Bốn mươi năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, 30 tháng Tư vẫn là một ngày nhiều cảm xúc, một ngày có muốn cũng
không làm ngơ được. Hai bên thắng và thua vẫn còn chưa nguôi căm hận và vênh váo, sự hòa giải dân tộc vẫn là một lời tuyên
truyền và “đường đi không đến” cho những ai thực sự mong muốn điều đó.
Với đa số dân Việt trên đất Việt hiện nay, 30 tháng Tư là một dịp “lễ” theo nghĩa được nghỉ làm. Gộp thêm với lễ Giỗ Tổ Hùng
Vương, chính phủ cho công viên chức nghỉ 6 ngày từ 28/4 đến 3/5. Một số doanh nghiệp tư còn có thể thu xếp lịch trình làm
việc để kéo kỳ nghỉ dài hơn. Được nghỉ thì đại đa số đều ăn mừng, lễ gì cũng mặc, nhất là khi đại đa số ấy có thể hoàn toàn
không có hồi ức gì về ngày 30 tháng Tư đã đi vào lịch sử và có thể chưa bao giờ cảm thấy ngày 30 tháng Tư ấy có liên quan
gì đến cuộc sống của họ.
Không biết những cuộc diễn hành lễ lạc sẽ xảy ra khắp nơi mừng “ngày giải phóng miền Nam,” “ngày thống nhất đất nước” có
thu hút dân chúng không, nhưng chắc chắn họ đang tận dụng dịp “lễ lớn” này để vui hưởng cuộc sống. Vé tàu, vé máy bay,
tour du lịch, thứ nào cũng đắt khách. Không có áp lực “về quê” như trong dịp Tết Âm lịch cũng có nghĩa một số dân chúng sẽ
không về quê mà đi du lịch trong nước và ngoài nước.
Có thể nói ngày 30 tháng Tư, hay đúng hơn là dịp 30 tháng Tư ở trong nước ngày càng được “ăn mừng” hoành tráng hơn: số
tiền chi cho quốc phòng của chính phủ tăng đều, thu nhập của người dân cũng khá hơn. Ngoài mấy chiếc xe Jeep, chưa thấy
tin sẽ có xe tăng hay đại bác diễn hành. Biểu diễn máy bay cũng chưa thấy nói, mà có lẽ cũng không nên, vì dường như phi
công Việt còn quá kém cỏi, trực thăng phi cơ quân sự nhỏ còn rớt lên rớt xuống, phản lực cơ uốn lượn trên không e rằng
chính lãnh đạo đảng và nhà nước cũng không yên lòng.
Cuộc diễn hành, “mít tinh” chính thức của ngày 30 tháng Tư sẽ diễn ra trước dinh Độc Lập, dự kiến có 6 ngàn người tham gia
bao gồm lực lượng quân đội, công an, dân chúng, học sinh, sinh viên và các đoàn thể. Không có thông tin về con số dự kiến
dân chúng không thuộc thành phần “biểu diễn” đến dự. Dân địa phương không biết có bõ công đến xem hay không, nhưng
diễn hành ở Sài Gòn thì chỉ có tin khách sạn nơi khác “cháy phòng” mà thôi.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Những nhóm người mặc quân phục đi diễn hành trong không khí sặc mùi chính trị không
phải là điểm thu hút đối với đa số dân chúng, nhất là khi họ phải lặn lội đến để đứng trong nắng gắt. Một số người miền Nam
có thể vẫn còn thấy ngày 30 tháng Tư là một ngày đen tối của đất nước, lịch sử và chính bản thân cùng gia đình. Thành phần
dân chúng còn lại, từ Nam đến Bắc, dù không thấy ngày này là “đáng tiếc” thì cũng không chắc thấy nó hoàn toàn là “đáng
mừng.”
Những người có khả năng cảm thấy vui mừng nhất trong ngày 30 tháng Tư là những người ngồi cao trên khán đài, nhưng
người trực tiếp được lợi từ kết quả của ngày 30 tháng Tư, hơn nữa họ không thể có những lợi ích ấy nếu vụ “giải phóng”
không xảy ra. Một số người thuộc “phe thắng trận” nhưng không hẳn được vinh hoa phú quý, hoặc đủ thì giờ suy ngẫm về cái
tai hại của bốn chữ xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ giáng xuống “tổ quốc và nhân dân,” những người đã và đang xét lại chủ
trương và chủ nghĩa của “phe thắng trận” và biết cái thắng của họ không chỉ là cái thua của miền Nam mà còn là cái thua chung
của mọi người Việt Nam, và bước đầu tiên trong tương lai bất trắc ngay sát móng vuốt của Trung Quốc.
Ngày 30 tháng Tư ở Mỹ có thể nói là ngày của quá khứ, buộc chặt với quá khứ. Trong ngày 30 tháng Tư, đa số người Việt ở
Mỹ nhìn về quá khứ, trong khi đa số người Việt trong nước có lẽ đang nhìn về tương lai. Chầu nhậu sắp tới, chuyến đi sắp tới,
dự định sắp tới.
Không bị ràng buộc với quá khứ là một thái độ thực tế, và riêng với thế hệ trẻ, rất có thể đấy là điều tốt. Họ không bị quá khứ
ám ảnh, và theo đó không bị chủ nghĩa và thể chế ám ảnh. Họ chấp nhận thực tế “xã hội chủ nghĩa” nhưng có thể không bị nó
làm tê liệt theo hướng này (chống tham gia của Mỹ trong cuộc chiến thì phải theo cộng sản) hoặc hướng khác (chống cộng
sản thì phải bất hợp tác bất liên hệ với Việt Nam bây giờ). Họ đang dùng cánh cửa mở ra thế giới để hấp thu và học hỏi những
điều sẽ giúp họ vượt ra khỏi vòng rào thể chế chủ nghĩa để đến cái đích chung của dân chủ và dân quyền. Cho dù việc hay
đổi thể chế và chủ nghĩa bằng một cuộc chiến khác dường như đã trở thành bất khả, sự thay đổi trong chính thể chế và chủ
nghĩa, hay đúng hơn sự thực thi chủ nghĩa, vẫn có thể xảy ra.
Trong ngày cùng tận của một tháng đen tối, vẫn có thể dõi tìm một tia hy vọng cho một tháng tư sáng lạn hơn trong tương lai
NGUYỄN PHƯƠNG