Thưa, một đất nước không bình yên, biến loạn về thời cuộc, thì bà con mình đành đứt ruột rời bỏ quê hương mà đi; dù
trong lòng đâu ai muốn?!
Tha hương, người Việt mình gặp nhau, sau khi làm quen, chào hỏi, thường là: tên tuổi, để tiện xưng hô: anh Ba, chú
Bảy… (dù Tây rất kỵ vụ mới quen mà hỏi tuổi lẫn nhau nha!)
“Dà quê anh ở đâu?” “À quê tui ở Quận Nhứt, Sài Gòn! He he!” Vậy mới ‘le’ chớ!?
Còn quê tui không có ở Quận Nhứt, Sài Gòn. Tía Má tui đâu có quyền thế hay giàu có gì mà ở Quận Nhứt cho được.
Đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi… là mấy chỗ dành cho giai cấp thượng lưu hồi xưa, như khu Toorak ở thành phố
Melbourne nầy vậy. Nhìn cái post code, khu bưu chính, là mình ngán nó rồi, vì nó giàu… Nhà vài triệu đô lấy lên không
hà… Lạng quạng nó lấy tiền chọi mình lỗ đầu là cái chắc!
Thưa tui xa quê đã lâu, chưa về, dù đêm nào mơ cũng mớ. Giờ thì chắc biển đã xanh dâu, còn quê chỉ là bóng hình mình,
chìm trong cơn mộng dữ mà thôi!
Anh bạn nhà thơ nịnh ‘đầm’ dở như vầy: Anh không về, vậy mà hay! Thà giữ hình bóng quê nhà đẹp như thời năm cũ; hơn
là về rồi, lại chịu cảnh bẽ bàng như nhà thơ Hạ Tri Chương, đời Đường, bên Tàu.
“Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải, mấn mao tồi/ Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn, khách tòng
hà xứ lai?”
(Bé đi, già mới về nhà/ Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa/ Trẻ con trông thấy hững hờ,/ Cười ồ, hỏi khách lại từ phương
nao?”)
Quê tui ở Xoài Hột (mà Xoài nào không có hột chớ?) Ở Chợ Bưng, (chợ nào mà không bưng chớ?!) Dẫu vậy, nó là một
vùng quê yêu dấu, là cuống rún chưa lìa của tui đó bà con ơi!
Nhắc tới quê, là tui nhớ tới Má, nhớ Má dẫn thằng nhỏ đi ăn cơm chùa vào ngày rằm tháng Bảy. Mùa Vu Lan, cúng cô hồn
các đảng và giựt giàn của bố thí. Hồi hộp và ‘phấn khích’ ghê… Hổng biết chú tiểu, đầu chừa ba vá miếng vùa, ngồi vắt
vẻo trên cao, sẽ ném xuống cái gì cho mình giựt, dù lần nào cũng vậy, bị mấy đứa lớn con hơn nó đạp đau thấy Tía. Đau
mà vui!
Rồi lớn lên, nghe cái gì Chùa, như ăn ‘chùa’, nhậu ‘chùa’, nghĩa là hỏng tốn tiền là tui khoái chí tử. (Coi vậy chớ đỡ tốn lắm
nha huynh!)
Thưa, dân mình xưa cũng vậy, phiêu bạt thương hồ, lỡ độ đường sông, đồng không mông quạnh, bụng đói cồn cào mà
nghe tiếng chuông chùa bong bong vang trên mênh mông mùa nước nổi là mừng ra mặt; vội chèo ghe bương tới vì chí ít
cũng biết rằng nhà chùa sẽ cho ăn một bữa, dù cháo rau, dưa muối và cho một chỗ nghỉ chân an toàn đêm nay cho khách
lỡ độ đường.
Thưa cái làng, nhứt là miệt Lục Tỉnh Nam Kỳ của mình, không có lũy tre xanh, không có cây đa cao ngất từng xanh… Mà
là xóm nhà rời rạc, cách xa nhau một số đám ruộng. Bởi vậy chùa ở Miền Nam không còn là của riêng một làng nào nữa
mà thường trên một gò cao nào đó để cả vùng gồm nhiều làng thờ chung ông Phật. Thường là do một sư ông vân du
đến đây, thấy phong cảnh hữu tình, lập am tu hành. Mới đầu là am thôi, sau lâu ngày chày tháng mới phát triển thành chùa.
Tu rồi làm sao sống? Thì làm ruộng! Ruộng chùa cũng ít ỏi, do các tăng, ni tự khai khẩn rồi canh tác, tự cung tự cấp.
Nhưng qua hàng trăm năm theo bước chân của lưu dân từ miền Trung vào, có ngôi chùa nhỏ, dần dần trở thành danh
lam, thắng tích như chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Xoài Hột, Mỹ Tho, quê tui vậy đó!
Chùa quê, nhưng với tấm lòng từ bi, bác ái của Sư cụ trụ trì giúp người trong cảnh khốn cùng bị truy đuổi ráo riết, đã góp
phần làm thay đổi lịch sử nước ta sau nầy:
Tích rằng: Nguyễn Ánh và quân Xiêm bị Nguyễn Huệ đánh một trận tơi bời, bị đại bại tại đoạn Sông Tiền từ Rạch Gầm
đến Rạch Xoài Mút (1785), ông đã bỏ thuyền lên bờ, chạy vào Chùa Long Tuyền, trốn trong chiếc chuông đồng (Đại
Hồng Chung), rồi mạng nhện đan kín lại, thoát được cuộc truy nã ráo riết của quân Tây Sơn. (Số chánh vì vương mà! Lận
đận long đong, xong rồi cũng là ‘vương’ nha?!)
Năm 1802, sau khi dẹp được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Năm 1811, nhớ lại ngôi chùa
đã từng cứu mạng mình nên vua Gia Long ra sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyên Tự.
Đến năm 1841, Vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa thành Linh Thứu Tự, (chữ Linh Thứu nói trên, tiếng phạn là Kỳ Xà Quật,
tên của một hòn núi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết pháp khi xưa).
Còn dân gian gọi là chùa Sắc Tứ; hãnh diện là chùa quê nhưng lại được bảng vàng của nhà vua phong cho! Mà quên đi
bài học chánh của giai thoại nầy: Phàm là bậc chân tu, phải có lòng từ bi, bác ái sẵn sàng ra tay cứu vớt bất cứ kỳ ai trong
cơn cùng khốn!
Thưa bà con mình, mất quê, mất nước, mất cả bầu trời. Phiêu bạt chỉ mang theo trong lòng những hình bóng cũ, những
hồn ma cũ, mất rồi thì cách chi mà tìm lại được.
Hình ảnh ngôi chùa, chú tiểu đầu ba vá miếng vùa, những ni cô lòng quảng đại, từ bi dù phải chịu hàm oan như Quan Âm
Thị Kính, theo ta suốt một thời luân lạc.
Còn đối với các nhà thơ, nhắc tới chùa, là nhắc tới tiếng chuông, nhắc tới một kỷ niệm buồn đau; dẫu vậy, cũng rất đẹp
của thời niên thiếu.
Nhà thơ Xuân Tâm: “Năm xưa tôi còn nhỏ/ Mẹ tôi đã qua đời!/ Lần đầu tiên tôi hiểu/Thân phận trẻ mồ côi. Quanh tôi ai
cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi… Hoàng hôn phủ trên mộ/ Chuông chùa nhẹ
rơi rơi/ Tôi thấy tôi mất mẹ/ Mất cả một bầu trời”
Nhưng than ôi, ngoái nhìn về quê cũ thì thấy thiệt đau lòng.
Hỏng đau lòng sao được khi các ni cô của Chùa Phước Hải, huyện Bình Chánh, Sài Gòn, cởi bó áo nâu sòng, mặc đồ bộ
đội và cầm súng AK, lên sân khấu nhảy cà tưng, nhảy vòng vòng, nhảy tới, nhảy lui… Thiệt là hỏng có giống ai hết ráo!
Bà con trong nước cũng ‘rầu’ như tui vậy, nói: “Đạo Phật mong cầu thoát khỏi thất tình lục dục.Thi thố ăn thua, đàn ca hát
xướng, cởi áo nâu sòng khoác áo lính. Các vị có thuộc ngũ giới mà Phật đã dạy cho ni chúng không?”
Vậy mà còn xúm lại vỗ tay khen: “Mô hình nầy hay; Cần mở rộng?!” Trời, Phật ơi!
Tưởng bà con Phật tử đau lòng mà sửa lưng như vậy là quý ni cô chùa Phước Hải nầy ăn năn hối cải, lo tu học để giúp
đời, giúp lòng dân đang loạn, bởi đời giờ hỏng biết phải tin ai?
Nào ngờ, sư cô Thích Nữ Huệ Ngọc và đại sư Pháp Quang, ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới về Việt Nam (phải có đại sư
‘Việt kiều’ là mới đáng tin nhe?!) làm lễ quy y cho một con Bò. Đặt pháp danh là Thiện Sanh, rồi cho đeo một chiếc máy
phát tiếng kinh Phật quanh cổ ‘nhà tu hành’ đặc biệt này.
Đến nỗi vị Viện phó Học viện Phật giáo rầy: “Con bò không thể quy y cho được”. Vì người Việt Nam thường dùng hình
ảnh con bò để chỉ những người “có đầu mà không có óc”, không phát triển ý thức, không phát triển trí tuệ thì quy y là quy
y làm sao?
Rồi sau cái vụ con Bò quy y thì tới cái vụ con Chó ăn chay nhằm ngày rằm mỗi tháng. Tay phóng viên của báo chí quốc
doanh nhà nước dám ‘phịa’ ra như vầy. (Thiệt tao cũng chạy chú mầy luôn!)
Chú phịa rằng: “Ấp Thông Lưu, nằm cuối cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long, có một ông cứu được con
chó, nhém chết trôi, đem về nuôi dưỡng; đặt tên là Lượm.
Con chó Lượm nầy ngày rằm là ăn chay, quẳng cho miếng thịt bò cũng chê. Nghĩa là con Chó Lượm biết coi lịch Tam
Tông Miếu, mà coi ngày âm nữa đó đa. Vì con chó ăn chay, nên cả nhà đều ăn chay theo! Trước nghèo mạt, giờ khơi
khơi trở nên giàu hà?”
Thiệt là mấy đứa báng bổ Phật giáo, tôn giáo mà tui từng hết lòng thờ kính đó nhe!
Buồn ghê khi đọc mấy cái tin trời ơi đất hỡi nầy nhưng tui không ngạc nhiên chút nào. Hổng phải vô tình, mà họ có chủ
đích đó bà con ơi.
Cách đây hơn 60 năm, nhà thơ CS Cù Huy Cận đã báng bổ Phật Giáo như thế nầy rồi qua bài thơ: “Các vị La Hán chùa
Tây Phương /Tôi đến thăm về lòng vấn vương/ Há chẳng phải đây là xứ Phật, Mà sao ai nấy mặt đau thương?”
Chủ nghĩa xã hội của ông Cù Huy Cận nầy chưa về nên ai cũng khổ, cũng đau thương hết ráo. Cho tới khi nó về thì… vui?
(Phải vậy hông?)
“…Các vị La Hán chùa Tây Phương/ Hôm nay xã hội đã lên đường /Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại/ Xua bóng hoàng
hôn, tản khói sương!”
Để một nhà phê bình văn học phải kêu lên: “Cuộc sống rất đa dạng, không có gì là toàn ác, cũng không có gì là toàn
thiện, những pho tượng La Hán nầy không phải trò đùa để cho Huy Cận đem ra bàn luận linh tinh…”
Thưa tui đã từng được nghe các vị cao tăng giảng về Tam quy và Ngũ giới.
Tam quy: Điều thứ nhất: Phải noi theo Phật tính! Điều thứ nhì: Giữ gìn khuôn phép. Điều thứ ba: Phải theo bạn, theo thầy.
Còn Ngũ giới là: Năm điều ngăn cấm do Đức Phật, vì thương xót chúng sanh, mà tạo ra, cốt khiến đời sống họ được an
lành hạnh phúc.
1. Không sát sanh. 2. Không trộm cướp: 3. Không tà dâm. 4. Không nói dối. 5. Không uống rượu.
Mà nhìn quanh quất thì một số (tui không dám quơ đũa cả nắm) nhà sư quốc doanh (cà chớn) trong nước đều phạm giới
hết ráo. Mà cái tội lớn nhứt, to nhứt là cái tội nói dóc, tức vọng ngữ.
Đa phần người Việt mình, theo Phật giáo, thấy đất nước mình đang trải qua cái mùa Pháp nạn nầy, thiệt là lòng đau như
cắt. Nhưng chắc bà con mình, hy vọng ngày nào đó, không xa, tiếng chuông chùa rơi rơi lại trở về ngân nga, vang vọng
trong tâm cảm người con Phật.
Chớ bây giờ thiệt: Nhớ lại những ngôi chùa quê, thời thơ dại từng theo Má đến thăm mà tiếc hoài… Nên không khỏi chép
miệng, than thầm:
“Những người muôn năm cũ! Hồn ở đâu bây giờ?”
Đoàn Xuân Thu
Melbourne