Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992. File photo Chưa đầy một tuần lễ kể từ khi phát động, bản Tuyên bố Công dân Tự do đã thu được hơn 4.700 chữ ký.
Người dân ủng hộSau khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên công khai bài viết phản bác lời cáo buộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đó khẳng định 5 điều đòi hỏi của công dân trước vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào ngày 28 tháng Hai một nhóm bạn trẻ Việt Nam đã thành lập Bản Tuyên bố Công dân Tự do kêu gọi mọi công dân trong và ngoài nước cùng nhau ký vào lời tuyên bố với mục đích đòi hỏi cho quyền được bày tỏ chính kiến của công dân trước việc sửa đổi Hiến pháp năm 92.
Bản tuyên bố ghi rõ: Thứ nhất phải bỏ điều 4 hiến pháp, phải tổ chức Hội nghị lập hiến do nhân dân thành lập nhằm viết một hiến pháp mới cho đất nước. Thứ hai ủng hộ mạnh mẽ đa nguyên đa đảng. Thứ ba ủng hộ thể chế tam quyền phân lập và đòi hỏi tăng tính tự trị cho địa phương. Thứ tư yêu cầu phi chính trị hóa quân đội với ý hướng quân đội chỉ phục vụ cho tổ quốc chứ không phục vụ cho bất cứ một đảng phái nào. Thứ năm bản tuyên bố công dân khẳng định bất cứ người Việt Nam nào cũng đủ thẩm quyền tuyên bố công khai những điều vừa nói.
Bản tuyên bố này cũng nhấn mạnh bất cứ lời lẽ nào nhằm chống lại những quyền nêu trên là phản động là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, nhân dân và đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Một trong những người trong nhóm khởi thảo bản Tuyên bố Công dân Tự do là chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm cho biết con số chữ ký tính đến sáng ngày 6 tháng 3:
“Tuyên bố Công dân Tự do tính đến 6 giờ 30 sáng hôm nay, ngày 6 tháng Ba đã được 4.700 chữ ký trong khi còn nhiều chữ ký chưa được cập nhật. Điều này do những người trẻ cùng khởi xướng và hy vọng Tuyên bố Công dân Tự do này sẽ khiến cho nhiều người bước ra khỏi sự sợ hãi và nó cũng là câu trả lời cho việc kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Việt Nam.”
Khi được hỏi thành phần nào chiếm đa số ký tên trong bản tuyên bố này blogger Mẹ Nấm cho biết:
“Trong lời Tuyên bố của Công dân Tự do thì người trẻ rất là nhiều và người trong nước cũng khá nhiều. Người trong nước chiếm khoảng 1/3 danh sách.”
Bản tuyên bố công dân tự do xuất hiện song song với kiến nghị 72 và tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tạo một không khí sôi động trong lần sửa đổi Hiến pháp này. Những vận động cùng lúc của ba phong trào cho thấy sự bức xúc của người dân các giới đã lên tới đỉnh điểm và nhà nước cũng thấy điều đó qua việc liên tục chống chế bằng những buổi hội thảo, họp tổ dân phố, các bài viết trên báo Đảng nhằm bảo vệ các luận cứ của Đảng và chính phủ.
Source: RFA