VIDEO Và hẳn nhiên, nếu bạn có một cơ hội ngàn vàng ấy, bạn sẽ nói điều chi? Bạn trong tư cách một người dân không thờ ơ, nhưng chưa hề nằm trong bất cứ đoàn thể xã hội dân sự nào, liệu bạn sẽ nói khác đi với những điều như Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền? Hoặc giả bạn đơn thuần là dân dã vốn theo truyền thống cha ông ôm mối thù Bắc Thuộc truyền kiếp, đang theo xu hướng ghét Tàu, chống Tàu, bài Tàu, thoát Tàu như “Ngài Phùng Tâm Tư” cho là rất nguy hiểm, thì có lẽ bạn cũng chỉ biết hét to như một người mẹ liệt sĩ: “Giờ thì chỉ mong cho người Mỹ trở lại.” Thật tình mà nói, không như cuộc gặp gỡ hứa hẹn đã thu hút 150.000 chữ ký Thỉnh Nguyện Thư, đã vô tình bất thành, rơi cùng nỗi háo hức chờ đợi được diện kiến Tổng Thống Obama năm 2012, càng ngày tôi càng đâm tin vào thứ “thuyết lý” có duyên thì gặp của một phật tử thuần thành hoặc chưa thành. Lại nhân chuyến gặp gỡ chỉ được báo trước vỏn vẹn một tuần vì vấn đề an ninh, và tên của blogger tù nhân lương tâm Điếu Cày cùng hai nhà báo tự do cầm tù khác được “rút” ra từ 30 tên tuổi nhà báo bị áp bức trên thế giới, để được vinh hạnh đến Nhà Trắng trao gởi, hội luận với Tổng Thống của một siêu cường Obama, với mái tóc chừng như đã bạc đi khá nhiều so với lần nhắc đến tên nhà báo Điếu Cày nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2012. Do chính điều bất ngờ như chiêm bao mộng tưởng này của Điếu Cày, có thể nói đã là một lý do làm tôi muốn chia sẻ đoạn “video” thâu vội vã, xúc động của cái “cell phone” nhỏ bé, nhưng chứa đựng ngàn tiếng nói, không chỉ vì tính hiếm hoi đặc biệt, mà chính vì cách “xử lý” ấm áp, gần gũi, tuyệt vời ân cần với dân của một vị nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa. Điều này quả đúng như sự tin cậy của người dân đã thể hiện qua lá phiếu, và của đại đa số mọi tầng lớp, và do đó người dân trong một đất nước hoàn toàn tôn trọng tự do cảm thấy thực sự hạnh phúc được đóng góp, phát triển vì tiếng nói của mình được lắng nghe bởi những khối óc, con tim vì dân vì nước và do dân cho dân. Trái hẳn ở một nơi mà người dân không hề có một chọn lựa nào, từ những bầu bán cho người đứng đầu, hay mọi tiếng nói phản biện góp ý đều bị bóp nghẹt và hành hình. Chẳng trách theo một ký giả Pháp, ở Việt Nam sau 75, nếu cột đèn biết đi cũng sẽ phải đi thôi. Không ai còn chịu nổi sự cai trị “rừng rú” dưới một chế độ độc tài độc đảng thối nát nhũng giễu, lại thi nhau giành giựt ra tay bởi những “Đảng trưởng” bất tài vô dụng, và chỉ giỏi tuyên truyền dối trá, triệt tiêu tinh thần dân tộc yêu nước của nhân dân để dễ bề thống trị, “an lòng” kiếm cả những chỗ dựa nguy hiểm giả nhân giả nghĩa của “kẻ giặc”, để xoay xở những bàn cờ quyền lực cho riêng mình và gia đình. Như thế đó nên vào đầu tháng 6 năm nay, mặc dù người Việt hải ngoại không buồn đón tiếp “những bước chân âm thầm” của TBT Nguyễn Phú Trọng, nhưng cũng sẽ có một màn dàn chào “thất lễ” không có 21 tiếng súng chào đón, và sẽ được “mơn trớn” bằng cờ phướn không có 6 ngôi sao, với biểu ngữ nghe bùi tai hơn những lời huấn thị “nhân dân tệ” của quan thầy mới đây. Chúng ta có thể mường tượng là sẽ có một Đảng Trưởng chưa chịu lép vế và bị hạ bệ, vẫn cao ngạo lẫn cao cấp, tỏ ra ít cười ít nói vì phải đăm đăm như triết gia yêu quá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh này. Chỉ tiếc những vị quan lớn có tật giật mình chuyên đi cửa hậu, nên báo chí quốc tế lần này có dòm ngó thật, nhưng cũng chỉ thoáng thấy “Ngài” TBT leo nhanh lên chiếc Limousine bóng lộn đen tuyền như xe tang, để còn kịp đu dây kiểu mới với những tình thế căng thẳng Biển Đông, có nguy cơ mất dần những chủ quyền và cơ đồ cha ông, nhưng vẫn hèn nhược bằng lòng với thứ giải quyết “hữu nghị viễn vông” song phương, và nhất định không đa phương nên tứ bề thọ địch, nhân dân bị lãnh đủ. Đối diện với những tay lãnh đạo một mặt hai lòng, của nổi của chìm, ngoại giao bề nổi và thiếu thực lực nhân tâm với đất nước như vậy, liệu bạn có còn muốn nhắc nhở họ điều gì nữa, nếu không là những kiến nghị, thư ngỏ, tuyên bố… muộn màng nhất cũng đã rơi vào hư vô, mà mới đây G.S. Tương Lai còn chưa mở mắt và lại dám “mong mỏi”? Cuộc gặp của TBT Nguyễn Phú Trọng đáp lời mời của ngoại trưởng Hillary Clinton nhân mùa hè 2012 ghé thăm Việt Nam, liệu có thêm được những nét khác biệt và nỗ lực đột phá, so với cuộc gặp mùa Hè 2013 trong lần Hội Nghị Thượng Đỉnh, mà Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã tìm cách mở rộng những hợp tác về sau? Chỉ thả nhỏ giọt và bắt bớ thêm những tù nhân chính trị là “nghề của chàng”, nhưng lần này với tiềm lực của 85% giới trẻ từ 15 đến 25 xài mạng xã hội Facebook, nâng con số hơn 30 triệu người sử dụng và sự hình thành của những phong trào XHDS đang được cộng đồng quốc tế, nhất là chính sách Hoa Kỳ hết lòng ủng hộ, do đó từ đây và những ngày sắp đến chúng ta vẫn tiếp tục nhận được những động viên của Washington để bắt Hà Nội phải cải thiện nhân quyền, hoặc ngay cả với thái độ nhỏ giọt, câu gìờ ấy, chúng ta càng thừa biết mình đang ở thế thượng phong, để bước tới, bước tới một lần vì Việt Nam bằng con đường bất tuân dân sự. Con mồng béo hiệp ước TPP vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới sẽ giúp vực dậy kinh tế èo uột rất cần kíp của VN, không lẽ họ thiếu tự tin về khả năng lãnh đạo của mình đến nỗi không dám nới lỏng nhân quyền, để có được một mặc cả không tốt lành, đi ngược lòng dân và hơn bao giờ hết họ phải biết tốt hơn họ nên đáp ứng nguyện vọng chung này, vì những tức nước vỡ bờ cũng đang chực chờ trào dâng như cuồng lưu thác đổ và không bao giờ còn đảo ngược lại được tình thế. Thử hình dung thêm nữa: Từ đây cho đến khi Tổng Thống khôi nguyên Nobel Hòa Bình Obama mãn nhiệm, nếu bạn có thể tự nguyện mỗi ngày ta chọn làm một điều phước, một điều ích lợi dù nhỏ nhoi nào đó cho đất nước, hoặc những người kém may mắn hơn, rồi hẳn tiếp tục lâm râm cầu nguyện thì biết đâu mọi chuyện cũng đều có thể xảy ra, hoặc điều “kỳ diệu” ấy cũng sẽ đến, nghĩa là Tổng Thống Obama sẽ đến thăm Việt Nam trước khi chấm dứt vai trò lãnh đạo số một của mình, và bạn cũng sẽ hứa hẹn được tìm cách đón chào gặp gỡ, nhưng nếu điều này không mấy bất ngờ như chỉ biết được trước đó một hai phút của đoạn video này, thì có lẽ bạn không phải đứng tim đâu. Cuộc gặp Ngài Obama trong đoạn video này chưa được phổ biến công cộng, vì lắm lúc mỗi người trong chúng ta bỗng muốn giữ riêng những riêng tư cảm hứng cho riêng mình. Có điều chúng ta biết có những gặp gỡ phải may mắn lắm và có thiên duyên vô cùng hoặc có nằm mơ cũng chưa chắc được gặp lại giấc mơ ấy, cho dù đó chỉ là một buổi sáng thứ bảy đẹp trời “ôi ta buồn ta đi lang thang” tới một quán sách, quán ăn nào đó và tất cả tổng hợp của những tình cờ bỗng được gom góp vào phút giây ấy, để vị Tổng Thống mà chính bàn tay mình, gia đình mình đã trân trọng gởi gấm ở những thùng phiếu chợt xuất hiện đằm thắm và thân thiện với môi cười sáng trắng luôn nở trên môi. Cái cảm giác này chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ có được cho đến khi VN có được một cuộc bầu phiếu thực sự xảy ra trên xứ sở yêu dấu của mình, và vị lãnh đạo chính danh ấy mới đúng là người của nhân dân, của ước mơ được diện kiến, tiếp xúc, bày tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ. Dĩ nhiên những người trẻ có mặt hôm đó để làm thành một hàng dài trước cửa tiệm reo vui hồ hởi đón tiếp Ngài Tổng Thống không hẳn là những người “tự hào” sung sướng đã bỏ phiếu để Ngài Obama có được sự chiến thắng vẻ vang năm 2008 và 2012, nhưng đa số nhân viên của nhà hàng Chasin’ Tails lúc đó hẳn nhiên không thiếu những sinh viên vừa đi học vừa đi làm thêm, và điểm đặc biệt là những lớp người trẻ tuổi vốn rất yêu mến thần tượng Tổng Thống. Điều đáng nói ở đây là gặp được thần tượng, những người dân ngưỡng mộ chỉ muốn bày tỏ sự kính trọng của mình bằng những tiếng cười, tiếng nhộn nhịp trong veo và những câu chào mừng thăm hỏi rất thật lòng, ý vị. Và vì vậy xem ra còn tác động mạnh mẽ lên tình cảm hơn cả những diễn văn có soạn thảo từng câu cú. Để đáp lại tấm thịnh tình của giới trẻ hôm ấy, Tổng Thống Obama đã làm một cử chỉ đẹp hiếm có. Chính Ngài đã ra dấu cho những người bảo vệ mặc veste trang trọng xunh quanh mình, để tự động bước tới đám đông đang đứng đưa tay vẫy chào, thay vì Tổng Thống Obama chỉ cần vẫy tay lại và bước nhanh vào tiệm sách đang có hai cô con gái nhỏ đứng chờ, cho một buổi sáng thứ bảy thăm viếng “small business”. Chao ơi, sao mà thương quá những cái bắt tay đầy ấm áp và tràn đầy cảm hứng của một vị Tổng Thống đã đến với đồng bào mình. Trong trường hợp này, hẳn bạn cũng sẽ bị choáng ngợp á khẩu, vì chẳng còn lời nào đủ để cảm ơn người đứng đầu thế giới, nhưng lại bình dị và thể hiện được con người tài đức của mình như thế. Đã vậy những cái bắt tay của Tổng Thống Obama càng làm những phận người nhỏ bé như Việt Nam, như những con người tội nghiệp đời đời chỉ muốn được gặp Ngài để gởi đến những khẩn cầu cứu vớt. Tiếng nói đa số của những chữ ký trong 150.000 người ký tên Thỉnh Nguyện Thư hôm nào chắc cũng thế, đều là những cử tri nơi quê hương thứ hai của mình, cũng đã tìm đến Ngài với ước mơ được xin cho đồng bào thân yêu ruột thịt như “Free” Việt Khang, Tạ Phong Tần, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Lê Quốc Quân, Bùi Thị Minh Hằng… hoặc mới đây là Nguyễn Viết Dũng… mà đến bây giờ vẫn còn hoài mơ ước. Đó là chưa kể hôm tháng 3 vừa rồi, Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Nhật Quang rón rén qua Mỹ dọn đường cho TBT Nguyễn Phú Trọng, khi con số 200 người dân đã bị bỏ mạng oan ức trong những đồn bót cảnh sát vẫn không hề thấy một động tịch nào được họ tỏ ra cảnh giác và phục thiện những biện pháp. Không phải chính Ngài Tổng Thống đã nhắn nhủ với bọn cai trị mafia đỏ này còn nhớ rõ trong một đoạn diễn văn vào ngày nhậm chức rằng: “Chúng tôi sẽ giơ tay ra nếu quý vị cũng sẵn sàng nới lỏng nắm đấm.” Ghé thăm Việt Nam trước khi Ngài Obama chấm dứt hết làm Tổng Thống, liệu nhà cầm quyền Việt Nam chí ít cũng phải thấy được truyền cảm hứng, nhìn từ sự chuyển mình của một đất nước như Miến Điện, mà trước đó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của CHXHCN đã xem thường và khuyên lơn Tổng Thống Thein Sen phải cải tiến này nọ…, để sẽ nhiệt tâm “nới lỏng nắm đấm” nhân quyền cho nhân dân VN đỡ khổ chăng. Vậy lần này, thử hỏi bạn là ai trong những người VN khốn cùng thấp cổ bé miệng, và nếu có cơ may được đứng dàn chào hai bên đường đón vị Tổng Thống da màu đầu tiên, thiên tài chính trị và giàu lòng đức độ, tri hành hợp nhất của một đại trí thức…, bạn sẽ vỗ tay reo mừng, là ó một điệu sáo miệng hay lặng người sung sướng đến không thể chào đón được một lời, hay không dám ngả mũ chào vì sợ dán nhãn hiệu Thân Mỹ? Hoặc giả khá hơn bội phần, vì điều này có chuẩn bị có bài bản rào trước đón sau, bạn thuộc thành phần SVHS con ông cháu cha được nhà trường thông báo mời đến để nghe Tổng Thống Obama thuyết trình trong một giảng đường tiếng tăm nào đó của Việt Nam, và như thế liệu bạn chỉ nói quanh quẩn ước mơ được Hoa Kỳ ưu đãi nhận thêm du học sinh, để bạn có thêm cơ hội đi mở mang kiến thức gì đó, rồi không còn buồn mong một ngày về lại phục vụ đất nước, như GS Ngô Bảo Châu đã chọn ở lại dạy học nơi Đại Học Chicago Mỹ, hay Nguyễn Thanh Phương con gái rượu của Thủ Tướng Dũng cũng vừa giã từ quốc tịch Việt Nam để theo quốc tịch số 1 của thế giới… Thưa Tổng Thống Obama, phải nói là nhân dân Việt Nam rất mang ơn Ngài đã chọn người tù nhân lương tâm báo chí Việt Nam là Điếu Cày để tặng vinh dự ngồi cạnh Ngài như một che chở và gợi mở ý nghĩa động viên tinh thần kiên cường của những tù nhân lương tâm còn bị đày đọa ở chốn địa ngục trần thế Việt Nam. Ở đây chúng ta chỉ muốn được ghi nhận lại câu nói để đời của Dr. Luther King, thủ lãnh của phong trào BBĐ đã truyền lại cảm hứng cho bao đời: “Tự Do không bao giờ được ban phát từ những kẻ cai trị, nó phải được đòi hỏi bởi những người bị cai trị”, hoặc: “Sự thay đổi không đến một cách tự nhiên, mà nó đến từ sự phấn đấu không ngừng.” Vâng, thưa Ngài Obama, giá gì một ngày thật gần tất cả những người VN đã được vinh hạnh gặp Ngài hay không, thì cũng sẽ được gợi hứng, hoặc hy vọng học được phần nào tinh thần cương quyết theo đuổi đến kỳ cùng những hoài bão, lý tưởng phục vụ cho người khác của Ngài. Trong cương vị của một Tổng Thống, thì điều mà Ngài đã làm tốt đẹp là cho nhân dân của mình. Không phải Dr. Luther King cũng đã nhắc nhở tha nhân: “Nếu tôi không thể làm những điều vĩ đại, tôi có thể làm một việc nhỏ một cách vĩ đại.” 10/05/2015 Nguyễn Thị Thanh Bình