Giáo dân giáo xứ Ngọc Long, giáo phận Vinh, ký kiến nghị đòi hủy điều 4 hiến pháp 1992. Courtesy Nuvuongcongly Kể từ khi chính quyền tổ chức cho nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có ba sự kiện lớn đáng chú ý của một bộ phận không nhỏ những người lên tiếng phản biện, việc làm này đã gây một hiệu ứng phản kháng chưa hề có đối với chính quyền. Đó là Kiến nghị góp ý hiến pháp của 72 vị nhân sĩ trí thức khởi xướng, tiếp theo là Tuyên bố của các công dân tự do, kế tiếp là Bản góp ý dự thảo HP của hội đồng Giám mục VN và Lời tuyên bố của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất...
Có lẽ đây là lần đầu tiên thái độ phản kháng chính trị mang tính có tổ chức, được xuất hiện đồng loạt và kế tiếp của các đảng viên cộng sản, trí thức, nhân sĩ và các thành phần lao động khác đã và đang tiếp tục gây sóng gió cho nội bộ Đảng CSVNcũng như dư luận quần chúng. Và nó đã chính thức làm cho các nhà lãnh đạo đảng và chính quyền hết sức lo ngại và lo sợ. Đó chính là lý do vì sao lại có việc cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc để bày tỏ thái độ bài bác các hành động bị coi là chống đảng chống chế độ, và hé lộ các biện pháp cứng rắn sẽ được dùng xử lý các thành phần nói trên. Đặc biệt là những phản ứng mất bình tĩnh của các ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho rằng các luồng ý kiến trong sửa đổi Hiến pháp là: “...cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…” hay “...tuyên truyền vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước, cái đó là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn.”
Gần đây trên báo Đai Đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt nam có đăng bài viết gọi những chữ ký của bà con nông dân ký nối tiếp chữ ký của 72 nhân sĩ trí thức là sự ngụy tạo có chủ đích, trong đó có viết “Thời gian qua, trên một số trang mạng có “giới thiệu” bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, ký tên tập thể, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập... Ngoài một số người có chức danh và địa chỉ cụ thể, thì hầu hết là tên không có địa chỉ. Tìm hiểu của Đại Đoàn Kết tại Hà Tĩnh cho thấy, đa phần những cái tên này là không có thực và bị giả mạo” và “Ở một trang mạng, ngay dưới bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, những người chủ trang này đã đề rất rõ: ‘Để ký tên vào Lời kêu gọi này, xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉ ‘kiennghi***@gmail.com, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ’. Vậy nhưng có tới 1/3 nếu như không muốn nói là một nửa trong số những người ‘ký tên’ kiến nghị sửa đổi Hiến pháp chỉ là những cái tên hết sức chung chung không có địa chỉ cụ thể: ‘Lê Quý Lộc, công dân Việt Nam, TP HCM’, ‘Hoàng Văn Trường, làm ruộng, Hà Tĩnh’, ‘Trần Văn Pháp, nông dân, Đồng Nai’...”
Tất nhiên các đánh giá cho rằng hầu hết các chữ ký đều là giả mạo là một vấn đề đang gây tranh cãi. Khi mà bên phê phán và phản bác thì bằng mọi cách chứng minh rằng danh sách các cá nhân tham gia ký tên vào bản kiến nghị chỉ là những cái tên hết sức chung chung không có địa chỉ cụ thể. Và họ đặt câu hỏi: Tại sao những người nông dân chân chất chưa hề biết đến sự phát triển của mạng internet lại có thể dễ dàng thực hiện một cái “click” chuột để ký tên vào bản kiến nghị đòi thay đổi chế độ chính trị, thay đổi phương thức lãnh đạo đất nước? Theo họ đây là một “cách chơi” không sòng phẳng. Ngược lại theo những người khởi xướng phong trào hay người tham gia ký tên cho rằng để đề phòng việc chính quyền tìm biện pháp dọa dẫm, đàn áp những người ký kiến nghị, nên họ không đưa ra các chữ ký trực tiếp, cùng các địa chỉ cụ thể. Vì theo họ, từ kinh nghiệm xương máu của những lần ký các kiến nghị trước đây, khi (trang BVN) trung thực đưa chữ ký trực tiếp của người ký lên mạng, ngay sau đó không ít người có chữ ký và có ghi địa chỉ cụ thể đã bị truy bức, mà ông Trần Đức Quế, một cán bộ lão thành ở Hà Nội, đã bị truy bức đến 2 ngày rưỡi, là một ví dụ đắt giá, đã không cho phép chúng tôi ngây thơ dại dột quên đi trách nhiệm bảo vệ an toàn cho những người đã tin cậy gửi chữ ký đến chúng tôi.
Công an trấn dẹp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo.Khách quan mà nói, về nguyên tắc nếu trong những kiến nghị hay các bản tuyên bố mang tính chất phản kháng chính trị, đối lập với chính quyền mà không cụ thể, chỉ dừng lại ở những cái tên hết sức chung chung không có địa chỉ cụ thể thì giá trị thuyết phục và độ tin cậy của nó sẽ giảm đi rất nhiều. Trước hết vì nó chỉ là một hình thức ký khống trên mạng ảo như hiện nay, nên có thể rất dễ bị mạo danh đối với những người không trung thực và người thích chạy theo bệnh thành tích. Nhưng quan trọng hơn cả, việc ký không trên mạng ảo là cơ hội có thể dấu được sự sợ hãi, một căn bệnh thâm căn cố đế của người Việt trong nhiều chục năm nay trong những sinh hoạt chính trị. Đây cũng là nhược điểm cần phải khắc phục, vì nó không chỉ tạo nên sự minh bạch cần thiết mà còn là điều kiện bắt buộc yêu cầu mỗi người khi đã dám đặt bút ký thì trước hết phải chuẩn bị cho mình một tinh thần trách nhiệm trước quyết định chính trị của mình. Và đặc biệt là lòng dũng cảm. Đừng để những thiếu sót như thế tạo ra những sơ hở để chính quyền có thể dựa vào để phản bác.
Trên thực tế ở các quốc gia dân chủ, việc lấy chữ ký các kiến nghị của công dân được ghi nhận trong hiến pháp và pháp luật. Công dân có quyền đề nghị các cấp chính quyền cách chức hoặc bãi nhiệm các quan chức dân cử nêu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên với điều kiện bắt buộc là phải thu thập đủ số lượng chữ ký tối thiểu phải có, cần thiết của các cử tri theo quy định. Song một những yêu cầu là người tham gia ký, dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải kèm theo bản sao (photo copy) giấy Chúng minh thư Nhân dân, có chữ ký của mình và kèm theo câu ghi rõ “Bản sao hợp pháp” (để đề phòng chống giả mạo). Đây cũng là một yêu cầu để đảm bảo tính minh bạch và khẳng định tính trung thực của các kiến nghị.
Ở Việt nam, việc ký tên vào các các bản Kiến nghị, các tuyên bố của các tập thể, hay cá nhân các công dân là một việc làm phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt nam. Do vậy việc chính quyền tìm biện pháp dọa dẫm, đàn áp những người ký kiến nghị là một hành động vi phạm pháp luật. Không thể lấy việc sợ bị bị truy bức, hay sợ hãi để biện minh cho việc không đưa ra các chữ ký trực tiếp, cùng các địa chỉ cụ thể. Vì như thế là không đảm bảo tính minh bạch. Nếu họ ra tay đàn áp và truy bức thì chính là họ tạo lý do cho chúng ta sẽ tiếp tục kiến nghị phản đối theo phương thức non stop. Chứ không thể vì sợ bị truy bức, đàn áp hay trả thù mà không dám công khai, vì như thế giá trị của lòng dũng cảm trong các phản kháng chính trị của mỗi cá nhân sẽ không còn ý nghĩa như chúng ta tưởng. Nếu như đó chỉ là quan điểm của những người khởi xướng phong trào mà không phải là yêu cầu của những người tham gia ký tên thì cũng phải làm rõ.
Ai trong chúng ta, kể cả những người đặt bút ký tên vào các văn bản Kiến nghị, Tuyên bố hay Thỉnh nguyện thư. v.v... đều xác định và hiểu rõ những ý nguyện họ đặt bút ký nêu trên gửi cho chính quyền là vô ích, vì chắc chắn chính quyền sẽ không bao giờ ghi nhận và tiếp thu. Nhưng những việc làm đó, nếu nhìn nhận ở góc độ phản kháng chính trị là điều hết sức cần thiết và nó có giá trị cao trong việc gây cho chính quyền từ chỗ bối rối, lo lắng đến hoảng sợ. Do vậy những người khởi xướng nên khắc phục bằng cách yêu cầu những người đã ký tên nộp bổ túc bản sao giấy Chứng minh thư nhân dân. Với mục đích một mặt là để bác bỏ cáo buộc của chính quyền nhà nước, khi cho rằng đa phần danh sách trên là giả mạo và sau nữa là tạo thành một nếp bắt buộc trong các sinh hoạt chính trị là sự khẳng định lòng dũng cảm của những người dám dấn thân. Vì đây là một bước thử thách quan trọng cho những ai chứng minh rằng mình không biết sợ hãi!
Ngày 13 tháng 3 năm 2013
Source: Blog Kami