Nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc Lý Đình Đình (weibo)
« Tại Trung Quốc, bản thân khái niệm công lý cũng bị chính quyền bôi xấu », nhà Trung Quốc học Chloé Froissart tại Bắc Kinh tỏ ra lo ngại trước việc chính quyền nước này bố ráp các nhà đấu tranh cho nhân quyền.
Từ thứ Năm tuần trước, đã có mấy chục luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu, bắt giam hoặc mẩt tích tại Trung Quốc, sau một chiến dịch đàn áp quy mô của công an. Tổ chức Fengrui, nơi nhiều nhà đấu tranh nhân quyền làm việc bị Nhân dân Nhật báo gọi là « băng nhóm tội phạm có tổ chức ». Amnesty International nhận định tầm cỡ của chiến dịch này là « chưa từng thấy ».
Theo chuyên gia Chloé Froissart, đây thực sự là một cuộc « bố ráp » đánh vào khoảng 70 người. Khó thể biết được chính xác số nạn nhân là bao nhiêu, vì một số người bị mời đến đồn công an để uống trà, số khác bỗng dưng mất tích, và nhiều người đã bỏ trốn được. Một số là những nhân vật tiếng tăm, nhưng cũng có những người ít quan trọng hơn. Khoảng hai mươi người đã bị bắt giam.
Trước nay chỉ có những vụ tấn công với mục tiêu cụ thể, nhưng nay đã là một chiến dịch mang tầm cỡ quốc gia. Bắc Kinh đã thay đổi quy mô, chiến thuật và ngay cả phương thức thông tin. Một chiến dịch vu khống đã được tung ra.
Các luật sư luôn lo lắng từ khi đồng nghiệp Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), người sáng lập tổ chức phi chính phủ Open Constitution Initiative và lãnh đạo phong trào Tân Công Dân bị kết án vào năm ngoái. Chiến dịch đàn áp mới diễn ra sau vụ năm nhà đấu tranh nữ quyền bị bắt ngay trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong khi các cô chuẩn bị các hoạt động chống quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng.
Cách đây hai tháng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên án hiệp hội Yirenping – chuyên đấu tranh chống kỳ thị những người bị viêm gan siêu vi B và SIDA – là « hoạt động bất hợp pháp ». « Vi phạm pháp luật, gây bất ổn xã hội, xúi giục gây rối trật tự công » là những cáo buộc nặng nề ngày càng được gán cho các nhà hoạt động nhân quyền.
Chuyên gia Froissant nhận định, điều đáng ngại nhất là ngay bản thân khái niệm công lý cũng bị bóp méo. Trong khi khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình là « quản lý theo luật pháp », là « tôn trọng Nhà nước pháp quyền », thì tất cả những ai cố gắng cổ vũ cho một nền tư pháp minh bạch đều bị coi là những tên tội phạm.
Dự luật mang tính hồi tố về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hiện đang được Quốc hội xem xét lần thứ hai, cũng hình sự hóa việc bào chữa của các luật sư. Mỗi người phải chứng minh rằng mình vô tội trước khi hành nghề, và rồi bị kiểm soát toàn bộ. Hoạt động vì công bằng xã hội bị gán cho màu sắc phương Tây, bị quy là mưu toan gây bất ổn cho đảng Cộng sản, có nghĩa là cáo buộc các tội danh hình sự.
Theo RFI