Buổi Tọa đàm về Tự do Hiệp hội đã diễn ra sáng ngày 16/7/2015, tại Hà Nội, với sự góp mặt của ông Lã Khánh Tùng - Giảng viên Luật đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Thang Văn Phúc – Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Đinh Tuấn Minh – Chuyên gia kinh tế, Nhà báo / blogger Huy Đức, đại diện của một số tổ chức phi chính phủ như VUSTA, Oxfam, Red, Care, …, đại diện một số tờ báo, truyền thông trong nước như VOV, Dân trí, …
Buổi tọa đàm này do PPWG (Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân) và ISEE (Viện nghiên cứu xã hội – kinh tế - môi trường) đồng tổ chức.
Mở đầu chương trình, Ông Phạm Minh Tú – đại diện Oxfam tại Việt Nam đã giới thiệu về chương trình, nội dung và mục đích của buổi tọa đàm: trao đổi về vấn đề Tự do Hiệp hội và đóng góp ý kiến cho dự thảo “Luật về Hội” mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của người dân, trước khi bàn thảo tại Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
Kế đến, là phần tham luận của các diễn giả:
- Ông Lã Khánh Tùng với Hội và Tự do Hiệp hội – một cách tiếp cận dựa trên quyền;
- Ông Thang Văn Phúc với Hội và tính đa dạng của các loại hội ở Việt Nam;
- Ông Đinh Tuấn Minh với Liên hệ từ quá trình tự do hóa kinh tế ở Việt Nam đến tự do hóa đời sống hiệp hội ở Việt Nam.
Sau phần chia sẻ của các diễn giả, các khách mời có đặt câu hỏi với các diễn giả. Các câu hỏi liên quan chủ yếu đến vấn đề tự do Hiệp hội tại Việt Nam, quá trình đàm phán TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) có tác động thế nào đến việc thúc đẩy ban hành Luật về Hội hay không, …
Ông Thang Văn Phúc cho rằng, việc xây dựng Luật về Hội không liên quan đến tiến trình đàm phán TPP và chỉ đơn thuần là cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Trái lại, một đại diện của NGO tham gia buổi tọa đàm nhận định, việc xây dựng luật này liên quan đến đàm phán TPP với Hoa Kỳ và FTA (Hiệp định mậu dịch tự do) với Liên hiệp Âu Châu, bởi đó là những điều kiện phương Tây nêu ra với chính quyền Việt Nam.
Phần thứ hai của buổi tọa đàm – trao đổi và góp ý về dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ xây dựng. Sau khi ông Phạm Minh Tú giới thiệu dự luật này và đưa ra Thông điệp của nhóm PPWG về quyền tự do Hiệp hội và dự thảo luật, các chuyên gia, nhà báo, … đã phản biện lại.
Ông Hồ Uy Liêm đến từ Liên hiệp các hội Khoa học – kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Dự luật về Hội có nội dung không khác các quy định hiện hành của Chính phủ CSVN, do đó, việc xây dựng luật như vậy chỉ là khác về hình thức. Nhà báo / blogger Huy Đức thì nhận định, Luật về Hội như dự thảo được lập ra để quy định hạn chế quyền tự do lập hội và tự do hiệp hội.
Thực tế, quyền tự do lập hội và hiệp hội tại Việt Nam bị hạn chế, bó hẹp trong một số lĩnh vực. Các hội, nhóm có khuynh hướng, quan điểm chính trị khác với đảng cộng sản sẽ bị trấn áp, buộc giải tán. Mặt khác, quyền lập hội của công dân bị gây khó dễ bởi nhiều thủ tục hành chính, phải nhận được sự đồng ý của chính quyền và chịu sự can thiệp sâu của các cơ quan quản lý.
Nhận định chung về dự luật về Hội, nội dung chưa đạt yêu cầu về các chuẩn mực dân chủ, nhân quyền theo các Công ước quốc tế và là sự hạn chế quyền tự do của công dân.
SBTN