“Lòng tôi rất đau buồn trước cảnh như thế,” cựu Đề đốc Trần Văn Chơn, 74 tuổi, nguyên tư lệnh Hải quân miền Nam Việt
Nam trước đây nói. “Cuối cùng tôi nhận thức hiện thực là tôi đang chứng kiến những giờ phút tự do cuối cùng của nước
tôi.” Ông hồi tưởng những ngày tháng Tư 1975 khi những đơn vị Cộng sản ở ngay sát bên ngoài Sài Gòn (chẳng bao lâu
sau đó bị đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh), đang chờ đợi cuộc di tản cuối cùng của các nhân viên Mỹ. Hỗn loạn bao
trùm khi hàng ngàn người Việt tràn ngập phi trường thành phố, bến cảng và tòa đại sứ Mỹ, để tìm mọi cách ra khỏi nước.
Ông Chơn may mắn. Vài ngày trước đó, tòa đại sứ Mỹ báo cho ông biết bạn hữu của ông ở Washington đã sắp xếp cho
ông di tản cùng với vợ, Lâm Thị Loan, 10 người con và cha mẹ ông đã ngoài tám mươi. Khi thời điểm di tản đến gần, ông
Chơn tụ họp con cái ở độ tuổi từ 7 đến 29 lại và đi đón mẹ ông, Lê Thị Đô, và cha ông, Trần Văn Núi, cách nhà độ 72 cây
số ở Vũng Tàu, quê hương thời niên thiếu của ông. Ông giải thích họ sẽ phải ra đi. Cha ông chẳng nói gì, nhưng ông
Chơn thấy mắt cha ngấn lệ.
Ông Chơn thấu hiểu nỗi khổ tâm của cha. Vũng Tàu là nơi cha ông chôn nhau cắt rốn; nơi có mồ mả ông bà tổ tiên. Bây
giờ ở tuổi gần đất xa trời, cha ông sẽ phải rời bỏ nơi chốn duy nhất cha ông biết này. Ông Chơn nghĩ thời gian qua đi cha
ông sẽ chấp nhận số phận này. Tuy nhiên trong thời gian gia đình chờ ra đi, cha ông vẫn lặng lẽ chẳng nói năng gì.
Cuối cùng nhận được điện thoại báo ra đi, ông Chơn tập trung cả gia đình lại. Nhưng khi ông thấy cha ông rất đau khổ lúc
sắp phải cất bước ra đi, lòng ông Chơn đã quyết định dứt khoát rõ ràng.
“Cả gia đình ta nghe đây,” ông tuyên bố, “chúng ta sẽ không đi!” Mọi người đều im lặng trước quyết định phút cuối này
trong lúc ông Chơn liếc nhìn cha.
Một vài ngày sau-30 tháng Tư, 1975-sau khi Mỹ di tản xong, quân đội chiến thắng của cộng sản tiến vào Sài Gòn.
Tất cả các nhân viên quân sự miền Nam Việt Nam dù tại ngũ hay giải ngũ đều buộc phải ra trình diện cộng sản. Các con
trai của ông Chơn là Trúc, Trung và Chánh cũng phục vụ trong quân đội. Trúc đã thoát bằng tàu vào lúc Sài Gòn thất thủ.
Hai người con còn lại và ông Chơn không chịu ra trình diện, lẫn tránh trong vài tuần lễ và cố gắng tổ chức phong trào
kháng chiến. Tuy nhiên, sự sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn của chính quyền miền Nam Việt Nam khiến bao nỗ lực của
họ không thành. Cả ba người trở thành những kẻ tội phạm sống ngoài vòng pháp luật ở trong nước mình.
Nhận thức rằng nếu cứ tiếp tục lẫn trốn họ sẽ làm hại chính những người che giấu họ, ông Chơn quyết định tốt nhất nên
ra trình diện. Trước khi đi, ông trở về Vũng Tàu thăm cha mẹ, biết đâu đây là lần cuối cùng ông thấy họ.
Trở lại thành phố Hồ Chí Minh, ông Chơn tạm biệt gia đình. Ông nhờ con ông Trung đưa ông đến địa điểm trình diện. Lúc
những bộ đội đứng gác quay mặt đi, cha con ôm nhau lần cuối cùng. Vài ngày sau, Trung và Chánh, theo gương cha,
cũng ra trình diện.
Ba người bị giam ở những trại tù khác nhau. Trong trại họ bị “cải tạo”, mà được coi là cần thiết để xóa bỏ ảnh hưởng
tuyên truyền của Mỹ. Cải tạo được tiến hành qua một chế độ lao động nặng nề và học tập về chủ nghĩa cộng sản.
Vì không bao giờ bị đưa ra tòa xét xử và chính thức bị kết án nên ông Chơn và các con, cũng như bao nhiêu người tù
khác, đều không biết họ sẽ bị giam giữ đến bao lâu. Đây là khía cạnh khó khăn nhất trong cảnh lao tù khắc nghiệt của họ.
Sau ba năm Trung bất ngờ được thả ra; còn Chánh ở tù đến bảy năm. Đề đốc Chơn bị giam suốt 12 năm trời trước khi
được thả ra vào ngày 2 tháng Chín, 1987-chủ yếu nhờ những nỗ lực vận động của bạn bè tại Mỹ.
Từ nhà tù ở miền Bắc Việt Nam, ông Chơn lên tàu lửa về lại thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình và bạn bè chào đón ông.
Họ tưởng đâu gặp lại một người đã bị suy sụp về thể xác lẫn tinh thần bởi hoàn cảnh lao tù rất hà khắc và thiếu sự chăm
sóc y tế. Nhưng mái tóc bạc trắng phủ đến vai của ông Chơn bao quanh khuôn mặt thanh xuân. Đôi mắt ông ánh lên tinh
thần mạnh mẽ.
Ông Chơn liền biết tại sao chỉ có ba con ra đón mừng ông. Giống như Trúc con ông, sáu người con khác đã vượt biên
bằng thuyền hay bằng đường bộ.
“Ba má anh đâu hả mình?” Ông hỏi vợ mà lòng rất sợ điều ông đã đoán. Bà quay sang em ông Chơn. “Sau khi anh đi tù
hai năm thì má qua đời”, người em nói chậm rãi, “Hai năm sau ba mất.”
Mặc dù ông Chơn đã linh cảm trước, nhưng tin cha mẹ chết sao vẫn quá đau đớn. Ông cố gắng an ủi lòng mình rằng khi
song thân ông qua đời, họ biết rõ tình thương, tấm lòng hiếu thảo và sự hy sinh của ông dành cho hai đấng sinh thành.
Ông Chơn cố gắng lắm mới giữ được sự bình an trong lòng. Vì cha mẹ ông đã rất cao tuổi rồi, liệu quyết định bắt gia
đình ông ở lại Việt Nam có đáng không? Đối với ông, quyết định ấy xứng đáng. Ông giải thích, “Nếu lập lại tôi vẫn quyết
định như thế cho dù cha mẹ tôi chẳng sống được bao lâu chăng nữa - dù chỉ được vài tháng hay vài tuần. Tôi quyết định
ở lại để tránh cho cha mẹ tôi đau khổ họ phải chịu đựng vĩnh viễn nếu tôi đưa họ rời xa quê hương. Đối với tôi điều quan
trọng nhất trong đời là niềm hạnh phúc của cha mẹ mình.”
Khi chọn ở lại, ông Chơn muốn cho cha mẹ được an lòng. Nhưng cuối cùng, cha ông không tìm thấy bình an. Người bạn
của gia đình tiết lộ rằng sự hy sinh và cực khổ của ông Chơn đã trở thành nguồn đau khổ và ân hận vô cùng lớn đối với
cha ông, mà từ đấy cha ông đã mang xuống tuyền đài. Người bạn ấy tin chính đau khổ này đã giết chết người cha.
“Khi tôi biết cha tôi đã đau khổ trong những ngày cuối đời vì thương con cực khổ, “ông Chơn kể lại, “tôi không thể nào
cầm được nước mắt. Tôi nhận thức chẳng có gì tôi đã làm hay có thể làm mà có thể so sánh với tình thương bao la cha
tôi dành cho tôi.”
“Người ta hay nói “Có con rồi mới hiểu tình thương bao la của cha mẹ”, tôi tin điều này là đúng.
Gần năm năm sau ông Chơn mới có thể rời khỏi nước. Vào ngày 9 tháng Mười Hai, 1991, một trong những chuyến bay
đầu tiên trong 17 năm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ đã đưa đề đốc Chơn, vợ và con gái út đến San Francisco.
Ngày nay ông Chơn sống ở San Jose cùng với vợ, hai con trai và hai con gái. Bốn người con khác sống ở California; hai
người con đã lập gia đình và sống ở Việt Nam. Ông Chơn nói bây giờ ông vẫn tin chắc chắn như ông đã tin vào năm
1975 rằng con người gánh vác nhiều trách nhiệm ở đời, nhưng trách nhiệm cao cả nhất là trách nhiệm đối với cha mẹ
mình. Vì lý do này, ông nói, con cái ông không bao giờ chất vấn quyết định của cha. “Trong bất kỳ văn hóa nào”, ông
Chơn nhận xét, “con cái luôn luôn được dạy dỗ phải thương yêu và kính trọng cha mẹ. Thương yêu và kính trọng cha mẹ
là trách nhiệm đạo lý chung của toàn nhân loại.”
James Zumwalt
Nguồn: Báo Washington Post ngày 9 tháng Mười, 1994. Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh “A Son’s Sacrifice”.
Bản tiếng Việt: Trần Quốc Việt