Tuần qua, Hoa Kỳ vừa bước vào tuổi 240.
So với nhiều quốc gia ra đời từ trước đó nhiều thế kỷ, hay cả ngàn năm, thì nước Mỹ vẫn còn là một thanh niên ở tuổi
cường tráng...
Nếu vào ngày mùng bốn Tháng Bảy năm 1776, khi bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời, mà Hoa Kỳ có báo chí như thời nay
thì không mấy ai lại tin vào tương lai của một quốc gia vừa cầm tờ giấy khai sinh vừa nổ súng cho một cuộc Cách Mạng.
Những năm tháng sau đó là chuỗi chiến tranh kéo dài, cho đến khi Hiệp Chủng Quốc thành hình với một cơ chế chính trị
dân chủ vào năm 1789. Sau đó, Hoa Kỳ còn gặp nhiều hoạn nạn khác, kể cả cuộc nội chiến và một tổng thống anh minh
bị ám sát giữa giai đoạn hàn gắn. Hoa Kỳ đã từng có nhiều lúc khó khăn và nguy ngập mà rồi vẫn đứng dậy, và vươn tới
cho đến ngày nay.
Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên là ngày nay cũng có tiếng than về sự suy bại của nước Mỹ.
Nhiều người nhìn đâu cũng thấy vấn đề và báo động về ngày tàn của siêu cường Hoa Kỳ. Ai đời một đệ nhất cường quốc
kinh tế của nhân loại lại mắc nợ như chúa chổm. Mà siêu cường này lại tứ bề thọ địch. Chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến
tại Afghanistan lại bị lôi vào một trận chiến chống khủng bố Hồi Giáo - ngôn từ chính thức của Tổng Thống Barack
Obama là “chủ nghĩa bạo động cực đoan” (violent extremism!) Ở bên kia Đại Tây Dương thì bị Liên Bang Nga thách đố
tại Ukraine với nguy cơ xung đột trước sự thụ động và bối rối của các đồng minh Âu Châu. Bước qua Thái Bình Dương
thì có nguy cơ Chiến Tranh Lạnh, thậm chí Đệ Tam Thế Chiến, với một người hùng ở nước hung là Trung Quốc. Ở bên
trong xã hội thì mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ gần như hàng ngày, với nạn dân là người da đen, v.v...
Trước những nhận định chính xác mà bi quan như vậy thì chúng ta nghĩ sao?
Trước hết, xin hãy điểm lại sức mạnh của Hoa Kỳ. Nó đến từ đâu?
Từ địa dư hình thể thì nước Mỹ vẫn thuộc loại số một. Diện tích lãnh thổ hơn chín triệu cây số vuông là món quà trời cho,
bằng diện tích của Trung Quốc mà có đất khả canh hơn gấp rưỡi, cao nhất thế giới với một triệu 700 ngàn cây số vuông.
Châm thêm dân số khá trẻ, trẻ nhất trong các nước công nghiệp hóa và nay mai sẽ còn trẻ hơn dân số Trung Quốc, Hoa
Kỳ có mật độ dân cư trên đất khả canh là trung bình 184 người cho một triệu cây số vuông. So với Trung Quốc, một xứ
đói ăn, khát dầu và thiếu nước với mật độ đầu người trên cùng diện tích là hơn 1,200 người thì nước Mỹ còn có thể nuôi
được một dân số gần gấp bảy lần! Mà một người Mỹ hiển nhiên là khác người Tầu, với khả năng sản xuất cao cũng gấp
bảy nếu ta lấy tiêu chuẩn là lợi tức trung bình một đầu người.
Địa dư hình thể ấy còn cho Hoa Kỳ một hệ thống sông ngòi đứng đầu thế giới về khả năng thủy vận: hơn chín ngàn cây
số so với gần hai ngàn rưỡi của Tầu và một con số không tổ bố của Nga vì sông ngòi bên Nga thường xuyên bị đóng
băng trên đất lạnh. Khác với vùng duyên hải chỉ có đất và biển, mạng lưới sông ngòi quá thuận lợi của Mỹ khiến con người
khai thác và phát triển được cả đôi bờ, lời gấp đôi. Giới kinh doanh và kinh tế còn tính nhẩm rằng phí tổn vận chuyển hàng
hóa trên đường thủy là rẻ nhất, nếu so với đường hỏa xa hay lộ vận.
Miền Đất Hứa ấy còn được bảo vệ bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu, bên cạnh hai nước láng giềng không thể cạnh
tranh hay uy hiếp. Đấy cũng là hai bạn hàng số một và đồng minh về an ninh lẫn chiến lược. Các cường quốc rộng lớn
khác - như Nga, Tầu, Ấn Độ hoặc Nhật Bản - không được như vậy. Họ bước ra là gặp đối thủ! Ngoại lệ có thể là nước Úc,
cũng bát ngát đất rộng người thưa, nhưng không mấy yên tâm khi nhìn lên các quần đảo của xứ Indonesia, hay xa hơn
thế là cái lưỡi bò của Bắc Kinh.
Chúng ta đều biết rằng cái vốn quý nhất của một quốc gia không chỉ có đất đai, hay tài nguyên và sông ngòi. Cái vốn đó là
con người, là sức năng động và sáng tạo của từng người.
Hoa Kỳ có điều kiện thiên nhiên quá thuận lợi nên là quốc gia hiếm hoi mà nhu cầu an ninh nội địa không là chuyện sinh tử
như tại nhiều xứ khác. Nhờ vậy, Chính quyền có thể giải phóng nhân lực để các địa phương tự do phát triển. Trong các
cường quốc có khả năng tranh phong với nước Mỹ, Hoa Kỳ là nơi duy nhất mà nhà nước trung ương không đặt ra kế
hoạch kinh tế, cứng hay mềm, khiến người người phải chấp hành. Dân Mỹ hiếm nghe Chính quyền nói đến hai chữ “kế
hoạch” và “chỉ tiêu!”
Còn thi đua thì người nào cũng tự biết và tự phấn đấu.
Nhưng, mối nguy cho nước Mỹ lại đến từ nước Mỹ!
Ngay từ thời lập quốc, từ 240 năm về trước, các bậc quốc phụ của Hoa Kỳ đều căn dặn con cháu là tránh để khỏi bị lôi
vào “thiên hạ sự.” Thời ấy, thiên hạ sự của nước Mỹ là chính trường và chiến trường Âu Châu, một khu vực thường xuyên
có xung đột. Vì vậy lời khuyên của tiên tổ quả là hợp lý và dễ chấp hành. Hoa Kỳ tách khỏi chuyện Âu Châu, đôi khi chỉ
liên hệ khi có lợi, điển hình là việc mua lại khu vực Louisiana của Napoléon vào năm 1803 để nhân đôi lãnh thổ khi đó!
Nhưng lời khuyên ấy chỉ có giá trị được 140 năm thôi.
Kể từ quãng 1915, Hoa Kỳ ngày càng can dự vào chuyện thế giới từ Âu sang Á với hai trận Thế Chiến rồi trong nửa thế
kỷ Chiến Tranh Lạnh. Là một “hải đảo” trù phú và có an ninh, Hoa Kỳ mới phát triển sức mạnh quân sự, nhất là hải quân,
để bảo vệ tự do toàn cầu. Nước Mỹ có khả năng can thiệp ở hầu hết mọi nơi, từ sau Thế Chiến II lại khéo giàng các nước
khác vào thể quân bình bất ổn để các cường quốc canh chừng nhau mà chẳng ai có thể nổi lên đe dọa quyền lợi của
mình.
Thế rồi ngày nay, sau 15 năm chiến tranh chống khủng bố từ vụ 11 tháng 9, người dân Mỹ đang tự hỏi rằng còn có nên
cáng đáng chuyện thế giới nữa hay chăng?
Sự hoài nghi đó dẫn tới phản ứng triệt thoái và bán cái cho các nước trong cuộc phải giải quyết lấy chuyện của họ, trên cả
đại lục Âu Á, từ Tâu Âu tới Viễn Đông, từ Trung Đông đến Nam Á. Hoa Kỳ cần dưỡng quân và chấn chỉnh chi thu để giải
quyết chuyện nhà, từ di dân đến hôn nhân đồng tính!
Đấy là nguồn cám dỗ lớn cho các cường quốc hung đồ khác.
Thấy Hoa Kỳ băn khoăn về lẽ “xuất xử,” ra quân hay tháo chạy, các cường quốc như Nga, Iran hay Trung Quốc đều có
thể nhân cơ hội làm lệch cán cân về quyền lợi của nước Mỹ. Khi ấy, chàng trai trẻ Hoa Kỳ sẽ phải nghĩ lại. Nước Mỹ vẫn là
siêu cường vô địch và không thể thoái thác trách nhiệm với thế giới vì sau này sẽ trả một cái giá đắt hơn gấp bội. Nhìn từ
bên ngoài, chúng ta nên... cám ơn Trung Quốc vì đã nhắc nhở dân Mỹ chuyện đó.
Sau cuộc bầu cử năm tới, ta hãy xem Hoa Kỳ tái xuất hiện ra sao...
Chuyện chỉ có tại nước Mỹ
Devon Staples tại thành phố Calais của tiểu bang Maine là một thanh niên ham vui. Uống rượu với bạn bè mừng Lễ Độc
Lập, chàng trai trẻ 22 tuổi cao hứng để một quả pháo lên đầu và kích nổ cái rầm. Cái đầu tan cùng xác pháo. Điềm gì
vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa