Một người biểu tình đứng chặn đoàn xe tăng của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa tại cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, ngày 5/6/1989.
WASHINGTON—
Một nhóm sinh viên đại học Trung Quốc du học ở nước ngoài đang phổ biến một bức thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản phải nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi tàn ác đã phạm cách đây đúng 26 năm, khi lực lượng Trung Quốc giải tán người biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn.
Bức thư do sinh viên cao học trường Đại học Georgia viết và có chữ ký của 10 sinh viên khác, là cố gắng mới nhất để chống lại chiến dịch tuyên truyền ráo riết vây quanh vụ việc trong đó hàng trăm và có thể cả hàng ngàn người biểu tình ôn hòa đã bị sát hại.
Bắc Kinh không cho phép công khai bàn luận hay tưởng niệm vụ Quân đội Giải phóng Nhân dân thảm sát sinh viên biểu tình vào tháng 6 năm 1989. Các sinh viên này tụ tập ở trung tâm Bắc Kinh và các nơi khác khắp nước đòi cải cách dân chủ và chấm dứt nạn tham nhũng tràn làn trong các giới chức.
Kết quả là, nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi không biết ngay cả các chi tiết cơ bản của sự kiện được coi như một trong những thời khắc quyết định nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc. Những người viết bức thư hy vọng nỗ lực của họ sẽ giúp gia tăng nhận thức quần chúng ở Trung Quốc.
Kẻ giết người phải bị xét xửBức thư viết, “Càng biết nhiều, chúng tôi càng cảm thấy chúng ta gánh một trách nhiệm nghiêm trọng trên vai. Hỡi các bạn sinh viên đại học trong nước, chúng tôi viết bức thư ngỏ này để chia sẻ sự thực với các bạn và phơi bày các tội ác đã phạm cho tới ngày hôm nay, liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.”
Bức thư viết tiếp: “Chúng tôi không yêu cầu đảng Cộng sản Trung Quốc đền bù lại những sự kiện đã xảy ra vào mùa xuân ấy, bởi vì chúng tôi không trông mong những kẻ giết người sẽ thanh minh cho những người đã chết, nhưng những kẻ giết người phải bị xét xử. Chúng ta không quên, cũng không tha thứ, cho đến khi nào đạt được công lý và cuộc đàn áp đang tiếp diễn phải chấm dứt.”
Bức thư đã được phổ biến bên trong Trung Quốc dưới dạng PDF, một hình thức hồ sơ đã giúp vượt qua dễ dàng những cơ quan kiểm duyệt gay gắt của Trung Quốc. Hồ sơ cũng đã nhiều người đọc hơn sau khi nhật báo Global Times của đảng Cộng sản viết một bài xã luận đả kích bức thư.
Báo Bắc Kinh đả kích ‘Các Lực lượng Thù địch Nước ngoài’Báo Global Times, với các bài xã luận thường phản ánh các ý kiến chính thức, đả kích những “quan điểm cực đoan” về vụ Thiên An Môn. Bài báo viết, “Bức thư của sinh viên đả kích gay gắt chế độ đương thời của Trung Quốc, bóp méo các sự kiện cách đây 26 năm với những lời tường thuật của các lực lượng thù địch nước ngoài.”
Bài báo nói thêm, “Nếu bức thư thực sự do một vài sinh viên nước ngoài viết, chúng ta phải nói rằng những người trẻ tuổi ấy đã bị tẩy não ở các nước ngoài, bắt chước nhóm thiểu số nghi kỵ ở nước ngoài.”
Giới hữu trách kiểm duyệt Trung Quốc sau đó đã yêu cầu gỡ bỏ bài báo Global Times khỏi các cổng thông tin trên mạng, theo trang web của China Digital Times, có lẽ bởi vì bài báo lại có tác dụng ngược lại với ý đồ của nó.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi đề cập đến vụ Thiên An Môn, thường tìm cách biện minh cho vụ trấn át tàn bạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân bằng cách nêu bật tiến bộ ồ ạt về kinh tế mà giới lãnh đạo đảng Cộng sản đã đạt được trong những thập niên sau đó.
Cựu Phụ tá viết bài Xã luận nghiêm khắcMột cố vấn lâu năm cho cựu thủ tướng Triệu Tử Dương tuần này đã chống đối lập luận đó. Trong một bài xã luận đăng trên báo New York Times, ông Bao Đồng nói, “nhiều người cầu mong giới lãnh đạo đảng tự nguyện thú thực sự bất công và tính phi pháp của những vụ giết hại đó.”
Ông nói, “Đây cũng là hy vọng của tôi. Nhưng tôi không lạc quan, bởi vì cho đến giờ này, chưa có mấy dấu hiệu gợi ý là điều này sẽ xảy ra.”
Ông Bao cũng lên án điều ông gọi là “tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới” của đảng Cộng sản, mà ông cho là đã giúp các giới chức có thế lực cùng với thân nhân của họ làm giàu bất kể người khác.
Chân dung các nạn nhân ngày 4 Tháng 6, 1989 đẫm máu tại viện Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn ở Hồng Kông.
Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch mạnh để diệt trừ tình trạng tham nhũng trong các giới chức. Nhưng chiến dịch này sẽ không có hiệu quả, theo ông Bao, một phần vì các công dân độc lập bị đối xử như tội phạm nếu họ tố giác tham nhũng.
Nhân viên y tế đứng cạnh thi thể của những người biểu tình bị sát hại tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989.
Ông nói, “Các phong trào chống tham nhũng của quần chúng đã bị đàn áp gay gắt, giống như hồi năm 1989.”
Ông Bao từng là phụ tá của cựu thủ tướng Triệu Tử Dương, người đã có một chủ trương hòa giải hơn đối với những người biểu tình Thiên An Môn và sau đó đã bị cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình lật đổ.
Trong bài xã luận trên tờ New York Times, phát hành hôm qua, ông Bao nói trong tháng trước, ông đã bị ngăn không cho trả lời phỏng vấn. Truyền thông Hong Kong sau đó nói ông là một trong nhiều nhân vật bị buộc phải rời khỏi thủ đô Trung Quốc trước ngày kỷ niệm vụ thảm sát hôm nay.
Việc Bắc Kinh truy lùng và tạm thời làm biệt tích các nhân vật nhạy cảm đã trở thành lệ thường đối với Bắc Kinh trước ngày kỷ niệm Thiên An Môn.
Theo VOA
Sửa bởi người viết 04/06/2015 lúc 08:16:16(UTC)
| Lý do: Chưa rõ