Hôm nay một ngày đặc biệt, 30/04/2015, ngày kỷ niệm 40 năm "nước mất nhà tan,” tôi thức giấc trong một tâm trạng nao nao
khó tả. Ngồi check email nhận được 1 video clip từ cô bạn bên Úc gửi qua, tựa đề “Ngày Quốc Hận 30/4 tại Saigon,” tôi vô
cùng ngạc nhiên và cảm phục khi thấy một nhóm phụ nữ khoảng chục người cầm biểu ngữ , cầm loa đứng giữa lòng thành
phố Saigon mạnh miệng hô to “Đả đảo chế độ cộng sản tàn ác, cướp nhà, cướp đất của dân.”
Một chị cầm micro bước xuống đường oang oang tố cáo tội ác cộng sản một cách hăng hái hiên ngang. Một số các bà má
đứng phía sau cầm biểu ngữ cũng hăng hái hô to rất nhiều lần: “Đả đảo đảng cộng sản tham nhũng hà hiếp nhân dân” rồi giơ
cao tấm băng rôn với hàng chữ thật to: “30/4 ngày uất hận của người dân miền Nam.” Đúng là người dân miền Nam đang “bật
ra” niềm đau và nỗi phẫn uất chôn giấu trong lòng đã bao năm nay hầu tiếp nối truyền thống bất khuất của cha ông:
"Đừng sợ nữa bóng đêm đe dọa. Đừng sợ nữa khi ta sóng dâng cho nước vỡ bờ
Đừng sợ nữa, hỡi ai phẫn nộ. Đừng lùi bước, hãy tung sức bật..."(PVH)
Đó là hình ảnh sống động về cuộc biểu tình tự phát ngay tại Saigon vào ngày 30/4/2015. Các chị đã mạnh dạn cất lên tiếng
nói phẫn uất từ trái tim mình giữa thanh thiên bạch nhật, giữa dòng xe cộ đặc nghẹt của Saigon. Các chị quả xứng đáng là con
cháu các bậc nữ lưu xưa:
“Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Dòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim”
Trong dòng xe cộ, nhiều tiếng còi được bóp vang lên để ủng hộ tinh thần can đảm của các chị, một số thanh niên dừng xe lại,
chạy xuống tới gần lấy Ipad, Iphone ra để chụp hình quay phim. Đúng là thời nào Việt Nam vẫn có những người con anh hùng
coi thường hiểm nguy...
Sáng nay tôi đi nhà thờ tham dự thánh lễ cầu nguyện cho quê hương Việt Nam nhân ngày 30/4. Trong bài giảng linh mục đã
chia sẻ những cảm nghiệm gian nan khốn khó trong cuộc vượt biên bằng đường bộ, lội rừng băng suối với bao nhiêu hiểm
nguy chồng chất. Có khi cả tuần không có cái gì ăn cũng như nước uống, đành phải tự lấy nước tiểu của mình để uống cầm
hơi nhưng vẫn phải kiên quyết đi để tìm Tự Do. Nhìn về viễn ảnh Việt Nam sẽ lọt vào tay Tàu cộng, cha nhắc lại ý kiến của ông
Ngô đình Nhu với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà chiến lược: “Khi nào nền Đệ Nhất Cộng Hòa này sụp đổ, miền Nam sẽ
từ từ lọt vào tay miền Bắc cộng sản. Roi sau đó cả đất nước Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Cộng.” Thực tế ngày nay cho thấy
các đời tổng bí thư CSVN lần lượt sang Tàu để ký những hiệp ước, mật ước dâng đất đai cho phương Bắc. Từ hiệp ước
Thành Đô xin sát nhập Việt Nam vào Trung quốc, rồi cắt đất biên giới giao cho chúng, tới ký hiệp ước khai thác Bauxit để đem
hằng trăn ngàn công nhân Trung Quốc vào VN.
“Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta” (VK)
Trước năm 1975 ông Lý Quang Diệu đến thăm Saigon và mơ ước không biết bao giờ Singapore được như Saigon. Còn bây
giờ CSVN mơ không biết bao giờ VN được như Singapore? Tôi thấy lời bài hát Du Ca năm xưa sao như vẫn còn ứng dụng
cho hôm nay, vì chỉ có con đường đó thì Việt Nam mới có thể vươn lên lớn mạnh được:
“Dậy mà đi, dậy mà đi
Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi"
Đây đó khắp mọi miền đất nước, đồng bào đã bắt đầu đáp lời mời gọi "Dậy mà đi" Chúng ta người Việt Nam khắp nơi hãy
cùng nhau nuôi dưỡng niềm tin:
"Còn hồn Việt Nam là còn niềm tin
Còn người Việt Nam sẽ có ngày quang vinh”
Buổi trưa tôi đến phố Bolsa tham dự lễ tưởng niệm 40 năm Quốc Hận (1975 - 2015) được tổ chức nơi tượng Đức Trần Hưng
Đạo, người đã ba lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Cầu xin Ngài linh thiêng phù hộ cho dân Việt chúng con vẫn giữ
gìn được giang sơn gấm vóc cha ông để lại.
Khi chúng tôi đến nơi cử hành lễ Tưởng Niệm thì đã thấy bà con tụ tập rất đông đảo. Nhiều anh chiến sĩ mặc quân phục
VNCH, đặc biệt các chị cố giữ truyền thống xưa trước 75, mỗi lần tham dự các nghi lễ long trọng đều mặc áo dài. Nhiều chị
còn thêm khăn quàng cổ màu cờ VNCH thật tươi sáng!
Khi nghi lễ chào cờ bắt đầu, mọi người đứng nghiêm chỉnh hát Quốc Ca và cùng nhìn lên lá cờ vàng tổ quốc thân yêu, phía
dưới có dải khăn tang đen, được kéo lên 1/2 chừng, tượng trưng cho lá cờ rũ trong ngày đại tang của dân tộc Việt Nam(
30/4).
Lần đầu tiên nhìn lên lá cờ vàng với dải băng tang đen ở dưới, lòng tôi chợt nhói đau khi nhớ tới em trai tôi đã hy sinh anh dũng
trong trận đánh oanh liệt cuối cùng giữa binh chủng Dù và bộ đội Bắc Việt ở Khánh Dương - Khánh Hòa. Điều đau buồn là em
đã không có được một chiếc áo quan để phủ lá cờ tổ quốc lên trên với hàng chữ "Vị quốc vong thân" như bao nhiêu chiến sĩ
khác. Các đồng đội em kể lại, các chiến sĩ Dù đã chiến đấu anh dũng gây thiệt hại nặng nề cho đối phương, nhưng vì số
lượng phía địch đông gấp mấy lần quân ta, nên em đã can trường ở lại bắn chặn để các binh sĩ dưới quyền rút đi và chiến đấu
tới giây phút cuối cùng, quyết không đầu hàng. Vì vậy em đã "chết mất xác" trong trận chiến oai hùng cuối cùng đó. Mỗi lần hát
tới câu Du Ca
"Ta thà chết chớ không hề lui
Quyết không hề phản bội quê hương"
Lòng tôi lại quặn đau khi nhớ tới em. Mùa hè đỏ lửa 71 em đang học đại học, lệnh tổng động viên được ban hành, em cùng
bạn bè lên đường “trả nợ núi sông”. Em đã tự chọn cho mình binh chủng hào hùng nhất thời đó: Binh chủng Nhảy Dù. Em đã
sống, chiến đấu, và "ra đi" xứng đáng với tư cách của một "Người Hùng Nhảy Dù". Chị hãnh diện và tự hào về em, "Thiên thần
mũ đỏ" yêu quý của chị! Thời điểm em 'hy sinh” tôi đang ở Nha Trang chỉ cách Khánh Dương có vài chục km mà nào có hay
biết gì! Khi vợ chồng tôi di tản từ Nha Trang vào Saigon, sau một chuyến đi bị cướp sạch và đầy kinh hoàng, vừa bước chân
vào nhà má tôi đã chạy ra ôm chầm lấy tôi mà khóc nức lên: “Em con đã chết mất xác ở Khánh Dương rồi con ơi!” Tôi nghe
mà đầu óc quay cuồng, hai chân không đứng vững nổi!
Hôm nay nhìn lên lá cờ thân yêu với dải khăn tang đen tôi chợt nhớ tới em tôi và nhớ tới biết bao nhiêu người đã hy sinh anh
dũng cho tổ quốc thân yêu như 5 vị tướng đã tuẫn tiết vì không muốn đầu hàng cộng sản sau ngày 30/4. Chúng ta phải sống
làm sao để xứng đáng với sự hy sinh cao quý của họ?
Trong khi nghi lễ tưởng niệm tiến hành tôi thấy một chị mặc bộ đồ đen, nhẹ nhàng đi tới từng người xin phép cài lên áo chiếc
nơ tang đen. Hành vi của chị nhỏ bé nhưng thật ý nghĩa, vì ngày hôm nay ra về trên áo ai cũng có chiếc nơ đen để tang cho tổ
quốc chúng ta vào ngày bị “'bức tử” 30/4/75. Trên sân khấu Đại tá Cổ Tấn Minh Châu đang ngậm ngùi kể lại:
-Sau 30/4 khi đoàn chiến hạm VNCH tới hải phận Phillipines thì họ không cho vào và yêu cầu phải hạ cờ VNCH xuống. Sau đó
lễ nghi chào cờ lần cuối để hạ cờ xuống! Mọi người trên các chiến hạm nước mắt chảy ròng, vì không biết có còn bao giờ
được nhìn thấy lá cờ thân yêu đó tung bay lần nữa.
Nhưng hôm nay chúng ta ngẩng cao đầu hãnh diện vì lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đã tung bay khắp nơi trên thế giới, những nơi
có người VN tị nạn. 40 năm trước chúng ta đến đây nghèo xơ xác, bơ vơ đói khổ, 40 năm sau chúng ta tự hào con cháu chúng
ta đã đạt những thành tựu rỡ ràng nơi xứ người trên mọi lãnh vực. 40 năm trước chúng ta ngỡ ngàng, sợ sệt nói một câu tiếng
Mỹ không rành, 40 năm sau chúng ta đã có 40 dân cử gốc Việt tham gia dòng chính của xứ Mỹ
Kết thúc buổi tưởng niệm, mọi người xuống đường làm một cuộc diễn hành ngắn để cùng thể hiện quyết tâm cao:
"Hãy Đoàn Kết Lại! Tháng Tư Đen! Xin ngước mặt nhìn tới. Tới tương lai, tới quê hương vời vợi"
30/4 /15 là ngày 30/4 đặc biệt vì giữa thủ đô Saigon cũ (trong nước) và thủ đô tị nạn Saigon nhỏ (ngoài nước) đồng loạt có
những cuộc xuống đường biểu hiện quyết tâm chung: cùng muốn chấm dứt chế độ độc tài cộng sản đang thống trị trên quê
hương chúng ta:
“Tháng Tư ơi, hơn 80 triệu người
Như một người, phải thành công mới thôi!” (P.D.)
30/4/2015
Phượng Vũ