Người Nga đã cầm cờ cộng sản và chân dung nhà độc tài Joseph Stalin trong cuộc diễn hành ngày 1 tháng Năm, 2015 tại Moscow. (Vasily Maximov/Getty Images)
Chỉ cách đây sáu năm, Tổng Thống Vladimir Putin đến thăm hải cảng Gdansk tại Ba Lan. Đây là nơi khai sinh phong trào Công Đoàn Đoàn Kết đánh đổ ách thống trị của Nga Sô. Ông Putin trấn an các nước láng giềng Đông Âu rằng Nga chỉ có những ý định thân thiện mà thôi.
Vào ngày hôm đó, Putin gay gắt nói về hiệp ước khét tiếng trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, mà lãnh tụ Nga Sô Josef Stalin đã ký kết với lãnh tụ Đức Adolf Hitler. Ông gọi hiệp ước ấy là một “sự thông đồng để giải quyết vấn đề của người này mà lại gây thiệt hại cho người khác.” Chính thỏa thuận ấy đã dọn đường cho Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan, và cho Nga Sô được quyền thống trị trong vùng Baltic.
Nhưng nay quan điểm lịch sử của ông Putin đã trải qua một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Trong tháng qua, nhà lãnh đạo Nga này ca ngợi hiệp ước mà Stalin ký với Hitler vào năm 1939. Putin xem đây là một thủ thuật thông minh giúp Nga ngăn ngừa được chiến tranh với Đức.
Từ lâu dân Nga nói chung xem triều đại kéo dài 29 năm của Stalin là một chương đen tối và đẫm máu trong lịch sử nước Nga. Thế nhưng trong mấy năm gần đây, Putin và những người ủng hộ ông đã công khai ca ngợi triều đại ấy. Họ coi đó là nền tảng trên đó siêu cường Nga Sô vĩ đại được xây dựng.
Trên khắp một nước Nga đang hồi sinh, Stalin sống lại lần nữa, ít nhất là trong trí óc và trái tim của những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc. Họ xem Putin là người thừa kế của nhà cai trị bằng bàn tay sắt tàn bạo này. Những cuộc vinh danh gần đây đã chúc mừng tài chỉ huy quân sự nhạy bén và sức mạnh địa lý chính trị của Stalin. Việc ông Stalin ra tay đàn áp tàn nhẫn những kẻ thù, có thực và tưởng tượng, đã bị gạt sang một bên bởi Putin. Nhà lãnh đạo hiện nay của điện Kremlin coi đó là cái giá phải trả cho việc đánh bại Đức Quốc Xã.
Giữa lúc Putin tìm cách thu hồi lãnh thổ đã bị mất trong năm 1991, khi Liên Bang Sô Viết tan rã, việc ông đòi cho mình, theo kiểu Stalin, quyền có một “khu vực ảnh hưởng,” đã cho phép ông hợp thức hóa việc chiếm lấy vùng Crimea của nước Ukraine. Ông tuyên bố một nghĩa vụ phải bảo vệ những người Nga và những người nói tiếng Nga, ở bên ngoài biên giới nước ông.
Ngày 9 tháng 5 vừa qua là ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng cuộc chiến tranh của các nước Đồng Minh. Hôm ấy hình ảnh của Stalin đã được đưa trưng bày, với những bộ phim tôn vinh chiến tranh, những chiếc áo T-shirt, những tấm bảng quảng cáo và áp phích.
Những bức chân dung lồng trong khung ảnh của ông thống chế có bộ ria rậm này đã được người tuần hành cầm theo, trong cuộc diễn hành Ngày Chiến Thắng ở Công Truờng Đỏ. Ảnh của Stalin cũng được trưng lên, trong cuộc rước công dân có cả triệu người tham gia. Đám rước này diễn ra để vinh danh tất cả những người đã gục ngã, trong cuộc Chiến Tranh Yêu Nước Vĩ Đại, theo lối nói của người Nga.
Ông Putin áp dụng các chiến thuật làm tăng quyền lực của Stalin. Việc này được ca ngợi bởi nhiều người Nga và những cựu công dân Nga Sô. Họ coi đó như là loại lãnh đạo nhất quyết mà họ mong ước, trong khi nhìn thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ xung quanh họ. Đối với những người đề xướng một nước Nga hồi sinh, nhà cải cách Mikhail Gorbachev và người kế nhiệm ông, Boris Yeltsin, được coi là đã nộp nước Nga cho quyền thống trị của Tây Phương.
Những tình cảm như thế không còn bị giới hạn vào những người lớn tuổim, từng có những kỷ niệm về thời đại Stalin. Một cuộc thăm dò trong mùa xuân năm nay, do Trung Tâm Levada độc lập thực hiện, đã tìm thấy rằng trong số người được hỏi, có 39% phát biểu ý kiến tích cực về Stalin.
Còn về chuyện hàng triệu người bị giết, trong số những người được hỏi thì có 45% đồng ý rằng những cái chết ấy có thể được biện minh cho những thành tựu lớn lao của việc chiến thắng cuộc chiến tranh, xây dựng các ngành kỹ nghệ hiện đại, và tăng trưởng lên để rốt cuộc mang lại cho Hoa Kỳ, đại địch thủ của họ, một trận chiến giành quyền tối thượng, trong cuộc chạy đua võ khí và chinh phục ngoại tầng không gian.
Theo báo Viễn Đông