Nghe lén điện thoại. Ảnh minh họa. DR
Nhiều nhật báo châu Âu như Libération tại Pháp, Suddeutsche Zeitung tại Đức tiết lộ những hoạt động cụ thể của cơ quan an ninh tình báo Hoa Kỳ NSA. Chính phủ Đức đã bị đồng minh nghe lén « ồ ạt » từ nhiều năm qua. Hầu hết các bộ và nhân vật quan trọng đều bị Mỹ theo dõi với sự hợp tác của tình báo Đức. Tình báo Pháp cũng không thua kém đồng nghiệp Mỹ.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết chi tiết :
"69 số điện thoại bị cài máy nghe. Tổng cộng bốn bộ quan trọng : Nông nghiệp, Tài chính Kinh tế và Ngoại giao và hầu hết các chính khách quan trọng đều được đồng minh Hoa Kỳ chú ý theo dõi. Tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm đến thủ tướng Angela Merkel và một số cộng sự viên thân cận.
Một phần điệp vụ nghe lén này đã được thực hiện từ thập niên 1990 trước khi khi xảy ra vụ Al Qaida khủng bố 11/09 đưa đến biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai cơ quan an ninh Mỹ-Đức.
Giờ đây, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối phó với khủng hoảng Hy Lạp, thủ tướng Angela Merkel chắc hẳn sẽ không để những tiết lộ mới này tác động. Berlin, ngay từ đầu vụ tai tiếng điện thoại, thư điện tử của thủ tướng bị nghe lén, xem lén, luôn giữ thái độ nhẫn nhịn, tránh gây tổn thương cho mối quan hệ với đồng minh số một là Washington.
Thông tin vừa do báo chí tố giác sẽ đặt chính phủ Đức dưới sức ép của công luận. Bị giới phóng viên chất vấn ngày hôm qua 01/07/2015, chính phủ Đức từ chối phản ứng, nhưng khó có thể được yên. Đối lập Đức sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác vụ tai tiếng này nhất là trong khuôn khổ ủy ban điều tra Quốc hội đặc trách hồ sơ gián điệp này .
Tư pháp Đức, tháng sáu vừa qua, đã xếp lại hồ sơ điều tra vụ « điện thoại của thủ tướng bị Mỹ nghe lén » có thể sẽ có động thái".
« Khi nạn nhân không phải tay vừa »
Tuần trước, sự kiện Wilileaks tiết lộ cơ quan NSA nghe trộm điện đàm ba đời tổng thống Pháp từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande đã buộc tổng thống Mỹ phải xin lỗi đồng nhiệm Pháp và cam kết chuyện này đã chấm dứt.
Thế nhưng, theo tuần báo L’Obs, Người quan sát, thì chính Paris cũng đã « nghe lén cả thế giới ». Điệp vụ này do Tổng nha Tình báo DGSE thực hiện với sự hợp tác của nhiều tập đoàn viễn thông Pháp.
Tổng thống Hollande, đắc cử năm 2012, kín đáo cho phép DGSE mở rộng phạm vi nghe trộm và biện pháp này đã được hợp thức hóa qua đạo luật an ninh đối phó với khủng bố được quốc hội biểu quyết ngày 24/06/2015.
Do vậy, theo AFP, các vị tổng thống Pháp (Sarkozy và Hollande) chỉ phản ứng một cách chừng mực với Mỹ.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 02/07/2015 lúc 07:35:26(UTC)
| Lý do: Chưa rõ