Chồng của cô giáo Như Ý là thầy giáo dạy toán Hoàng Xuân Phố, cháu gọi bằng bác cố Gs Ts Hoàng Xuân Hãn, một trí thức Việt Kiều yêu nước nổi tiếng của Việt Nam tại Pháp, quê tại xã Đức Phúc, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1979, thầy Hoàng Xuân Phố bị trọng bệnh nhưng vì nhà nghèo không đủ tiền để thuốc thang chạy chữa nên đã đau đớn vĩnh viễn ra đi và đã được an táng tại nghĩa trang quê nhà xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ.
Thầy giáo ra đi đã để lại cho cô Như Ý 5 người con chưa ai lập gia đình, thậm chí 3 người con sau còn đang tuổi đi học. Năm 1981, cô đã phải xin nghỉ hưu để ra Hà Đông ở gần người con gái lớn đã lập gia đình tại Hà Đông, Hà Nội để đỡ cô đơn. Thời đi học, tôi là học trò cưng của cả thầy Phố và cô Như Ý nên khi ra Hà Nội, tôi thường được cô ân cần cởi mở mỗi khi tôi có dịp đến thăm cô. Nhờ thế mà tôi mới biết được, phải sống xa quê cô rất nhớ quê hương Hà Tĩnh thân yêu của chúng tôi. Cô đã đọc cho tôi nghe hàng trăm bài thơ cô sáng tác để nói về nỗi nhớ thầy, nỗi nhớ quê hương đằng đẳng suốt 34 năm ấy. Đặc biệt những năm gần đây, cô đã rất bức xúc về tình hình giặc Tàu xâm phạm Biển Đông và sự gây rối của hàng vạn người lao động phổ thông Trung Quốc tại Vũng Áng-Đèo Ngang trên quê hương chúng tôi.
Sự ra đi đột ngột của cô Như Ý đã làm cho tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Vì cô là một nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế trước năm 1945 nên cô được dạy làm thơ rất bài bản. Những bài thơ cô viết thấm đẫm tình người, tình mẫu tử, tình yêu quê hương đất nước đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ lúc nào không biết. Cô vừa là thầy vừa là một bạn thơ lớn của cuộc đời tôi suốt hơn 30 năm qua. Sau lễ tang ngày 15/6/2015, cô đã được gia đình đưa về an táng bên mộ chồng tại nghĩa trang xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tại nơi yên nghỉ cuối cùng ấy, chắc chắn cô sẽ được cùng thầy đi thăm lại quê hương sau 34 năm xa cách. Tôi viết những dòng lục bát này để thay một nén nhang bái vọng về quê hương tưởng nhớ và kính viếng hương hồn cô Như Ý, vừa là cô giáo cũng vừa là một người mẹ văn chương của đời tôi.
Cô về tắm nước sông La
(Kính viếng hương hồn cô giáo Như Ý)
Cô về tắm nước Sông La(1)
Ăn cơm rau muống với cà dầm tương
Yên Hồ sống giữa yêu thương
Cùng thầy thăm thú quê hương sớm chiều
Cô lên Hồng Lĩnh cheo leo
Nghe làn ví dặm quê nghèo Nguyễn Du
Lam Giang phường vải gọi đò
Tố Như ơi nhớ câu hò này chưa?
Cô về thăm lại trường xưa
Cấp Hai Thị Xã bây giờ còn chăng?
Vách đất mái rạ cũ càng
Đâu đây văng vẳng giờ văn ngọt ngào
Đò sang Hộ Độ giờ đâu?
Mà nay phải bắc cây cầu ngang qua
Cô về Cửa Sót quê choa
Tết ông bà cúng mạ ba thật gần!
Huế Thương sau Tết Mậu Thân(2)
Nữ sinh Đồng Khánh còn chăng mấy người?
Trải hơn bảy chục năm rồi
Còn ai sống sót qua thời đạn bom?
Đèo Ngang ai mất ai còn?
Câu thơ Bà Huyện Thanh Quan đâu rồi?
Mà nay bè lũ đười ươi
Rước Tàu vào xéo giày người Việt Nam!
Dừng chân Cửa Nhượng-Thiên Cầm
Nhìn ra biển hỏi, Trường-Hoàng còn không?
Vì sao Thủ Phạm Văn Đồng
Dâng Tàu quần đảo mà không hỏi Trời?
Vụ Quang cô đến tận nơi
Bao nhiêu trận lụt mạng người dạt trôi?
Phường Ích Tắc hại giống nòi
Ngây ngô giữ cái ghế ngồi cho ai?
Cô buồn chăng bởi hạng người?
Cố tình không hiểu thấu lời Nguyễn Du
Ba trăm năm hậu Tố Như(3)
Còn chăng Tổ Quốc, cơ đồ Việt Nam?
Hà Nội, 30/6/2015
Đặng Huy Văn
____________
Chú thích:
(1) Sông La, Yên Hồ, Hồng Lĩnh, Hộ Độ, Cửa Sót, Cửa Nhượng-Thiên Càm, Đèo Ngang, Vụ Quang…là những địa danh quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh. Đồng Khánh là một trường Quốc Học nổi tiếng ở Huế được thành lập từ thời Pháp thuộc giành cho nữ sinh, nơi trước 1945 cô Như Ý đã từng theo học.
(2) Tết Mậu Thân, 1968, Huế Thương có hơn 7 ngàn người dân vô tội bị VC sát hại.
(3) Thơ cụ Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Nếu tính từ năm sinh cụ Nguyễn Du 1765, thì ba trăm năm sau là năm 2065, cách năm 2060, năm sẽ hoàn tất việc sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc theo bản “Hiệp ước Thành Đô 1990” của các nhà lãnh đạo CS Việt Nam đã ký với CS Trung Quốc chỉ 5 năm thôi!