Cảnh sát ngăn cản những người biểu tình đòi dân chủ tiếp cận Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh, 22/05/2015.
REUTERS/Tyrone Siu
Ngày 22/04/2015, Bắc Kinh chính thức loại bỏ những yêu cầu của người dân Hồng Kông. Ba tháng biểu tình ôn hòa trong suốt mùa thu năm 2014, cuối cùng phe dân chủ vẫn không đạt được bất kì một nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Báo Le Monde phân tích kế hoạch của Bắc Kinh liên quan tới cuộc bầu cử Trưởng đặc khu sẽ diễn ra vào năm 2017.
Người Hồng Kông vẫn được đi bầu cử trực tiếp nhà lãnh đạo đặc khu kinh tế. Thế nhưng, danh sách các ứng cử viên chỉ gồm những người thân đảng Cộng sản Trung Quốc được xét duyệt trước. Không một nhà đối lập hay ứng viên tự do nào có thể ra tranh cử. Kế hoạch này đi ngược hoàn toàn với thỏa thuận giữa Luân Đôn và Bắc Kinh.
Phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã bị chia rẽ về các bước tiến hành sau này. Các cuộc thăm dò cho biết người dân cũng do dự. Không cần mạnh tay, Bắc Kinh đã biết cách bóp nghẹt cuộc cách mạng « cây dù » và không hề nhượng bộ Hồng Kông. Đây cũng là chính sách bàn tay sắt của chủ tịch Tập Cận Bình. Bài xã luận trên Le Monde nhận xét hai nhà lãnh đạo Trung Quốc đã biết cách phân chia trách nhiệm. Khi mà thủ tướng Lý Khắc Cường dần tự do hóa nền kinh tế, thì chủ tịch Tập Cận Bình đàn áp mọi nguy cơ chia rẽ. Dù là các hiệp hội, tổ chức thiện nguyện hay các tổ chức phi chính phủ, cho tới luật sư đoàn về nhân quyền hay các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường : bất kì thái độ chống đối nào, dù nhỏ nhất, cũng sẽ bị đàn áp.
Lý do giải thích chính sách bàn tay sắt của người đứng đầu Trung Quốc là nỗi ám ảnh Liên bang Xô Viết sụp đổ. Ông Tập lo ngại quá trình chuyển đổi nền kinh tế, quốc tế đồng nhân dân tệ hay mở cửa thị trường tài chính, sẽ làm lung lay vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản. Ông cũng sẵn sàng truy cứu bất kì ai có thể làm suy yếu Đảng độc quyền, từ tham nhũng tới chống đối. Những thanh niên Hồng Kông « thấp cổ bé họng », chỉ đòi lại bản sắc của Hồng Kông, cũng phải trả cái giá cho sự ổn định này.
Theo hệ thống mới được đưa ra, một ứng viên, trước hết, phải nhận được sự ủng hộ của 120/1200 thành viên của Ủy ban bầu cử. Trong số những người này, chỉ « hai hoặc ba » ứng viên được ủng hộ nhất, và phải đạt được trên 50% số lượng ủng hộ của Ủy ban trên, mới được phép tham gia tranh cử vị trí Trưởng đặc khu. Sau khi đã được bầu, người thắng cử còn phải chờ Bắc Kinh phê chuẩn.
Hệ thống bầu cử này bị rất nhiều chỉ trích. Họ cho rằng một ứng viên dân chủ, dù có nhận được 120 phiếu ủng hộ tại Ủy ban bầu cử, sẽ không bao giờ vượt qua được ngưỡng 50% ở vòng hai. Thực chất, bầu cử phổ thông đầu phiếu sẽ chỉ mang tính quyết định ở một vòng. Đây chính là điểm gây nhiều tranh cãi về tính hợp pháp của Trưởng đặc khu.
Theo RFI