Mùa Hè năm 2015 bắt đầu nóng bỏng với cuộc chiến tranh lạnh. Từ đối thoại Shangri-la ở Singapore qua đến hội nghị của các cường quốc kinh tế khối G7, Hoa Kỳ đã cho thế giới thấy sức mạnh của siêu cường quốc bá chủ thế giới.
Trong một thế giới với không khí chiến tranh âm ỉ, với những xã hội bất công, với quả địa cầu quay quanh đồng dollar, Hoa Kỳ đã dằn mặt hai đối thủ Trung Cộng và Nga. Thế chiến thứ ba đã không xảy ra như lời đe dọa của Trung Cộng (qua tờ báo lá cải Global Post do nhật báo Nhân Dân của đảng Cộng Sản làm chủ) khi phi cơ quân sự bay trên không phận các hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Hải Quân Hoa Kỳ đi tuần trên biển theo đúng hải phận định bởi luật biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS 12 dặm chứ không theo luật “lưỡi bò trên biển Ðông” của Trung Cộng. Hoa Kỳ dằn mặt Nga, loại Nga ra khỏi hội nghị G7 để trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine. Ðể trả thù thủ tướng Nhật thăm, Ukraine Nga bắt chước chính sách ăn cướp của Trung Cộng, xây cấp tốc các căn cứ quân sự trên quần đảo ở Bắc Phận của Nhật đang tranh chấp giữa Nga và Nhật. Bảy mươi năm trước, sau Thế Chiến Thứ Hai, Nga đã không trả lại các hòn đảo phía Nam Kuri. Nhật, đồng minh của Hoa Kỳ, nước Á Châu duy nhất trong khối G7 nay hai tay đối đầu, Nga ở phía Bắc và Trung Cộng ở phía Nam về đảo Ðiếu Ngư trong khi Hoa Kỳ phải đối phó với những thủ đoạn của bọn cướp vặt Trung Cộng tấn công vào hệ thống điện toán để lấy tài liệu nhân viên dân sự liên bang và quốc phòng.
Một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. (Hình: Getty Images)
“Giấc Mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình trở thành cơn ác mộng khi Hoa Kỳ không nhường bước ở biển Ðông. Tập Cận Bình đã đi một bước vội vàng. Họ Tập nóng nảy khác với thái độ cận trọng của nhóm bảo thủ. “Giấc mơ Trung Hoa” là tham vọng của Trung Cộng nhằm thay thế Hoa Kỳ làm siêu cường quốc duy nhất trên thế giới như Liu Mingfu, cựu đại tá quân đội giải phóng nhân dân trong sách “giấc mơ Trung Hoa” năm 2010 đã cho biết năm 2012 khi Tập Cận Bình nắm quyền tổng bí thư đảng CSTQ, họ Tập đã mơ sẽ xây dựng quân đội hùng mạnh, giấc mơ này được Tập Cận Bình lập đi lập lại nhiều lần, giấc mơ này sẽ thành tựu vào năm 2049, 100 năm sau ngày thành lập đảng CSTQ chứ không phải năm 2015. Năm năm sau, bản Bạch Thư của chính quyền Bắc kinh đã vẽ ra chương trình và chính sách quốc phòng trong đó Hải Quân đóng vai trò quan trọng trong việc đối đầu với Hoa Kỳ ở những vùng đảo đang tranh chấp trên biển Ðông và Nam Hải. Ðại tá họ Lưu đã tính phải mất 50 năm Trung Cộng mới thay thế được Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới. Lộ trình đưa đến “thời đại Trung Hoa” sẽ là lộ trình lâu dài, học theo bài học Hoa Kỳ, nhưng đưa thế giới đến hòa bình, một thế giới dân chủ khác với thời “Thái Bình Mỹ Quốc” mâu thuẫn, một Hoa Kỳ dân chủ trong nước nhưng độc tài bá quyền trên phương diện ngoại giao. Ðể ru ngủ thế giới và thuyết phục các quốc gia Tây Phương, họ Lưu đưa câu nói của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên “không có họa da vàng chỉ có phúc lợi da vàng.” Trung Hoa không đe dọa ai cả chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng thế giới!
Trung Hoa cần học bài học Hoa Kỳ, phải mất 50 năm Hoa Kỳ mới trở nên cường quốc lãnh đạo thế giới. Năm 1895, tổng sản lượng quốc gia của Hoa Kỳ bắt đầu qua mặt Anh nhưng 50 năm sau, năm 1945 vào Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ mới thành cường quốc và sau cuộc chiến tranh lạnh giữa Xô Viết và Hoa Kỳ, Hoa Kỳ mới thành siêu cường quốc vì vậy Trung Hoa cũng phải mất 50 năm, Hoa Kỳ không nên lo sợ và Trung Cộng cũng không nên vội vã mà cứ để Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo! Lên bộ mặt dạy đời, đại tá họ Lưu, Khổng Minh tân thời của Tập Cận Bình, viết: “Trung Quốc cần 3 giai đoạn, giai đoạn đầu là bắt kịp với Hoa Kỳ (giai đoạn cần im lặng không để lộ mưu mô rõ rệt giống như Hoa Kỳ xây dựng kinh tế quân sự vào những thập niên đầu khi đế quốc Anh còn làm chủ mặt biển) giai đoạn hai là chạy đua để thành đối tác bình đẳng rồi đến giai đoạn thứ ba là lãnh đạo thế giới.” Tham vọng của họ Tập không khác gì với sự dự đoán của giáo sư Sử Ðại Học Yale, ông Paul Kennedy, đã viết: “Trung Hoa có hai yếu tố thuận lợi để trở thành cường quốc, lợi điểm thứ nhất là các lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa có tham vọng điên cuồng có thể qua mặt các nhà lãnh đạo Moscow, Hoa Thịnh Ðốn, Tokyo và các nước Tây Phương, lợi điểm thứ hai là Trung Hoa là một nước lớn về kinh tế và văn hóa.”
Trung Cộng đang ở cuối giai đoạn đầu và bắt đầu giai đoạn hai nhưng trái với lời khuyên của họ Lưu, chính quyền Trung Cộng không im lặng trong chiến thuật của họ. Giống như các cường quốc và đế quốc trong quá khứ, sức mạnh quân sự đi đôi với sức mạnh kinh tế. Chính sách của đế quốc La Mã cũng như đế quốc Anh được đế quốc đỏ mới với chính sách thực dân Cộng Sản mới áp dụng: Chiếm đất, đối phó với nạn nhân mãn giải pháp là xuất khẩu người đi kèm với xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu văn hóa. Trung Cộng đã qua hai thời kỳ Cộng Sản, giai đoạn đầu với chủ nghĩa Mao xây dựng xã hội chủ nghĩa cực đoan qua đến giai đoạn xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa của Ðặng Tiểu Bình nay Tập Cận Bình với nền kinh tế mạnh đang xây dựng một đế quốc “giàu có không có sức mạnh quân sự là một quốc gia bất ổn.” Với dân số chiếm gần một nữa dân số Á Châu, với sức mạnh quân sự, thời “chiến quốc” ở Á Châu bắt đầu với Trung Cộng, Nhật, Ấn Ðộ, Tam Quốc Chí ở Á Châu cùng với Tam Quốc Chí trên thế giới: Mỹ, Nga và Trung Cộng.
Trung Cộng năm 2015, đang xây dựng mạng lưới thương mại và quân sự trên toàn thế giới. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa nay Tập Cận Bình muốn thống nhất thế giới với Trung Hoa là Trung Quốc với chư hầu bốn phương. Bắt chước Hoa Kỳ, Trung Cộng viện trợ các quốc gia thế giới thứ ba nhưng với điều kiện dễ dàng hơn cho vay không bị ràng buộc bằng dự án phải được chấp thuận trước, các chính quyền nhận viện trợ được 30% tiền hối lộ ứng trước. Tài nguyên thiên nhiên được khai thác không cần biết đến những thiệt hại về môi sinh. Trao đổi với tài nguyên khai thác vơ vét ở Phi Châu, Á Châu, Trung Cộng xây đập nước, đường xá, phi trường hầu như khắp nơi trên thế giới từ hòn đảo Samoa qua Rio de Janeiro đến Jakarta Nam Dương, Mombasa, Vanuatu những địa danh lạ lùng trên thế giới. Những dịch vụ dầu hỏa, khoáng sản mọc lên để đưa dịch vụ thương mại có lợi về cho Trung Cộng, nhân viên được đưa qua từ Trung Hoa, dân bản xứ không được lợi nhuận nào kể cả tiền đóng thuế các công ty Trung Hoa cũng không đóng.
Các chương trình thương mại điên cuồng không luật lệ của các công ty Trung Hoa thiếu tổ chức (khác với những dự án quốc tế của quỹ tiền tệ quốc tế hay ngân hàng thế giới) giúp Trung Cộng tăng trưởng kinh tế trong khi kinh tế trong nước trên đường đi xuống. Câu chuyện kinh tế mới nảy phát từ ý nghĩ “con đường lụa” từ Ðông sang Tây, con đường nổi tiếng với Ðường Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh, con đường đi qua đến Âu Châu. Tập Cận Bình vào tháng 9 năm 2013 đến thăm thủ đô Astana quốc gia Kazakhstan thuộc khối Xô Viết cũ, khởi đầu chương trình đào dầu 5 tỷ Mỹ kim “một vòng đai - một con đường” một ấn bản của con đường lụa.
Trên đất liền, những đường tàu cao tốc, những đường hỏa xa đã nối liền Trung Hoa với khởi điểm Côn Minh qua đến Lào, Cambodia, Mã Lai, Miến Ðiện, Singapore, Thái Lan, Việt Nam với nhiều rủi ro. Một con đường khác từ xa lộ, đường hỏa xa đến ống dẫn dầu đã nối liền Tràng An đến Bỉ. Con đường xe hỏa vận tải hàng hóa dài 8,011 dặm chạy dài từ Trung Hoa qua đến Madrid Tây Ban Nha! Một đường cao tốc khác dài 1,125 dặm từ Trung Hoa qua Pakistan đến cảng ở biển Á Rập.
Sự hiện diện mạnh nhất của Trung Cộng là ở Phi Châu với đường hỏa xa, phi trường, xa lộ và hải cảng được xây để nối liền 54 nước Châu Phi. Ở Nga, Trung Á và Nam, Bắc cực, Trung Cộng cũng xây dựng các công trình thương mại. Ðe dọa của Trung Cộng qua đến Nam Mỹ, chương trình 3,300 dặm đường hỏa xa nối liền Rio de Janeiro, Ba Tây, xuyên qua rừng già Amazon lên đến rặng núi Andes và bờ biển Peru cùng với chương trình xây một kinh đào mới thay cho kinh đào Panama với chi phí 50 tỷ Mỹ kim băng qua Nicaragua bởi nhà tỷ phú Wang Ging không có kinh nghiệm về xây cất!
Tham vọng của Trung Cộng đang gặp phải nhiều chống đối. Chương trình xây đường cao tốc và hỏa xa tổn phí 3 tỷ 700 triệu Mỹ kim đã bị chính phủ Mexico bác bỏ cũng như nhiều nước Phi Châu đã đuổi các công ty Trung Hoa về sau khi đường xá và các công trình bị hư hại chỉ vài năm sau khi xây cất.
Nhật đang cạnh tranh, thách thức các chương trình đường rày cao tốc của Trung Cộng ở Ấn Ðộ và Thái Lan. Nhật giúp các chính quyền này bằng các chương trình cho vay lãi xuất thấp.
Ở Á Châu, ngoài biển Ðông và Nam Hải, “con đường lụa” trên mặt biển kéo dài đến các nước trên Thái Bình Dương bao gồm Fijii, Samoa, Tonga, Vanuata. Con đường lụa trên mặt biển đã bị phản đối mạnh hơn con đường lụa trên mặt đất. Thần tượng của Tập Cận Bình là Tống Giang trong Thủy Hử nhưng Tập Cận Bình chỉ học được tính thảo khấu xem vùng biển Ðông và Nam Hải như vùng lau sậy Lương Sơn Bạc vô luật pháp, xem thường luật biển UNCLOS của Liên Hiệp Quốc, tự đặt luật rừng với âm mưu thôn tính các nước láng giềng.
Thái độ ngang ngược của Trung Cộng đã được Hoa Kỳ đọc được trong bạch thư của Bộ Quốc Phòng Trung Cộng nên năm nay Hoa Kỳ đã hành động khác với năm 2012 khi Hoa Kỳ đứng nhìn tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Cộng mà không can thiệp để Trung Cộng ngang nhiên xâm phạm thỏa hiệp đã ký. Thái độ này cũng đã trả lời phần ba trong cuốn sách “Giấc mơ Trung Hoa” của đại tá Lưu: Trung Hoa sẽ thiết kế và lãnh đạo thế giới như thế nào? Họ Lưu viết, cũng như Tập Cận Bình nói, thế giới sẽ giống xã hội của Trung Hoa là xã hội hài hòa, Chủ Nghĩa Xã Hội hài hòa dựa trên tinh thần ngụy Khổng Tử trên Vua dưới tôi thay xã hội Cộng Sản. Trung Cộng sẽ không giống như Hoa Kỳ, không xử dụng vũ lực, biết che giấu sức mạnh, chỉ “chuẩn bị chiến tranh để gìn giữ hòa bình.” Trong thế kỷ thứ 21, Trung Cộng sẽ thực hành lời dạy của Alexander Hamilton: Thành lập hải quân hùng mạnh để có khả năng gìn giữ hòa bình ngăn chận Hoa Kỳ và tiêu diệt Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ gây hấn!
Hoa Kỳ đã làm “giấc mơ Trung Hoa” quá sớm của Tập Cận Bình phải tạm ngừng. Họ Tập đã ra tay quá sớm trong năm 2015 trái với lời khuyên của họ Lưu vì nhiều tính toán sai lầm. T.T. Obama không phải là “con vịt què” ở vào cuối nhiệm kỳ hai tổng thống khi quyền lợi Hoa Kỳ bị đụng chạm. Con đường hàng hải vùng biển Ðông và Nam Hải quan trong trong sự vận chuyển dầu và thương mại cũng như quan trọng về phương diện quân sự. Bận tay ở Trung Ðông và vùng Hắc Hải nhưng Hoa Kỳ không thể bỏ vùng Thái Bình Dương như sự tính toán của đảng CSTQ.
“Giấc mơ Trung Hoa” của đại tá họ Lưu rất cập nhật hóa, kinh tế hùng mạnh kéo theo quân sự và trong thế kỷ 21, kỹ thuật phải hiện đại hóa. Trung Cộng từ dịch vụ sản xuất hàng giả, ăn cắp kỹ thuật điện toán đến “học giả” (hơn 8,000 sinh viên bị đuổi ra các trường đại học về tội gian lận) nay chế tạo được vũ khí và kỳ thi SAT năm 2015 đang ngưng chấm điểm vì thí sinh Trung Hoa gian lận), chế tạo được vũ khí, máy điện toán, chiến đấu cơ, hàng không mẫu hạm, hõa tiển phòng không nhờ đọc được mật mã điện toán của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Câu chuyện bắt đầu từ năm đầu tiên nhiệm kỳ của TT George W Bush. Ngày 1 tháng 4 năm 2001, chiếc phi cơ dọ thám của Hải Quân Hoa Kỳ EP đã đụng độ trên không với chiến đấu cơ J811 của Không Quân Quân Ðội Giải Phóng PLA, 110 km cách đảo Hải Nam, 160 km cách Trường Sa nơi Trung Cộng đang tranh chấp chủ quyền biển Ðông. Chiếc phi cơ do thám rơi xuống đảo Hải Nam. Phi hành đoàn theo đúng luật phá hệ thống điện tử và mật mã nhưng không đập phá máy bằng búa nhớ đó Trung Cộng đã tháo máy nghiên cứu mật mã quốc phòng.
TT Aquino gọi Tập Cận Bình là Hitler qua thái độ lố bịch của họ Tập trong vụ tranh chấp các đảo trên vùng Nam Thái Bình Dương và biển Ðông phản ảnh lời cảnh tỉnh của nhà văn Lưu Hiểu Ba khi được giải Nobel Hòa Bình năm 2010. Tinh thần quốc gia cực đoan của đảng CSTQ đã đe dọa sự ổn định của thế giới, Trung Cộng là mối nguy lớn nhất chứ không phải Nga (cố gắng gầy dựng lại Xô Viết như TT Obama tố cáo), Iran hay ISIS.
Chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã thay thế cho chủ nghĩa Mao. Ðảng CSTQ luôn luôn nhắc nhở dân Trung Hoa về cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1914 ở Mãn Châu với hơn hàng ngàn người Hoa chết và bảo tàng viện đã dựng lên để ghi lại tội ác của Nhật trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Hoa năm 1931. Ðảng nhắc dân Trung Hoa không bao giờ quên mối nhục bị trị, chỉ có đảng Cộng Sản độc quyền mới giữ được một Trung Hoa mạnh để không bị ngoại xâm như thời nhà Thanh. Ðảng cảnh cáo nhân dân Trung Hoa đừng quên tội ác Nhật nhưng hoàn toàn bỏ quên tội ác của đảng Cộng Sản và Mao với hơn 80 triệu người chết cũng như tội ác quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Trung Cộng gây hấn sớm với Hoa Kỳ thay vì đợi 50 năm cũng vì tinh thần quốc gia quá khích để che dấu nội tình Trung Cộng đang bất ổn với nền kinh tế đang đi xuống, nợ lên đến 300% tổng sản lượng quốc gia so với 282% trong năm 2012. Tinh thần quốc gia quá khích đã làm mờ mắt Tập Cận Bình, Tân Hoàng Ðế Trung Hoa quên sức mạnh quân sự trong eo biển Ðài Loan và sức mạnh nguyên tử của Hoa Kỳ. Số người chết do chiến tranh nguyên tử sẽ hơn con số 80 triệu nạn nhân của Mao.
“Hai đánh một không chột cũng què,” Thế Chiến Thứ Hai có Ngũ cường Âu Châu thế chiến thứ ba nếu xảy ra ngoài Hoa Kỳ có ngũ cường Á Châu hoàn toàn theo phe Hoa Kỳ: Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Nam Dương và Ðài Loan.
Trung Cộng gây hấn với Hoa Kỳ đúng vào mùa chung kết bóng rổ khiến tôi không thể không nghĩ đến cầu thủ Yao Ming. Ðược đội Rockets mua về Houston, Yao Ming anh chàng Trung Hoa khổng lồ nhưng sức mạnh không địch được với các cầu thủ da đen nên Yao Ming không mang giải vô địch về cho Houston. Trung Cộng đụng Hoa Kỳ cũng sẽ giống như anh chàng Yao Ming nằm bất tỉnh trên sân trong trận chung kết sau khi đụng Shaquille O’neal!
Việt Nguyên/Người Việt