Một số blogger Trung Quốc, tiêu biểu là ông Nhậm Kiến Vũ, bị công an bắt đi cải tạo lao động (DR)Internet là phương tiện hữu hiệu làm bùng nổ Mùa xuân Ả Rập hồi năm 2011. Tại Trung Quốc, xã hội dân sự cũng đang tận dụng phương tiện thông tin này để đấu tranh chống tham nhũng. Dù rằng đó là cách đấu tranh ít rủi ro, nhưng không phải vì thế mà các blogger Trung Quốc không lâm cảnh "tai bay họa gió".
Nhật báo Le Monde số ra hôm nay dành phần phụ trang địa chính trị cho chủ đề này với dòng tựa : «Sức mạnh còn non yếu của các blogger Trung Quốc ». Tờ báo cho biết, tại Trung Quốc, do sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền, nên xã hội dân sự ngày càng có xu hướng tận dụng không gian ảo trên Internet để công khai các vụ tham nhũng.
Những người đấu tranh thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhưng có một mục tiêu chung là chống tham nhũng. Lực lượng này đôi khi tự tiến hành mạo hiểm điều tra y như những phóng viên báo chí chuyên nghiệp. Vì thế, mà Le Monde gọi những người này là « các công dân phóng viên ».
Tờ báo dẫn lại hai trường hợp như vậy. Người đầu tiên là một thanh niên 28 tuổi với pha đấu tranh ấn tượng là tận dụng kỹ thuật hiện đại phân tích những bức ảnh trên mạng của một quan chức cấp tỉnh và phát hiện ra rằng quan chức này trong 6 lần xuất hiện đã mang đến 6 loại đồng hồ khác nhau, mà điều đáng chú ý đó lại là những nhãn hiệu đồng đồ đắt tiền như Omega hay Rolex.
Người thứ hai là một người đàn ông 43 tuổi. Năm 2006, người này đã lập ra một trang mạng với sự tham gia của nhiều nhân vật có tầm cỡ trong xã hội dân sự, mục tiêu là : bảo vệ dân quyền và chống tham nhũng. Đây chính là người đã nhận và tung lên mạng bức ảnh hồi cuối năm 2012 về một quan chức tại Trùng Khánh đang lõa thể với một cô gái 18 tuổi dẫn đến việc người này bị cách chức.
« Đấu tranh » coi chừng « tránh đâu »
Đấu tranh trên mạng tại Trung Quốc không hẳn là an toàn. Le Monde dẫn lại lời của một trong hai người trên để làm minh chứng : «Tôi ở ngoài sáng còn họ trong bóng tối. Nếu qua cuộc điện thoại này mà họ xác định được vị trí tôi đang ở đâu, thì họ sẽ bắt tôi ».
Ý người này muốn nói rằng, do đi điều tra hiện trường một vụ tham nhũng và bị chính quyền địa phương phát hiện, nên hiện tại người này đang bị tìm kiếm gắt gao, vì thế nếu bị xác định ở đâu thì chắc chắn sẽ bị công an bắt giữ để diệt trừ hậu họa.
Tờ báo cũng dẫn lại lời một trong hai người trên chứng tỏ quyết tâm của những người đấu tranh : «Tôi có thể tưởng tượng được họ sẽ cho giết tôi như thế nào. Một tai nạn xe hơi hay cho ám sát gì đó…Thế nhưng tôi không sợ, cần phải đấu tranh chống tệ nạn này ».
Source: RFI