Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ chụp được các hình ảnh cho thấy hành động 'lấp biển lấy đất' của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 21/5/2015.
Chưa bao giờ tình hình Biển Đông căng thẳng như lúc này. Báo chí phương Tây cho rằng cuộc khủng hoảng Nam Hải - Biển
Đông lúc này có thể gần như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hồi năm 1962, một đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, khi chiến
tranh Hoa Kỳ - Liên Xô có nguy cơ bùng nổ. Thế rồi nhân nhượng, thỏa hiệp đã diễn ra, tránh được một cuộc đối đầu kinh
khủng.
Gần đây Hoa Kỳ công khai tố cáo Trung Quốc đã có hành động phi pháp trắng trợn ở Biển Đông, trong vùng biển thông
thương hàng hải quốc tế, biển nhiều đảo và bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự, với doanh trại, bến tàu, sân bay có
đường băng dài từ 1.500 đến 2.000 mét, đe dọa an ninh đường hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ đã cho nhiều máy bay do thám P8
Poseidon bay vào vùng này để quan sát và chụp ảnh. Một nhóm nhà báo hãng CNN cũng được đi theo để quay phim và trình
chiếu cho công chúng, tạo nên phản ứng mạnh mẽ trong chính giới cũng như công luận Hoa Kỳ, khi họ nhìn thấy quang cảnh
Trung Cộng đã bồi đắp đến 8km vuông trên 7 hòn đảo nhỏ trong vùng biển này, với tốc độ rất cao, diện tích nói trên đã nhân
đôi trong nửa năm qua.
Trung Quốc đã phản ứng khá mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Hồng Lỗi "phản đối các chuyến bay của máy
bay Hoa Kỳ vào vùng trời Trung Quốc, xâm phạm an ninh quốc gia Trung Quốc ". Ngoại trưởng Vương Nghị cao giọng khẳng
định đây là vùng chủ quyền bất khả xâm phạm của nước ông, và sẽ thiết lập tại đây vùng Nhận diện Phòng không ADIZ để
"bảo đảm an ninh hàng không hàng hải và tránh tai nạn hàng hải". Hệ thống phòng không TQ đã 8 lần phát tín hiệu cảnh báo
máy bay Hoa Kỳ xâm phạm vùng này, nhưng máy bay Hoa Kỳ đều trả lời là "Hoa Kỳ có quyền hoạt động trong không phận và
hải phận quốc tế".
Theo báo Pháp le Monde (20/5), các nước Philippines, Malaysia, Singapore và cả Indonesia đều lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ về
thái độ ngăn chặn sự ngang ngược của Trung Cộng, bảo vệ an ninh hàng hải trong vùng biển cực kỳ hệ trọng này của thế giới.
Riêng Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấn chiếm nhiều đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại có phản ứng yếu
ớt, nhu nhược. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố (theo báo Nhân Dân ngày 21/5/2015) :"Chúng tôi mong
các nước liên quan đóng góp có trách nhiệm tích cực, duy trì hoà binh an ninh hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông".
Viên chức này tránh cả việc nêu tên của Trung Quốc là nước đã gây ra cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó Hoa Kỳ đã tỏ ra rất kiên quyết ngăn chặn hành động bành trướng phi pháp của Trumg Quốc trong vùng biển
Đông. Theo Reuters (ngày 21/5), Hoa Kỳ đang tính đưa tàu hải quân vào vùng Biển Đông đến giáp vùng 12 hải lý của các hải
đảo nhằm duy trì tự do thông thương trên đường hàng hải quốc tế và máy bay Hoa Kỳ vẫn bay quan sát trên vùng biển này.
Giữa cuộc khủng khoảng trên đây, một sự kiện quân sự mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra được dư luận bàn tán rộng rãi. Theo
tin AP, ngày 20/5/2015 Hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên thực hiện một cuộc diễn tập đổ bộ lớn tại đảo Hawaii giữa Thái Bình
Dương, tham dự có tàu tấn công đổ bộ hiện đại USS ESEX và nhiều tàu đổ bộ khác, với hàng chục ngàn binh sỹ, sỹ quan thủy
quân lục chiến và hải quân Hoa Kỳ tham gia. Cuộc trình diễn lớn mang tên PALS được các đoàn đại biểu quân sự của 23
nước đồng minh và thân hữu toàn thế giới chứng kiến. Ngoài các nước Liên Âu, ở Châu Á có các đoàn quân sự Nhật Bản và
Philippines, đồng minh của Hoa Kỳ, và các nước bạn Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trung Quốc bị Hoa Kỳ cố tình không
mời tham gia cuộc diễn tập quy mô quốc tế này. Nhân dịp này, 23 đoàn đại biểu quân sự quốc tế còn được mời đến thăm căn
cứ không quân lớn Hickam Field gần Honolulu. Qua các sự kiện này, việc Hoa Kỳ chuyển trục sang châu Á - Thái Bình Dương
là một chiến lược thực tế trong hành động, với ý đồ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Theo bình luận của Reuters đây là phản ứng kịp thời đối với mưu đồ xây dựng Con Đường Tơ lụa trên biển của ông Tập Cận
Bình nhằm chiếm lĩnh con đường vận chuyển quốc tế trên các đại dương, nhưng xem ra hải quân Trung Quốc còn lạc hậu
đến khoảng 15 năm so với hải quân Hoa Kỳ, giấc mộng Tơ lụa trên biển cũng như trên đất liền của TQ quả thật lực bất tòng
tâm, còn xa vời, lắm trở ngại, gian truân.
Các chiến sĩ dân chủ và nhân dân Việt Nam đang nhận rõ thời cơ đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống bành trướng TQ, lực lượng
nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập dân tộc và cuộc sống an bình của nhân dân Việt Nam. Hoa Kỳ, nhiều nước Đông Nam Á,
Nhật Bản, Ấn Độ là những nước không có một tham vọng nào đối với nước ta, đang ra sức ngăn chặn sự trỗi dậy nguy hiểm
của Trung Quốc đầy tham vọng ngông cuồng.
Hơn lúc nào hết, Bộ Chính trị và lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cần nhận rõ mọi biến chuyển của thời cuộc, biết cầm lái và bẻ lái
con tàu Dân tộc, liên minh với các lực lượng chân thực đáng tin cậy, giữ hoà khí với nước láng giềng phương Bắc, bảo vệ
vững chắc nền độc lập dân tộc và cuộc sống an bình của toàn dân. Đây là lúc thử thách cao nhất xem Bộ Chính trị và lãnh đạo
Nhà nước có thật lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ, hay vẫn chỉ là những cán bộ cộng sản Hai Đê - Đất và Đôla - mà nhân
dân đã nhận diện không ít ở khắp nơi.
Thời cơ cầm cân bẻ lái cực hiếm là đây. Bộ Chính trị cần thảo luận cho ra lẽ và định hướng rõ ràng cho Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng có chủ trương chuẩn xác về chinh sách đối ngoại của nước ta trong cuộc công du Hoa Kỳ sắp tới để gặp Tổng
thống Barack Obama. Bỏ qua thời cơ cực hiếm này là một tội lớn đối với dân tộc, đối với lịch sử.
Theo tin từ Hoa Kỳ (CNN ngày 24/5), sắp đến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và đoàn Thượng nghị sĩ gồm các Ông
John McCain, lãnh đạo Ủy ban Quân vụ Thượng viện, và Ông Jack Reed, sẽ đến Hà Nội gặp các lãnh đạo Nhà nước Việt
Nam. Đây lại thêm một dịp để Việt Nam tỏ rõ sự bén nhạy của mình đối với thời cơ thuận lợi và hiếm có, vì lợi ích sống còn
của dân tộc và nhân dân.
Theo Blog của Nhà báo Bùi Tín (VOA)