Tháng Tư
(Bài dự thi chủ đề "Cộng sản & Tôi")
Cuối tháng Tư bao môi cười tắt lịm
Cuối dòng sông từng con nhánh phân ly
Cuối con đường cỏ úa vàng thoi thóp
Cuối cuộc tình chỉ còn lại xót xa
Ôi quê hương mãi lầm than, thù hận
Người không còn nhân tính với đồng bào
Đời ta đốt trong lao tù cải tạo
Cho cao thêm thiên đường ảo dối gian
Ngày lại ngày những tin yêu cháy rụi
Xác không hồn còm cõi giữa đời hoang
Máu cạn dần và tim óc héo hon
Ta chẳng còn ta, người chẳng là người
Sao ta phải sống quanh bầy qủy dữ ?
Chán qúa rồi đạo đức gỉa lên ngôi
Tháng Tư ấy "đổi đời" đổi tất cả
Người với người sống gian trá cho nhau
Tôi phải chờ, chờ đến bao giờ nữa ?
Hồn Việt Nam ngồi lại nói yêu nhau
Tôi ao ước tình Việt Nam nối lại
Để tháng Tư thôi hết tháng hận thù
Lưu Văn Trường
*
Nỗi buồn tháng tư!
Buồn quá đảng ơi, đã bốn chục năm rồi!
Xuân của đảng là mùa xuân đỏ!
Màu đỏ xưa và màu đỏ hôm nay.
Màu đỏ thê lương, màu đỏ của máu người.
Màu đỏ ấy khiến lòng tôi buồn lắm!
Đã tám lăm năm màu đỏ tới Việt Nam.
Bốn mươi năm ngập tràn hình chữ S.
Bốn mươi năm thương tích mãi chẳng lành!
Màu đỏ đó làm gia đình ly tán.
Dân tộc khổ đau, lãnh thổ bị bào mòn.
Mấy hôm nay khắp làng tôi toàn màu cờ đỏ.
Mỗi một gia đình đều phải dựng nó lên.
Tôi quyết đình không bao giờ treo nó cả!
Màu đỏ là màu ám ảnh cuộc đời tôi.
Tôi còn nhớ bốn mươi năm về trước.
Cờ đỏ đã tung bay trên xương máu đồng bào.
Mới đây thôi vẫn là màu cờ đó.
Cướp đất anh Vươn, đánh chết anh Kiều...
Màu cờ đó hảm hại người yêu nước.
Cắt xén biên cương biển đảo cho Tàu.
Nhìn màu đỏ làm lòng tôi buồn lắm!
Nguyễn Trung Tôn
*
Mộng và Thực!
Anh lớn lên trong khói lửa chiến tranh
Sau luỹ tre làng, quê hương anh tang tóc
Bom đạn Mỹ, cảnh đời thêm cực nhọc
Bỏ xóm làng, anh vào Nam chiến đấu
Tuổi niên thiếu, anh đã hiểu gì đâu?
Đảng và Đoàn, lý tưởng ôi sáng chói
Hồ Chí Minh, tên người luôn chói lọi
Lòng hăng say, quyết giải phóng miền Nam
Trường Sơn ơi, khi vượt suối băng ngàn
Bom địch trên đầu, không ngăn được quê hương yêu dấu
Hãy tiến lên, phải đi đến cuối địa đầu
Trận chiến này, Đảng và toàn dân phải thắng
30 tháng tư,
Tiến chiếm Sài Gòn, anh và đoàn quân chết lặng
Phố xá nguy nga, dân sống chan hoà
Ngàn vạn lần hơn, những gì Đảng thoá mạ
Giữa phố phường, anh muốn kêu gào lên, gục ngã!
Đảng của ta, Bác của ta, sao lại như thế hả?!
Anh nào thấy đâu, kềm kẹp, đói khổ, oan khiêng?
Chỉ thấy miền Nam trù phú, khắp mọi miền
Gục mặt bên đường, anh cúi đầu hổ thẹn!
40 năm đã qua đi, đêm vẫn càng đen
Anh đã hiểu rõ, đâu là Mộng và Thực
Cuộc chiến này, chính anh đã góp sức
Hãy thứ tha, cho lầm lỡ ngày xưa!
Anh đã biết, tất cả chỉ là lọc lừa
Miền Nam hỡi, cho tôi lời tạ tội
Quê hương ơi, xin nhận lời xin lỗi
Đến cuối đời, anh đã hiểu giữa Công và Tội!
Hoàng Hạc
*
Nỗi Buồn Tháng Tư
Tháng tư là tháng tư về
Bốn mươi năm chẳn chưa hề phôi pha
Vẫn đau nỗi hận nước nhà
Dù nay sương đã bạc pha mái đầu
Tháng tư là tháng tư sầu
Cho ta tạ lỗi mấy câu với người
Kiếm cung ngày ấy một thời
Ta không giữ được đất trời tự do
Nhìn em bé nhỏ gầy gò
Trên tay giấy số cặp giò chân không
Lách chen ngõ hẻm đường vòng
Chỉ mong bán được no lòng chiều nay
Tháng tư về mắt nghe cay
Lỗi ta đáng thẹn thân trai không tròn
Để giờ nhìn cảnh héo hon
Tan nhà mất đất gọi hồn dân oan
Bốn mươi năm đủ điêu tàn
Miền Nam một thuở huy hoàng ngày xưa
Bao năm nước chảy gió lùa
Đã hai thế hệ mấy mùa lá rơi
Mà sao oán vẫn ngập trời
Ai đem sông núi đổi dời bán mua
Ta người chấp nhận rằng thua
Chớ đem thành bại mà đo anh hùng
Qua rồi cái thuở kiếm cung
Khó đem quân tử luận cùng tiểu nhân
Vần xoay cuộc thế phong trần
Làm sao trả hết nợ nần quê hương .
Tháng tư về lại chợt buồn ....!
Huyền Lâm
*
Tâm sự của cái nón cối Made in China
Ngày nao phát xuất từ đất Bắc
Có những lúc nón cối tôi ngồi trên đầu “bác”
Đếm xác Cải Cách Ruộng Đất đấu tố giết oan
Bắt tù tội, thủ tiêu trí thức Nhân Văn Giai Phẩm
Cối cũng rung quai trên đầu người cộng sản cơ hàn
Nghe loa tuyên truyền kích động nhân dân
Xã thân vào trần gian điạ ngục
Lúc nhúc người sinh Bắc tử Nam
Cối sống xác xơ trên đầu người bộ đội vong nô
Đánh tới người Việt cuối cùng cho Tàu cho Nga sô
Từ miền Bắc chủ nghiã độc ác tam vô:
Vô tôn giáo ,vô gia đình, vô tổ quốc
Cối theo đoàn quân vô Nam đánh cướp lúa thóc bạc vàng
Cho đảng giàu có “vinh quang”
Bao nhiêu triệu sinh linh chết cho Tàu chệt reo mừng
Sau ngày 30 tháng Tư
Cối theo đoàn quân đánh “tư sản” cướp cuả giết người
Đem bạc vàng trả nợ đời Nga sô, Tàu cộng
Tịch thu nhà, xua đuổi dân về nơi “kinh tế mới”
Cho chết mòn chết đói
Cối theo cán bộ “hồ hởi” đếm từng cọc bạc “đổi tiền”
Bần cùng hoá nhân dân
Giữa hoa lệ Sài Gòn nón cối tôi dáo dác như điên
Bởi xuất thân từ rừng về miền thành phố
Dốt nát,quê muà ,nghèo khổ
Cối thích “đồng hồ 3 cửa sổ”
Ngồi uống cà phê ngắm “Cái nồi ngồi trên cái cốc”
Reo hò “cà chớn” chạy đầy đường từ công viên tới trường học
Có những lúc nhận lệnh trả thù cấp tốc
Gom hàng trăm ngàn người tập trung đi học
Cối lại theo quản giáo bộ đội an ninh hành hạ kẻ tử thù
Trong trại “cải tạo” tội tù
Đảng cười trên nỗi đau diệt chủng
Nhớ những ngày về lại đất Bắc cấy giống
Mang theo đồng, đài, đạp, bạc vàng
Chất cứng ba lô nghênh ngang giữa đường Hà Nội
Mừng mừng, tủi tủi, nói nói, cười cười
Cối lại lên đường làm thân phận ma trơi
Nát tan trên vùng trời biên giới
Rồi tới Vị Xuyên, Gạc Ma chờ đợi
Cối bái quỳ sám hối với ngoại xâm
Đổi mới chưa được bao năm
Hội nghị Thành Đô đi làm thân trâu ngựa
Cối tôi bao nhiêu lần xin “đế quốc” thịt cơm từng bữa
Từ phủ dinh tới hợp tác xã, chợ buá
Nhờ “bè lũ chạy theo bơ sữa” cho uống sữa cầm hơi
Đô la khắp nơi gởi về bố thí
Cối mới hí hửng nhoẻn miệng cười tươi
Đội ơn “khúc ruột ngàn dặm”
Bốn mươi năm qua rồi bụi bặm
Có khi cối ngồi im trên bàn thờ cắm mặt lư huơng
Có khi theo anh thương binh đứng giưã đường xin bạc cắc
Có khi núp trong túi áo mẹ anh hùng
Đứng giưã phố làng kêu trời ai cướp đất
Có khi ra nước ngoài cối lạc loài cúi mặt
Gở bỏ màu máu quốc huy
Bởi vì
Cối sinh nhầm ngày xui ngồi trên đầu người cộng sản
70 năm phá tán một gia tài
Làm tay sai Bắc thuộc lần thứ hai
Xin hỏi đời: Nón cối bao giờ ngồi giữa đất trời sám hối?
Xin lỗi nhân dân -Tạ lỗi một lời
Quay về dưới bầu trời Dân Tộc.
Tháng Tư 2015
Lê Hải Lăng