Các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức trước toà năm 2010 - Ảnh: OnTheNetTôi thường hay nói trong các bài viết và trao đổi với bạn bè rằng, Việt Nam khó có thể thay đổi hệ thống chính trị khi chưa có một phong trào dân chủ xã hội rộng lớn.
Tôi nhấn mạnh: Phong trào xã hội chứ không phải tổ chức, đảng phái chính trị.
Phong trào có thể được khởi xướng hoặc đứng sau nó như bộ tham mưu, bởi những người trí thức tên tuổi, có uy tín và tiếng nói thuyết phục trong xã hội.
Về kinh nghiệm tổ chức người Việt có thể học hỏi từ các phong trào “Công đoàn Đoàn Kết” của Ba Lan, “Hiến chương 77″ của Tiệp Khắc cũ, “Otpor” ở Nam Tư cũ, hay “6 tháng Tư” ở Ai Cập, v.v…
Cơ hội bị bỏ lỡChỉ một phong trào xã hội thì mới mong nhận được sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp dân chúng tranh đấu với nhà chức trách vì lợi ích rộng lớn, đòi thay đổi, chứ không nhất thiết, hoặc không cần thiết nhắm vào mục đích lật đổ chế độ.
Đó là, đòi thực thi các quyền dân sự, nhân quyền, chống tệ nạn tham nhũng làm kiệt quệ tiềm lực của đất nước, đòi bình đẳng và công lý trong ngành tư pháp, đòi quyền tư hữu đất đai để đảm bào lợi ích cho nông dân của một nước nông nghiệp, đòi có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi của công nhân bị tư bản nước ngoài bóc lột thậm tệ với sự hỗ trợ của các nhà chức trách địa phương, v.v…
Đã có những thời điểm manh nha, trong đó loé lên hy vọng rằng sẽ quy tụ được sự ủng hộ đa dạng của người Việt trong và ngoài nước, từ đó có thể hình thành một phong trào xã hội tin cậy.
“Phong trào 8406″, tức “Tuyên ngôn Dân chủ 8406″ vào năm 2006, hay phong trào biểu tình vào mùa hè 2011 chống Trung Quốc gây hấn, xâm chiếm biển đảo, xua đuổi, bắt giữ ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, là những cơ hội bị bỏ lỡ đáng tiếc.
Về “Phong trào 8406″, bài viết “Chia nhau chiếc bánh Nhà Dân Chủ Lớn” của tôi vào thời điểm đó trên tờ “Đàn Chim Việt” và tấm hình trong bài minh họa nhà dân chủ rởm qua tấm thẻ với bộ mặt khỉ, đã làm bùng nổ tranh cãi. Tôi cho rằng tự những người khởi xướng “Phong trào 8406″ đã khai tử nó ngay sau khi ra đời. Trong bài có đoạn:
”Tại sao không là “Tuyên ngôn Dân Chủ” của 118 công dân Việt Nam mà phải là của “các nhà dân chủ” trong nước? Lại có người còn tóm luôn nhãn hiệu “Tuyên ngôn Dân chủ” này đặt tên cho tổ chức, cho trang web của mình. Một sự lập lờ láu cá, đánh lẫn trắng đen, gây ngộ nhận một cách cố ý.
Rồi có kẻ xưng hô đại diện này, đại diện kia mà không biết là đại diện cho ai và ai bầu mình làm cái vai trò đại diện ấy? Lấy cái quyền ai cho để tò tí te với nhau như vậy, hay là chỉ vài người thoả thuận chỉ định nhau?
Những lối bao biện vòng vo làm người ta không thể không nghĩ đến những kẻ cơ hội đang lợi dụng sự lắt léo này và để lại sau nó là một dấu hỏi lớn. Điều này thể hiện sự yếu kém nhất về trình độ tổ chức, năng lực của những người (tự cho mình) đứng đầu phong trào dân chủ trong nước hiện nay. Tuổi tác cao, quá trình lâu dài, lòng dũng cảm có thể là biểu tượng, khuôn mẫu tinh thần cần thiết, nhưng chưa phải là yếu tố đủ mang đến thắng lợi nếu thiếu tài năng tổ chức và sự cả quyết trong lãnh đạo”.
Gần đây, nhắc lại vấn đề trên, cũng trên “Đàn Chim Việt”, nhân bài viết của một tác giả nói về “Phong trào 8406″, tôi lại bị phản đối. Người ta nói rằng “Phong trào 8406″ hoạt động bình thường, có đại diện ở cả trong và ngoài nước. Nhưng tôi vẫn bảo lưu nhận định của mình. Theo tôi, “Phong trào 8406″ hôm nay chỉ còn là hình thức, với một số người nào đó. Từ lâu nó đã thiếu vắng ảnh hưởng và không còn sự cuốn hút dư luận nữa.
Còn phong trào biểu tình chống Trung Quốc?
Phong trào này có sức mạnh và sôi động hơn, vì nó hình thành tự phát với sự tham gia nỗ lực của rộng lớn dân chúng, đặc biết là giới trẻ, với sự đi đầu của nhân sĩ, trí thức có tên tuổi trong nuớc, được xã hội kính trọng. Nó cũng hợp với lòng dân vì bản chất là thể hiện lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc trước hiểm họa bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã ý thức rất rõ nguy cơ phát triển của phong trào này. Thoạt đầu họ lúng túng, tuyên bố tiền hậu bất nhất, nhưng tới ngày 21/8/2011 thì thẳng tay đè bẹp phong trào.
Bằng nhiều hình thúc, sử dụng cả lực lượng dân phòng, xã hội đen, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp thô bạo, bắt giữ, giam cầm, đưa đi trại cải tạo, theo dõi từng bước đi của những đã người tham gia biểu tình, phong toả đời sống của họ và cả những người có liên hệ.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) một mặt muốn trấn an, làm đẹp lòng Bắc Kinh, mặt khác lo sợ sự kiện này bị tận dụng, có khả năng trở thành một phong trào xã hội đối kháng. Đây là mấu chốt của toàn bộ các vấn đề. Một bài bình luận trên báo Quân đội Nhân dân cũng chẳng giấu giếm, gọi nó là sự “diễn biến hoà bình” lợi dụng dân chủ và lòng yêu nước.
Nhà cầm quyền CSVN đã thành công một phần, nhưng gậy ông đập lưng ông. Sự trấn áp bất nhân và rất phí lý đã làm lộ rõ hoàn toàn thái độ nhu nhược, lệ thuộc Trung Nam Hải của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN. Và cũng từ điều này nhà cầm quyền – một cách tự nhiên – biến rất nhiều người dân lương thiện, đơn giản xuống đường chỉ thuần tuý vì lòng yêu nước, trở thành những người thù địch hoặc căm ghét chế độ.
Phong trào “Con đường Việt Nam”?Ngày 8/6/2012, tôi nhận được email từ một địa chỉ, (được xem là) của Lê Thăng Long, gửi cho tôi và trong thư cho thấy 19 tên người khác, hầu hết sống trong nước mà tôi đều biết. Xét rằng sẽ không có gì không thích ứng, hay được hiểu là thiếu thiện chí khi tôi bạch hoá một phần các email.
Thư đầu tiên có đoạn:
”Tôi viết thư này thay mặt cho những người khởi xướng phong trào “Con đường Việt Nam” mời tất cả quý vị trở thành người sáng lập của phong trào này để giúp nó lớn mạnh nhằm góp phần vì một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.
Anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định và tôi chỉ là những người khởi xướng ý tưởng. Chúng tôi rất hiểu rằng để hình thành và làm lớn mạnh được một phong trào của nhân dân mang tính lịch sử như vậy thì nó phải được sáng lập và lãnh đạo bởi những bậc trí thức ưu tú sẵn sàng dấn thân vì đất nước. Đó là lý do mà chúng tôi gửi lời mời này đến quý vị với một niềm tin to lớn”.
Và sau đó, đề nghị ở một thư khác riêng cho tôi:
“Tiếp theo thư mời tham gia sáng lập Phong trào “Con đường Việt Nam”, bức thư này mời ông đảm nhận trách nhiệm quyền Phó ban quản trị của Phong trào để giúp nó mau chóng lớn mạnh”.
Tất nhiên, sau một ngày suy nghĩ, tôi đã lịch sự từ chối và viết thêm:
”Tuy nhiên tôi sẽ bên cạnh các anh và hỗ trợ các anh trong khả năng có thể của mình trên mặt trận báo chí, truyền thông khi thấy phong trào có xu hướng tích cực và thực tế. Tôi cũng rất mong và chúc các anh xây dựng được một phong trào xã hội cho tiến trình dân chủ hoá của Việt Nam. Một phong trào xã hội sẽ huy động được lực lượng xã hội dễ dàng và đa dạng hơn là các đảng phái chính trị với những điều lệ, nguyên tắc sinh hoạt”.
Cho rằng thế là ổn, tôi đã định im lặng chờ xem “Con Đường Việt Nam” hoạt động ra sao. Trăm nghe không bằng một thấy.
Nhưng ngay sau khi ông Lê Thăng Long tuyên bố khởi xướng “Con đường Việt Nam” trên một số trang web, lập tức đã xuất hiện các bài viết với nhiều điều đáng suy ngẫm.
Vì vậy, tôi thấy mình cũng nên có tiếng nói, nhất là vài người bạn đưa vấn đề ra và hỏi ý kiến.
Hơn thế, là người cầm bút, trước một vấn đề xã hội quan trọng, tôi thấy nên tỏ thái độ, nhưng nghiêm túc và có trách nhiệm.
Trước hết, mục tiêu chung của “Con Đường Việt Nam” có thể nói là tốt. Điều này cũng được thể hiện qua phát biểu của ông Lê Thăng Long trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 12/6:
”Chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau”.
”Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam”.
Cần chú ý rằng, lúc này những ai đưa ra nghi ngờ, không ủng hộ “Con Đường Việt Nam” có thể bị cho là chia rẽ, vô trách nhiệm, bởi vì sự nghi ngờ chỉ là dự đoán, trong khi phong trào vừa thành lập, chưa làm điều gì hại và ít nhất có mục tiêu đứng đắn.
Nhưng với linh cảm và kinh nghiệm của mình, tôi không yên tâm và mặc cảm có lỗi khi chỉ giữ thái độ quan sát.
Ông Lê Thăng Long bị nhà cầm quyền CS Việt Nam bắt giam năm 2009, cùng từ một vụ án với các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim. Năm 2010 họ bị tòa án xử tù với tội danh hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong bốn người, ông Trần Huỳnh Duy Thức vì không nhận tội nên bị xử 16 năm tù, một mức án nặng chưa từng thấy cho cùng tội danh này trong hai thập niên gần đây.
Số còn lại, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh đều nhận tội và xin nhà nước khoan hồng. Ông Long còn được trả tự do 6 tháng trước hạn tù, cũng là điều hi hữu với các tù nhân chính trị Việt Nam.
Ở đây tôi không muốn sa vào tranh cãi như khi tôi từng phê phán họ về việc nhận tội, đã tạo ra tranh luận đối nghịch nhau trên diễn đàn Talawas vào năm 2009.
Tôi muốn nhắc lại – như một sự cảm thông về sự “nhận tội” – Lech Walesa, thợ điện huyền thoại của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, Giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1983, người đã làm chập mạnh toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu, tổng thống dân cử đầu tiên của Ba Lan (1990-1995) sau khi chế cộng sản sụp đổ.
Lech Walesa đã từng ký một số giấy tờ hợp tác với an ninh cộng sản Ba Lan, nhưng ông đã không bao giờ làm chuyện đó trong thực tế. Trong cuốn sách của mình ông cũng không giấu. Ông từng nói rằng nếu ông biết vợ mình, bà Danusia, và các con bị nguy hiểm, ông sẽ phải thực hiện bất cứ điều gì.
Thế nhưng trong thời hậu cộng sản, việc ký cam kết hợp tác với an ninh cộng sản đã liên tục làm Lech Walesa phiền toái, mệt mỏi trên chính truờng, và tới tận hôm nay dù ông đã nghỉ hưu và chỉ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Ông vẫn tiếp tục bị những đối thủ chính trị lấy nó làm vũ khí bôi xấu, sỉ nhục.
Quay lại tình trạng của ông Lê Thăng Long.
Trong lúc các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung còn trong tù, tôi buộc mình phải hết sức thận trọng để không gửi gắm lòng tin sai chỗ, khi ông Long nói thay mặt họ.
Ngoài ra, cũng nên chú ý rằng, trong lúc nhà cầm quyền đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến, tranh đấu ôn hoà, bản thân ông Long vừa ra tù ít ngày, lại ở trong giai đoạn bị quản chế, nên theo tôi, nếu thậm chí ông Long thấy hội đủ các yếu tố và muốn xây dựng một ban lãnh đạo cho phong trào vào lúc này, lẽ ra cần bí mật tuyệt đối. Nhưng với Phong trào “Con Đường Việt Nam” ông Long đã làm ngược lại.
Trong bài “Ngây thơ và cạm bẫy” hôm 15/6 Tiến sĩ Hà Sĩ Phu viết:
”Ra đời một cuộc vận động chính trị lớn, kèm theo đó là một tổ chức chính trị lớn, nằm ngoài tay của Đảng Cộng sản là một việc động trời. Người ta chỉ tham gia khi có sự tin cậy được hợp thành bởi 4 yếu tố:
1 – Nội dung phong trào (thể hiện ở một bản thông cáo hay tuyên ngôn) phải hợp lý, trong sáng, thuyết phục và giầu tính khả thi.
2 – Uy tín của của người đứng đầu, sáng lập.
3 – Lực lượng trung kiên khởi lập đã có (trước khi vận động công khai).
4 – Tính lô-gích, thời cơ, chín muồi để cuộc vận động ra đời như một tất yếu.
Trong trường hợp “Con đường Việt Nam” chỉ có yếu tố văn bản tuyên ngôn là tạm được, còn 3 yếu tố sau đều không được đáp ứng, trái lại còn chứa đựng sự phi lí và khả nghi. Vậy những người đã có ý thức chính trị và bản lĩnh chính trị (trong môi trường một nước cộng sản) khó có thể tham gia.
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc vận động phi thường vội vã này chỉ là một trong hai khả năng: hoặc là sự ngây thơ chính trị kiểu sách vở, hoặc một cạm bẫy. Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi”.
Kết luậnVới tất cả nhận thức chính trị nghiêm túc nhất, tôi không nghĩ “Con đường Việt Nam” là một ngây thơ chính trị.
Tôi lo ngại về một cạm bẫy chính trị nhiều hơn cho những người ngây thơ. Và tôi đồng ý với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu rằng, “chủ nhân thật sự của cạm bẫy không bao giờ tự ra tay, mà luôn biết cách làm cho con mồi tự làm lấy cạm bẫy cho mình”.
Và vì thế, nếu người nào chưa hoặc không ủng hộ, hoặc muốn gia nhập phong trào “Con đường Việt Nam”, theo quan điểm của tôi, tốt nhất hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
Ngày 17/6/2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog