Tròn bốn tháng kể từ khi có tin Nguyễn Ngọc Già- Nguyễn Đình Ngọc bị bắt, chúng ta vẫn không có thông tin chính thức gì về anh. Bốn tháng trước tôi từng viết: “Cho đến lúc này, Nguyễn Ngọc Già có lẽ là blogger duy nhất bị bắt với nghịch lý “ông rất nổi tiếng nhưng không ai biết ông là ai”.
Tiếc rằng nghịch lý ấy cho đến hôm nay vẫn chưa bị phá bỏ.
Bỏ qua những suy đoán nhân thân hay những phân tích về pháp lý quanh “vụ án” Nguyễn Ngọc Già. Hôm nay, trong những ngày “Quốc nạn” xin được chia sẻ với anh nỗi trăn trở về thân phận người tù mà anh của ngày hôm nay đang là một người mang thân phận như thế.
Tròn một năm trước, Nguyễn Ngọc Già từng bộc bạch:
“Ba tôi và anh chị tôi đã từng đi tù dưới chế độ VNCH. Ba tôi ra tù sớm, chị tôi thì được tha bổng sau vài tuần tạm giam, vì không đủ chứng cớ kết tội. Riêng anh tôi nhận án "20 năm khổ sai" và bị đày đi Côn Đảo cho đến (tất nhiên) 1975.
Điều tôi cám ơn Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa thật giản dị:
- Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.
- Suốt thời gian ba và anh chị tôi bị điều tra cho đến lúc kết án chính thức, gia đình tôi (những người không liên quan) không hề bị săn đuổi, bắt bớ vô pháp, hành hung, sách nhiễu v.v... Má tôi đã gánh vác mọi việc làm ăn vào lúc đó. Chúng tôi vẫn đi học bình thường và sống trong môi trường không hề bị kỳ thị của bất kỳ thầy cô hay bạn bè nào. Hàng xóm láng giềng cũng không vì thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi hay tiếp tay như kiểu bây giờ mà người ta gọi là "đấu tố thời đại mới".
- Anh tôi - người ở tù Côn Đảo, ngày trở về đất liền vẫn mạnh khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả.” (Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa)
Với kinh nghiệm của một người từng ngồi tù cộng sản, tôi tin chắc Nguyễn Ngọc Già sẽ không được “may mắn” như ba anh, như chị gái và anh trai của anh nhất là khi anh vẫn còn là một “ẩn số” trước công luận. Chế độ lao tù cộng sản hoàn toàn tương phản, trái ngược với nhà tù dưới thời VNCH. Sẽ không có chuyện “được tha bổng sau vài tuần tạm giam vì không đủ chứng cớ kết tội”. Không có chuyện “ra tù sớm” đối với một tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm nếu không kèm theo một lợi nhuận mà nhà cầm quyền được hưởng. Càng không thể mơ đến một cơ thể khỏe mạnh sau ngần ấy năm tù. Một người đối kháng với chế độ, cho dù có bị bắt, bị kết án với những thứ tội danh trên trời rơi xuống, chẳng liên quan gì tới chính trị, vẫn kéo theo những hệ lụy vô cùng to lớn tới người thân, gia đình, họ hàng và bè bạn. Chưa nói tới những khó khăn trong việc mưu sinh. Kinh khủng hơn, người tù khi trở về sẽ phải chịu án “tù nhà” thêm vài năm nữa thậm chí đến hết đời. Nói cho chính xác, những cựu tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị chỉ thực sự được tự do khi đất nước này có tự do.
Khi viết những dòng bộc bạch trên, hẳn Nguyễn Ngọc Già đã mường tượng tới những ngày đang chờ đợi mình phía trước.
Sau cái chết của hai chiến sĩ Tự do Đinh Đăng Định và Huỳnh Anh Trí, Nguyễn Ngọc Già đưa ra ý tưởng cần có một lá cờ và một ca khúc riêng dành cho Tù Nhân Lương Tâm.
Anh đưa ra gợi ý:
“- Nền trắng, biểu trưng cho tấm lòng trung trinh của Tù Nhân Lương Tâm?
- Trên nền trắng tinh khôi đó, một trái tim được cách điệu chan chứa ân tình, trang trọng đứng giữa "Tâm" lá cờ?
Lá cờ tựa như ghi ơn các thế hệ Tù Nhân Lương Tâm đã và đang đấu tranh, chịu hy sinh thân mình cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.
Lá cờ đó cũng nên được phủ lên quan tài những Tù Nhân Lương Tâm đã nằm xuống như Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí v.v... và cũng được sử dụng để vinh danh trong "Ngày Tù Nhân Lương Tâm"?
Cuối cùng, một nhạc khúc "Lương Tâm Ca" hình như cũng là điều thiết thực đang chờ đợi các nhà soạn nhạc? Đó chính là lời kêu gọi hàng triệu con tim Việt Nam cùng tiến lên giành lấy Quyền Con Người?”
Có lẽ, Nguyễn Ngọc Già là người đầu tiên (mà tôi biết) đưa ra ý tưởng về lá cờ và ca khúc riêng dành cho Tù nhân lương tâm, khi anh còn chưa là một người tù. Đến nay, mong muốn ấy vẫn chưa thành hiên thực.
Một chút Tháng Tư
Tháng Tư, chúng ta sống với nhiều thân phận hơn một thân phận của riêng mình.
Tôi không là ai trong số những người vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con.
Tôi không là ai trong số những con người khốn khổ liều mình trên biển để chạy trốn địa ngục dù biết rằng phía trước có thể là cái chết.
Tôi không là ai trong số những người phải chứng kiến người thân bị bắn chết trên đầm lầy của máu. Trong những mái nhà bị thiêu rụi, không đâu là nhà của tôi. Không ai trong số những con người lầm lũi, chết dần chết mòn trong các nhà tù khắp mảnh đất lầm than hình chữ S là bác, là anh, là cha tôi.
Năm bẩy mươi nhăm, tôi chưa chào đời. Nhưng tôi vẫn đau nỗi đau của bốn mươi năm về trước. Chúng ta đều đau đớn vì chúng ta cùng là con của Mẹ Việt Nam- CHÚNG TA LÀ MỘT.
Bốn mươi năm, đất nước này vẫn là một nhà tù. Dẫu thế, nhà tù khổng lồ này chưa bao giờ vắng bóng những con người sẵn sàng chiến đấu cho tự do dù phải trả giá bằng gông cùm, xiềng xích, biệt ly hay những vết thương hằn trên da thịt.
Hôm nay, tôi nhớ đến Nguyễn Ngọc Già để nhớ đến những chiến sĩ tự do thầm lặng khác. Và hy vọng mỗi người chúng ta hãy “là một ngọn nến để làm nên hàng ngàn ánh đuốc. Mỗi người góp một bàn tay để làm nên hình ảnh vạn cánh tay giơ lên vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền”. Để tương lai sẽ không còn những Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Bùi Thị Minh Hằng, Việt Khang, Lê Quốc Quân, Nguyễn Viết Dũng… bị cầm tù trong cô đơn chỉ vì đấu tranh cho Tự do của chúng ta.
Phạm Thanh Nghiên