Sinh viên Phương Uyên đã bị tạm giam từ tháng 10 năm 2012Luật sư bào chữa cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên cho biết ông đã chứng kiến buổi hỏi cung bị can lần đầu tiên do cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện.
Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, vốn là sinh viên của Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang bị tạm giam tại tỉnh Long An để điều tra về hành vi ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Theo mô tả của luật sư thì buổi hỏi cung này nhằm mục đích cho thấy Phương Uyên đang được đối xử tốt và bản thân thân chủ của ông có thái độ ‘dè dặt, lo sợ’ khi trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra.
‘Thể hiện với luật sư’Ông Nguyễn Thanh Lương, một trong hai luật sư nhận bào chữa cho Phương Uyên cùng với luật sư Hà Huy Sơn, nói với BBC rằng ông đã được công an cho phép dự buổi hỏi cung Phương Uyên hôm trước Tết.
Ông cho biết buổi hỏi cung này đã diễn ra trong khoảng 10’ và đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy thân chủ của mình kể từ khi nhận vụ án.
“Họ hỏi xoay quanh thủ tục tố tụng như bắt giam như vậy có đúng không, có tống đạt quyết định thủ tục không và hỏi về sức khoẻ ăn uống,” ông kể.
“Nói cho cùng buổi làm việc này là phục vụ yêu cầu của cơ quan điều tra muốn thể hiện cho luật sư hiểu về tình trạng giam giữ hiện nay của Phương Uyên,” ông nói.
Ông nói thêm rằng buổi hỏi cung này hoàn toàn không phục vụ cho nhu cầu công việc của ông và vai trò của ông ‘hoàn toàn bị động’.
“Trước buổi làm việc, tôi có đặt ra hơn 10 câu hỏi để kiểm chứng những thông tin liên quan đến hành vi của Phương Uyên nhưng không được chấp nhận vì cơ quan điều tra nói họ đã hỏi những vấn đề đó rồi và đã có trong hồ sơ,” ông cho biết.
“Tôi có đặt thêm vấn đề tạo điều kiện cho Phương Uyên trình bày với luật sư về những tâm tư nguyện vọng hiện nay,” ông nói thêm, “Phương Uyên có yêu cầu gia đình xin bảo lưu kết quả học tập cũng như xin lại số tiền đóng học phí.”
Về những câu hỏi mà cán bộ điều tra đưa ra thì Phương Uyên trả lời là ‘trình tự tố tụng là đúng’, ‘việc giam giữ là đúng’ và ‘bệnh tật sức khỏe thì có bác sỹ chăm sóc’, luật sư Lương kể lại.
‘Trả lời máy móc’“Tôi cảm nhận cách trả lời có sự máy móc,” ông nói và cho biết buổi hỏi cung diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ và ‘có ghi âm ghi hình’.
Tuy nhiên, theo quan sát chủ quan của luật sư Lương thì tinh thần của thân chủ của ông ‘không được thoải mái’.
“Phương Uyên không mệt mỏi, không yếu đuối cũng không mạnh mẽ,” ông nói, “Tinh thần bị o ép trong trạng thái bị quản thúc, dè dặt và lo sợ.”
Theo luật sư Lương, đã có sự linh động của cơ quan điều tra dành cho ông vì theo Bộ Luật Tố tụng hình sự khi quá trình điều tra chưa kết thúc thì luật sư chưa được gặp thân chủ của mình mà cơ quan điều tra có thể chấp nhận cho luật sư tham gia các buổi hỏi cung.
Ông cho rằng cơ quan điều tra ‘làm đúng luật’ và không có gì để khiếu nại.
Tuy nhiên, ông cho biết là có mâu thuẫn trong việc đã kết thúc điều tra hay chưa.
Trong khi ông được cơ quan điều tra thông báo là ‘gần kết thúc’ thì mẹ Phương Uyên là bà Nguyễn Thị Nhung lại được Viện kiểm sát Long An thông báo rằng quá trình điều tra đã kết thúc rồi và hồ sơ đã được chuyển qua Viện kiểm sát.
Khi được hỏi về triển vọng bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên trong phiên tòa sắp tới, ông Lương nói rằng qua truyền thông trong nước thì ông ‘hiểu rằng Phương Uyên nhận tội’.
“Việc xét xử sẽ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi hơn so với những người không nhận tội,” ông nói.
Tuy nhiên, do đây là vụ án ‘xâm phạm an ninh quốc gia’ nên ‘thật thà mà nói vai trò luật sư cũng mờ nhạt,’ ông nói.
Nguyễn Phương Uyên bị bắt và khởi tố hồi tháng 10 năm ngoái. Theo cáo buộc của công an tỉnh Long An thì sinh viên này tham gia rải truyền đơn kêu gọi biểu tình lật đổ chế độ và treo cờ vàng ba sọc của chế độ cũ rồi chụp ảnh đưa lên mạng.
Source: BBC