Ngày 6/6/2015 Tôi và anh Chu Mạnh Sơn (cựu TNLT) đã THÀNH CÔNG trong chuyến đi thăm các cựu tù nhân lương tâm người Ê Đê và thân nhân của họ tại Đắc Lắc, Ban Mê Thuột. Họ là các bạn tù chung với tôi tại trại giam Nam Hà. Quỹ Tù Nhân Lương Tâm đã thúc đẩy tôi làm việc này từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp.
Chuyến đi này đã được thông báo trước tới cơ quan an ninh, nên là chuyến đi công khai. Mặc dù vậy, khi đang ngồi trong phòng chờ lên máy bay tại Nội Bài, thì cũng có một nhân viên an ninh theo dõi cho tới khi tôi bước vào bên trong máy bay. Còn anh Chu Mạnh Sơn đi từ Sài Gòn hẹn gặp tôi ở Ban Mê Thuột. Khi xuống sân bay Ban Mê Thuột, tôi đã thấy rất nhiều nhân viên an ninh địa phương đứng chờ bên ngoài, công an mặc sắc phục thì đang sắp xếp các chuyến xe taxi. Lát sau, khi tôi và anh Sơn gặp nhau. Anh Sơn kể lại lúc anh ra sân bay đón tôi, thì anh thấy xe an ninh Bộ CA, an ninh tỉnh rất nhiều ở khu vực sân bay, anh nghĩ là có đoàn khách quốc tế hay phái đoàn chính phủ tới thăm Ban Mê Thuột. Điều này làm anh lo lắng là tôi sẽ không tới được.
Từ trái: Chu Mạnh Sơn - Vợ của Y Kurr - Nguyễn Văn Đài
Chúng tôi được người bạn đồng lao Ê Đê tên là Senat Ksor đón và đưa về nhà của anh. Chúng tôi ngồi chơi, hỏi thăm sức khỏe, công việc của anh và gia đình. Uống ly café đặc sản của Tây nguyên do chính người nhà anh pha chế. Tránh làm phiền gia đình anh, chúng tôi ra quán ăn trưa và sau đo bắt đầu một hành trình dài đi thăm các cựu tù nhân lương tâm.
Chúng tôi khởi hành từ khoảng 12.30 trưa ngày 6/6/2015 cho tới hơn 7 giờ tối mới trở lại nhà Senat, trong một hành trình gần 200km, vì thế rất mệt và thăm hỏi khá vội vàng. Trong chuyến đi, chúng tôi tới thăm 7 gia đình cựu tù nhân lương tâm Ê Đê và 2 gia đình thân nhân của hai tù nhân đang bị giam giữ tại Thái Nguyên. Ba gia đình khác do đường xa và khó đi nên chúng tôi không tới được.
Hầu hết các cựu TNLT Ê Đê đều phải chịu mức án trên dưới 10 năm tù. Trong thời gian họ còn ở trong tù, vợ con của họ phải chịu biết bao vất vả. Phần lớn các gia đình đều có con cái còn nhỏ, người vợ một mình phải làm lụng vất vả nuôi con ăn học, phải tiết kiệm để thỉnh thoảng gửi chút quà cho chồng trong tù.
Sau khi người chồng mãn hạn tù trở về, cuộc sống của họ dần dần bớt khó khăn do có sự đóng góp công sức của người chồng. Tất cả các cựu tù đều phải chịu hình phạt quản chế 5 năm, nên việc đi lại của họ gặp nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng vẫn bị an ninh địa phương hỏi thăm, sách nhiễu, có trường hợp bị công an đánh khi làm giấy tờ với chính quyền địa phương để dằn mặt ngay sau khi ra tù.
Trong số các gia đình mà chúng tôi tới thăm, thì khó khăn nhất là gia đình của Y Kurr. Anh bị bắt năm 2004, và bị án sơ thẩm là 21 năm, phúc thẩm giảm xuống còn 17 năm. Trước đây bị giam ở nhà tù Nam Hà, từ năm 2012 thì bị chuyển tới nhà tù Phú Sơn, tỉnh Thái Nguyên. Từ khi anh bị bắt, một mình vợ anh phải vất vả nuôi con còn nhỏ, và nuôi bố mẹ. Bản thân chị cũng có nhiều bệnh tật, sức khỏe rất yếu.
Chỉ kể: thỉnh thoảng Y Kurr được gọi điện về nhà, anh xin chị gửi cho anh thuốc chữa bệnh, một chút thực phẩm là lá đu đủ phơi khô, cua đồng rang khô và nghiền nhỏ. Chị nói mấy tháng trước tiết kiệm được chút tiền định mua quà gửi cho anh thì người bố ốm nặng, phải đi viện nên hết tiền. Tháng vừa rồi cũng tiết kiệm được một chút thì bản thân chị lại phải đi viện. Bác sĩ nói chị phải mổ để cắt u sơ, nhưng chị không đủ tiền để tiến hành phẫu thuật. Mới hôm trước, Y Kurr lại gọi về nhắc chị gửi thuốc và thực phẩm cho anh. Chị kể cho anh nghe chuyện ốm đau của bố, con và bản thân mình. Chị chỉ thấy phía anh im lặng và tiếng thở dài thất vọng. Chị hiểu là anh tuyệt vọng lắm, đã không giúp được gì cho vợ con, gia đình mà còn làm phiền nữa. Nước mắt chị ứa ra, không biết nói sao để an ủi người chồng.
Chị nói tiếp là án của anh còn dài, hai vợ chồng sức khỏe đều đau yếu. Chẳng biết Chúa gọi họ về lúc nào. Đã gần 5 năm rồi chị chưa có cơ hội đi thăm anh. Chị nghĩ có lẽ hai vợ chồng khó có cơ hội gặp lại nhau trên đất này, có thể họ chỉ còn cơ hội gặp lại nhau trên thiên đàng.
Tôi hỏi chị mong ước điều gì? Chị trả lời trong nước mắt là mong được cùng người con đi thăm người chồng, người cha yêu quí của chị và con chị trước khi Chúa gọi chị về.
Chuyến đi Đắc Lắc của chúng tôi có thể nói là THÀNH CÔNG bởi vì nhiều người đã thất bại làm công việc này, chúng tôi đã chứng kiến trực tiếp cuộc sống của những người cựu tù nhân lương tâm và thân nhân của họ. Trong suốt chuyến đi, an ninh địa phương có đi theo chúng tôi, nhưng họ không cản trở. Sau khi chúng tôi rời khỏi các gia đình, thì an ninh địa phương có tới hỏi thăm họ, nhưng không có gì căng thẳng. Có thể nói đây là một tiến bộ vượt bậc so với năm 2012. Khi đó tôi, anh trai của anh Phùng Mai và một người cựu tù Ê Đê có giúp đỡ tài chính cho một số gia đình tù nhân lương tâm. An ninh Đắc Lắc đã biết và họ đã tiến hành sách nhiễu, đe dọa, khủng bố những người nhận giúp đỡ và người đi giúp đỡ trong một thời gian dài.
Để kết thúc, cho tôi thay mặt những gia đình cựu tù nhân lương tâm và thân nhân của họ được gửi những lời cảm ơn chân thành tới Quỹ Tù Nhân Lương Tâm và đồng bào Việt Nam hải ngoại đã giúp đỡ trước đó và chuyến đi vừa qua. Chúng tôi mong muốn Quỹ Tù Nhân Lương Tâm và đồng bào hải ngoại tiếp tục hỗ trợ những người Ê Đê vẫn còn trong lao tù.
Hà nội, ngày 18 tháng 6 năm 2015
Nguyễn Văn Đài