Cựu điệp viên Snowden, người đưa ra ánh sáng các hoạt động thu thập tin tình báo quy mô lớn của NSA, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Reuters
Nước Pháp bị đồng minh theo dõi. Nhưng « Nước Pháp cũng bị theo dõi bằng chính các phương tiện của mình ». Trên đây là hàng tựa nhận định của báo Le Monde số ra cho hai ngày Chủ Nhật 31/05 và thứ Hai 01/06/2015.
Căng thẳng giữa Pháp và Đức xảy ra sau khi có tiết lộ Berlin làm việc cho Hoa Kỳ, theo dõi các đối tác Châu Âu của mình, nhất là Pháp. Trước tiên đối với nhật báo, « Giữa cơ quan tình báo Mỹ và Đức có những mối quan hệ nguy hiểm ». Nhưng nếu đổ lỗi cho một mình Đức trong vụ việc này cũng không đủ, bởi vì theo Le Monde, « chính nước Pháp đang giúp Berlin nghe lén Pháp » theo như hàng tít nhỏ trên trang nhất. Paris bị theo dõi bằng chính các phương tiện, các kỹ thuật mà Pháp đã cung cấp cho Hoa Kỳ và Đức.
Trong suốt khoảng thời gian 2004-2015, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA có lẽ đã sử dụng các thiết bị theo dõi thông tin của Đức để theo dõi các doanh nghiệp Đức và Pháp cũng như là các thành viên trong Bộ Ngoại giao và trong Phủ Tổng thống Pháp.
Điều khôi hài trong vụ việc này là chính Pháp ngay từ năm 2005 cũng có tham gia vào việc xây dựng hệ thống theo dõi cho Đức mà giờ đây Paris lại trở thành nạn nhân của chính hệ thống đó. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương với cơ quan phản gián Đức (BND), Paris trong suốt những năm qua, đã cung cấp kỹ thuật mã hóa và giải mã, có kèm theo các thiết bị liên quan. Vốn nổi tiếng có nhiều nhà toán học mật ước, nước Pháp còn chia sẻ một phần công nghệ được phát triển đó cho chính Cơ quan mã hóa và giải mã quốc gia, một hệ thống thu thập dữ liệu cá nhân hàng loạt.
Le Monde nhắc lại, sự hợp tác tình báo Đức – Mỹ nảy sinh sau vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Từ đó, Washington có ý định mở rộng mạng lưới theo dõi ra toàn cầu. Để có thể làm được điều này, Hoa Kỳ buộc phải liên kết với những đồng minh thân cận nhất, trong đó có Đức. Vào tháng 4/2004, một tòa nhà mới không có cửa sổ được dựng lên tại căn cứ Mangfall, ở Bad Aibling, vùng Bavière. Một trung tâm nghe lén được mở ra tại đây, chủ yếu là để theo dõi các thư điện tử, theo như tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ Edward Snowden.
Theo lý thuyết, công cụ nghe lén này được xây dựng dựa trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau về mặt phương tiện quy tụ ba cơ quan chính là NSA (Mỹ), BND (Đức) và Trung tâm kỹ thuật Châu Âu (cơ cấu bao gồm nhiều đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu). Các thiết bị và phần mềm chủ yếu do Mỹ cung cấp được chi trả bằng ngân sách của Đức. Đổi lại, NSA được quyền truy cập vào các dòng dữ liệu do phía Đức thu thập được, cũng như là tiếp cận các công cụ kỹ thuật do các đồng minh của Berlin trong đó có Pháp cung cấp.
Nhờ vào các tiết lộ của Edward Snowden, được tờ báo Spiegel Đức đăng tải năm 2014, nước Pháp mới hay rằng NSA dưới vỏ bọc nhóm làm việc chung với BND, mỗi ngày đã thu thập các dữ liệu từ trung tâm này. Cũng theo những tài liệu đó, BND còn ban không cho NSA một « cổng truy cập duy nhất » vào mọi lãnh vực, ngoài những khoản có liên quan đến chống khủng bố.
Theo đánh giá của Arnaud Danjean, nghị sĩ Châu Âu và cựu quan chức cơ quan phản gián Pháp, sự việc cho thấy « sự ngây thơ của nước Pháp, người ta đã nhanh chóng quên là tình báo Đức đã làm việc cho người Mỹ từ lâu đời nay ». Theo ông, « người Đức không có cùng khái niệm về mối liên hệ giữa kinh tế - chủ quyền. Đối với Berlin, quyền lợi công nghiệp đi trước quốc phòng, trong khi đó đối với Paris thì ngược lại ».
Nói tóm lại trong vụ này, nước Pháp đang bị « Gậy ông, đập lưng ông ». Tự mình giao nộp lấy mình cho đối thủ.
Theo RFI