có nguồn gốc khác nhau đều được chào đón.”
Tôi đã bỏ phiếu thuận ở vòng hai và tôi sẽ bỏ phiếu cho thuận ở vòng ba (cuối cùng). Như tôi đã nói, đối với tôi đó là một cách để tưởng nhớ cội nguồn, nhớ nguồn gốc của tôi, để ghi nhớ nơi quê hương của cha mẹ tôi, và nhớ những người từ Việt NamDân biểu Canada, Mai Hoàng
Vì thế ngày 30 tháng 4 phải là ngày hội hòa giải, hòa hợp hơn là một ngày chia rẽ, hơn thua, hận thù. Canada không phải là một quốc gia như thế; Canada được thế giới biết như một sứ giả thiện chí của hòa bình; Canada kêu gọi tình người, kêu gọi thương yêu, xây đắp tương lai tươi sáng.
Đó cũng là ý nghĩa trọn vẹn của hai chữ “Tự do”. Chúng ta sẽ không thể có tự do, nếu như chúng ta không biết tha thứ vì chỉ có tha thứ chúng ta mới vứt bỏ được ưu phiền mà an nhiên tự tại. Chúng ta sẽ được tự do khi tất cả các sận si, thù hận đã được hóa giải, nằm yên trong quá khứ.
Cuối cùng, ngày 30/4 đã, đang và sẽ tiếp tục là một ngày trọng đại trong lịch sử Việt Nam, một ngày mà bất cứ ai dù buồn hay vui đều có cơ hội bình đẳng để hồi tưởng, để suy ngẫm về những bước thăng trầm của đất nước, để rút tỉa những bài học đớn đau của quá khứ, để từ đó có thể vượt qua được những hố sâu ngăn cách, những vũng lầy thù hận, tiến đến bên nhau trong tình tự dân tộc, cùng nhau tiến về phía trước vì tiền đồ sáng lạng của Việt Nam.
30 tháng 4: Hãy cùng mơ ước một giấc mơ hoà giải, hoà hợp dân tộc. Một ngày không chỉ riêng người thắng cuộc hỉ hả hay một ngày buồn đau uất hận cho người thua cuộc mà là một ngày của toàn dân Việt Nam hướng đến tương lai một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng.
Cảm ơn Canada đã cho tôi hồi sinh trong giờ tuyệt vọng. Một 30 tháng 4 tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng.
Luật sư Vũ Đức Khanh gửi cho BBC từ Ottawa, Canada
Sửa bởi người viết 24/04/2015 lúc 08:17:08(UTC)
| Lý do: Chưa rõ