Người Việt hải ngoại kỷ niệm 40 năm biến cố 30/4 60,000 nơ vàng vinh danh những người hy sinh trong chiến tranh Việt Nam được cột trên hàng rào xung quanh hàng không mẫu hạm USS Midway ở San Diego, ngày 26/4/2015.
40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, người Việt hải ngoại đã có cuộc sống ổn định tại các quốc gia đã từng cưu mang họ trong những ngày đầu trên bước đường tỵ nạn. Nghệ sĩ Nam Lộc, tác giả của bản “Saigon ơi! Vĩnh biệt”, một nhạc phẩm đã đi vào lòng người vì diễn tả đúng tâm trạng của người Việt Nam tỵ nạn cộng sản sau biến cố 30 tháng Tư, chia sẻ cảm nghĩ của ông về sự kiện đổi đời này.
Ông Nam Lộc: “Vâng, chị nói đúng tôi là một nghệ sĩ được tạo ra trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, rung động của mình đã đến trong lúc nỗi đau mất nước, xa cách quê hương và chia lìa gia đình, tạo ra tôi thành người nghệ sĩ. Bình thường tôi không phải là một nhạc sĩ, nhưng trong cơn đau đớn tột cùng 40 năm trước, tôi đã viết thành một bài hát rồi được hân hạnh mang cái danh nghệ sĩ từ thời đó tới giờ.”
Năm nay, sự kiện 30 tháng Tư thu hút sự chú ý đặc biệt vì mốc điểm 40 năm. Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt ở Washington tổ chức một chương trình đặc biệt để đánh dấu sự kiện này ngay tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô nước Mỹ vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 2015, cô Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói Người Mỹ gốc Việt cho biết:
“Vâng buổi lễ năm nay có 2 điểm đặc biệt. Thứ nhất chúng tôi muốn vinh danh những người lính Việt Nam Cộng Hoà và nêu lên là cuộc chiến của chúng ta chủ lực là Việt Nam Cộng Hoà làm việc với tất cả các đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ. Điểm thứ hai là buổi lễ năm nay được làm tại Bức Tường Đen, tức là Vietnam War Memorial, với cái ý tưởng là chúng ta cảm ơn những người lính Hoa Kỳ đã hy sinh chính thân xác của họ để bảo vệ cho miền Nam Việt Nam và chúng ta mong rằng những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã tử trận đã là hồn thiêng sông núi phù trợ chúng ta trên con đường mang Việt Nam đến tự do và dân chủ thực sự.”
Diễn giả chính tại buổi lễ là cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb, người có triển vọng ra vận động để được Đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng, tranh với cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton. Cô Ngọc Giao cho biết lý do ông Jim Webb được chọn làm diễn giả chính trong buổi lễ tưởng niệm Ngày Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt với sự sụp đổ của chế độ miền Nam Việt Nam.
Cô Ngọc Giao nói:
“Ông Jim Webb là biểu tượng của 2 điều mà Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt muốn nêu lên, là ông rất tha thiết đến Việt Nam, ông đã từng là lính Thuỷ quân Lục chiến đấu tại Việt Nam, sát cánh với những người lính Việt Nam Cộng Hoà, ông đã từng tận lực giúp đỡ để mang một số người Việt Nam sang Hoa Kỳ, và điều thứ hai là ông Jim Webb cũng rất là tha thiết đến những người lính Mỹ, ông có rất nhiều người bạn đã tử trận tại Việt Nam. Ông có thói quen là vẫn đi ra nghĩa trang những khi mà phải suy nghĩ về những chính sách đối ngoại, và ngay lúc này đây thì ông Jim Webb là người chú trọng rất nhiều về những thay đổi trên vùng Biển Đông.”
Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt cho biết là buổi lễ còn có sự tham dự của Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh Mỹ khác từng bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò và bị tra tấn tại Việt Nam. Cũng sẽ có mặt là nhiều chính khách Mỹ cũng như các vị nhân sĩ trong cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng bạn.
Trong khuôn khổ các sinh hoạt tưởng niệm sự kiện 30 tháng Tư tại Hoa Kỳ, báo Orange County Register loan tin một dân biểu đã đưa ra Nghị quyết tưởng niệm 40 năm Ngày 30 tháng Tư tại Hạ viện Mỹ.
Dân biểu Alan Lowenthal, đại diện của Đảng Dân Chủ tại Long Beach, bang California, hôm thứ Ba đưa ra trước Hạ viện Hoa Kỳ một nghị quyết để tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư, kỷ niệm 40 năm sau khi chế độ miền Nam Việt Nam sụp đổ. Khi giới thiệu nghị quyết này, dân biểu Lowenthal nói:
"Ngày Tưởng niệm thường niên này sẽ được coi như để ăn mừng ý chí vươn lên của những người sống sót qua biến cố đổi đời này, cũng như để tưởng niệm những mất mát vô cùng to lớn do sự kiện này gây ra. Đây còn là một nhắc nhở về những thành quả mà cộng đồng người Việt đã gặt hái được khi làm lại cuộc đời tại những xứ sở tự do, kể cả Hoa Kỳ."
Trong tư cách một cố vấn cho Bộ Di Trú Mỹ, nghệ sĩ Nam Lộc là người đồng hành với người Việt tỵ nạn cộng sản ngay từ những ngày tháng đầu tiên;. Ông có nhận xét sau đây về cộng đồng người Việt tự do, sau 40 năm định cư tại Hoa Kỳ. Ông Nam Lộc:
“Thưa chị những đóng góp đó, tôi vẫn cho là cái sự chịu khó nhẫn nại để tạo dựng lại cuộc sống, và đào tạo một thế hệ trẻ rất là năng động. Các con các cháu của những người tỵ nạn sẽ trở thành những thành phần đóng góp tích cực vào cho xã hội này, và rõ ràng họ là những chuyên viên được chú ý và thành công trong mọi lĩnh vực, thì đấy là một cái cách đền đáp lại. Tuy bận rộn với cuộc sống nhưng mà bên cạnh đó, cộng đồng chúng ta và những người Việt ở hải ngoại không quên hướng về quê nhà, không quên những người thiếu may mắn hơn mình, không quên những người đã và đang tiếp tục chịu đựng bởi vì họ không được cái cơ hội để mà sống tại các quốc gia tự do.”
Lễ Tưởng niệm 40 năm biến cố 30 tháng Tư do Tiếng Nói Người Việt tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư tại Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Việt Nam ở thủ đô Washington.
Theo VOA
Sửa bởi người viết 30/04/2015 lúc 08:08:45(UTC)
| Lý do: Chưa rõ