Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Mấy tuần vừa qua, Mỹ liên tục lên án gay gắt việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay tức khắc những hành động mà họ cho là phi pháp, khiêu khích và nguy hiểm ấy. Mặc kệ, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng, thậm chí còn đặt cả mấy khẩu pháo trên những hòn đảo nhân tạo ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra trên Biển Đông?
Theo tôi, sẽ có một trong ba kịch bản sau đây:
Thứ nhất, Biển Đông sẽ châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Điều này, thật ra, đã có nhiều người nói đến từ lâu. Một số học giả đưa ra các lý do khiến Trung Quốc sẵn sàng mở một cuộc chiến tranh với Mỹ, trong đó, có ba lý do chính: Một, là một nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cần khẳng định vị thế siêu cường của mình, ít nhất là trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và sự khẳng định ấy chỉ có thể thực hiện được qua chiến tranh. Hai, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện nay đã bắt đầu khựng lại, sự phân hoá giàu nghèo càng ngày càng trở nên to lớn, sự bất mãn của dân chúng càng ngày càng sâu sắc, xu hướng đòi hỏi dân chủ càng ngày càng mạnh mẽ, Trung Quốc cần một cuộc chiến tranh để nâng cao chủ nghĩa quốc gia, thống nhất lòng dân và dập tắt mọi ngọn lửa phản kháng, từ đó, duy trì sự thống trị của đảng Cộng sản. Ba, để tiếp tục phát triển, Trung Quốc rất cần nhiên liệu mà Biển Đông, theo họ, là nguồn chứa dầu khí thuộc loại lớn nhất thế giới, do đó, họ xem việc chiếm cứ Biển Đông là một “lợi ích cốt lõi”, không thể nhân nhượng, ngay cả khi họ phải trực tiếp đối đầu với Mỹ.
Về phía Mỹ, có nhiều lý do để họ ngại một cuộc đối đầu quân sự như vậy. Chiến tranh ở Afghanistan và Iraq chưa chấm dứt. Tình hình chính sự ở Trung Đông vẫn còn ngổn ngang. Dân chúng Mỹ đã bắt đầu mệt mỏi với việc can thiệp ở nước ngoài. Tổng thống Barack Obama chỉ còn một năm rưỡi nữa là hết nhiệm kỳ, chắc chắn ông không muốn tham dự vào một cuộc phiêu lưu mới đầy bất trắc. Tổng thống kế tiếp cũng chắc không muốn mở đầu một nhiệm kỳ bằng chiến tranh. Đó là chưa kể kinh tế Mỹ, một mặt, vẫn chưa hồi phục hẳn; mặt khác, có quan hệ chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc. Chỉ có hai lý do có thể khiến Mỹ vượt qua tất cả những sự khó khăn và trở ngại ấy: Một, Trung Quốc quyết định khống chế hoàn toàn con đường hàng hải đi ngang qua Biển Đông; và hai, Trung Quốc nổ súng trước vào máy bay hay chiến hạm của Mỹ.
Chuyện Trung Quốc nổ súng trước không phải không có khả năng xảy ra. Nó có thể xảy ra một cách cố ý với một sự tính toán rõ rệt từ nhà cầm quyền Trung Quốc nhưng cũng có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên và bất ngờ, hay nói theo giáo sư Michael Auslin, như “một tai nạn” khi máy bay hoặc chiến hạm hai bên đụng vào nhau gây ra thương vong, từ đó, dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ cả hai phía và hậu quả là chiến tranh sẽ bùng nổ.
Một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ vô cùng khốc liệt và rất dễ dẫn đến nguy cơ lan rộng thành chiến tranh thế giới, và đặc biệt, chiến tranh hạt nhân. Viễn cảnh ấy chắc chắn sẽ làm chột dạ mọi người. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể khẳng định vị thế siêu cường trong khu vực của mình bằng một cuộc chiến tranh khác, ví dụ, chiến tranh với một nước đang tranh chấp nào đó. Đó là những nước nào? Có ba nước tranh chấp biển và đảo quyết liệt nhất với Trung Quốc: Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Trong ba nước ấy, mạnh nhất là Nhật Bản. Về quân sự, trừ vũ khí hạt nhân, có khi Nhật Bản còn mạnh hơn cả Trung Quốc. Hơn nữa, sau Nhật Bản là Mỹ. Có lẽ Trung Quốc sẽ không phiêu lưu vào cái nơi nguy hiểm và không nắm chắc phần thắng ấy. Nước yếu nhất là Philippines. Nhưng Philippines lại có liên minh về quốc phòng với Mỹ. Nếu Trung Quốc muốn tránh đương đầu với Mỹ, họ cũng sẽ không gây chiến với Philippines. Chỉ còn lại Việt Nam là vừa yếu vừa thân cô thế cô, dễ đánh nhất. Bởi vậy, chúng ta có kịch bản thứ hai: Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bài “Why A War Between China And Vietnam Is Inevitable” đăng trên tờ Business Insider vào tháng 7 năm 2011, Dee Woo cho chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam là chuyện không thể tránh khỏi. Ông cho cuộc chiến tranh ấy phục vụ lợi ích của chính quyền ở cả hai nước: Trung Quốc thì muốn chiếm trọn Trường Sa và, từ đó, Biển Đông, còn Việt Nam thì muốn làm lệch hướng sự quan tâm của dân chúng để không ai còn lên án những thất bại thảm hại về phương diện kinh tế và xã hội của nhà cầm quyền. Nhưng Dee Woo lại vẽ nên một viễn cảnh thê thảm của Việt Nam: sau khi tấn công cả trên biển lẫn trên đất liền, Trung Quốc sẽ phá huỷ toàn bộ các cơ sở hạ tầng của Việt Nam rồi rút về, để lại ở Việt Nam một cảnh tan hoang và thậm chí, nội chiến triền miên cả nửa thế kỷ sau cũng chưa chắc đã hồi phục được.
Viễn cảnh ấy, tuy bi quan, nhưng không có gì quá đáng. Tương quan lực lượng của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay khác xa với thời chiến tranh biên giới vào năm 1979. Trung Quốc không những giàu hơn về kinh tế mà còn có kho vũ khí, khi tài cũng như các phương tiện phục vụ chiến tranh dồi dào và tối tân hơn Việt Nam cả mấy chục lần. Việt Nam có đổ thêm bao nhiêu tiền để mua sắm vũ khí thì cũng không thể nào bắt kịp được Trung Quốc. Hơn nữa, cần lưu ý: Đánh nhau trên bộ người ta còn có thể sử dụng chiến thuật du kích và huy động chiến tranh nhân dân nhưng trên mặt biển, yếu tố quyết định nhất vẫn là vũ khí và kỹ thuật. Thua vũ khí và thua kỹ thuật là thua hẳn cuộc chiến. Chắc chắn chính quyền Việt Nam biết rõ điều đó nên họ vẫn tiếp tục chịu đựng và nhân nhượng. Nếu sách lược này kéo dài mãi, chúng ta sẽ có kịch bản thứ ba: Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành.
Nên nhớ một trong những sách lược chính của Trung Quốc ở Biển Đông là sách lược tằm ăn dâu (salami slicing). Họ cứ lấn dần dần. Lấn đến cỡ nào Việt Nam cũng nhịn, đến một lúc nào đó, tất cả những gì họ muốn đều biến thành hiện thực. Họ tuyên bố về đường lưỡi bò bao trùm lên 80% diện tích Biển Đông của Việt Nam: Việt Nam nhịn. Họ đem giàn khoan đến thềm lục địa Việt Nam: Việt Nam nhịn. Họ tái tạo bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo: Việt Nam nhịn. Một lúc nào đó, họ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng hàng không: Việt Nam lại nhịn. Thậm chí, họ có thể chiếm nốt các hòn đảo khác ở Trường Sa: Việt Nam cũng vẫn tiếp tục nhịn. Đến lúc đó, thực tình họ chả cần đánh nhau với Việt Nam làm gì: Họ đã có tất cả những gì họ muốn. Và đến lúc ấy, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn nữa. Chỉ còn mâu thuẫn trong nội bộ Việt Nam: giữa nhân dân và một chính quyền bất lực, nhu nhược và đớn hèn.
Theo Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc (VOA)