Vùng phi quân sự (DMZ), phía Hàn Quốc nêu rõ chủ trương 'chấm dứt chia cắt' và 'bắt đầu thống nhất' Triều Tiên.
Kèoprasith Souvannavong / RFI
2015 đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt. Nhân dịp này, Hàn Quốc, tuần trước đây, thông báo dự định tổ chức vào tháng 10 một diễn đàn thảo luận về sự thống nhất của Bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của các nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình và các chuyên gia nước ngoài. Khả năng thống nhất Triều Tiên, dù còn rất xa vời do bối cảnh chính trị chưa cho phép, nhưng đã làm dấy lên nhiều câu hỏi, trong đó có chi phí được cho là cực lớn mà Hàn Quốc phải gánh chịu, và nhất là liệu người dân hai miền có thực sự muốn thống nhất hay không.
Để hiểu rõ thêm về ý nguyện của người Triều Tiên trên vấn đề này, cách tốt nhất là tìm hiểu nơi người trong cuộc. Nhà báo của RFI Kèoprasith Souvannavong vừa qua đã có dịp phỏng vấn nhà văn nữ Hàn Quốc Kim Eun Sun, một người thực sự là ‘trong cuộc’ vì cô nguyên là một người Bắc Triều Tiên đã đào thoát qua định cư tại Hàn Quốc.
Năm nay 29 tuổi, Kim Eun Sun là đồng tác giả của quyển ký sự : « Bắc Triều Tiên, chín năm để thoát khỏi địa ngục », một quyển sách đã gây chấn động, trong đó tác giả kể lại hành trình nguy hiểm của cô để rời bỏ chế độ độc tài toàn trị ở Bình Nhưỡng. Đối với Kim Eun Sun, đã đến lúc phải thống nhất Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là vì « tự do và nhân quyền ».
RFI : Một trong những vấn đề mà việc thống nhất Triều Tiên đặt ra là chi phí của tiến trình này, được nhiều chuyên gia ước tính ở mức 500 tỷ đô la. Đây là món tiền cần thiết để giảm sự chênh lệch mức sống giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, chủ yếu đến từ Seoul, vốn đã tạo ra một quỹ dành riêng cho việc này. Hiện thời, người Hàn Quốc còn muốn thống nhất đất nước hay không, khi biết rằng chi phí có thể sẽ cao hơn gấp bội so với dự kiến ?
Kim Eun Sun : Là người quê ở miền Bắc, tôi hết lòng muốn đất nước thống nhất, nhưng người dân miền Nam chưa sẵn sàng, nhất là giới trẻ. Theo thăm dò dư luận, 50% trong số họ nói rằng họ không muốn thống nhất vì điều đó quả thực sẽ rất tốn kém.
Họ nghĩ rằng sau khi thống nhất đất nước, thuế sẽ tăng lên và điều kiện sống của họ sẽ xấu đi. Họ cho biết là họ hài lòng với tình hình hiện tại của mình. Đối với một số người, cuộc sống ở Hàn Quốc hiện tại không phải là dễ dàng, và những người đó nghĩ rằng nó sẽ tồi tệ hơn sau khi đất nước thống nhất, vì sẽ phải thu ngắn đáng kể cách biệt kinh tế giữa Bắc và Nam và điều đó sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền.
Thế nhưng, cho dù rất tốn kém, việc thống nhất đất nước sẽ là một cơ may thực thụ. Miền Nam càng đầu tư nhiều vào miền Bắc, lợi nhuận thu được từ đầu tư càng đáng kể. Nếu miền Nam không làm, và nếu một ngày nào đó Bắc Triều Tiên mở cửa, nhiều nước giàu khác sẽ lao vào để đầu tư tiền của của họ.
RFI : Ngoài vấn đề kinh tế, còn lý do nào khác thúc đẩy hai miền Nam Bắc thống nhất ?
Kim Eun Sun : Chủ yếu là vấn đề tự do và nhân quyền. Ở miền Bắc, người dân không hề có bất kỳ khái niệm nào về quyền con người. Họ không được hưởng quyền tự do nào, họ không thể đi đến nơi nào họ muốn. Họ không có bất kỳ quyền lợi nào, và điều kiện sống rất tồi tệ.
Dĩ nhiên là Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục ở trong tình trạng bị chia cắt nếu ở miền Bắc, người dân được sống trong điều kiện tốt như ở miền Nam, nếu họ được hưởng một tình huống tương tự như miền Nam cả về nhân quyền lẫn kinh tế.
Thống nhất đất nước cũng sẽ có lợi cho miền Nam. Ví dụ, ngày nay tại Hàn Quốc, tìm một công việc phù hợp với khả năng của mình rất khó khăn, ngay cả sau khi có bằng đại học. Khá nhiều thanh niên đã không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, kể cả những người đã theo học ở các trường đại học rất tốt. Tôi tin rằng đất nước thống nhất sẽ tạo ra công ăn việc làm, nó sẽ nhân cơ hội tìm việc lên gấp bội. Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến phí tổn của việc thống nhất mà thôi.
Để Triều Tiên được thống nhất, cần phải phát triển cơ sở hạ tầng ở miền Bắc : đường giao thông, nhà ở, trường học, v.v... Bắc Triều Tiên cũng sẽ cần giáo viên, kỹ sư, kỹ thuật viên ... Tất cả điều này cũng là cơ may cho thanh niên Hàn Quốc, vốn chưa nhận thức được tất cả những cơ hội đó bởi vì họ chỉ thấy cái trước mắt mà thôi. chỉ chú mục vào các phí tổn của việc thống nhất.
Chúng ta phải giáo dục họ, thay đổi quan điểm của họ. Thống nhất đất nước sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ở cả miền Bắc lẫn miền Nam.
Ngoài ra, nếu các sinh viên tốt nghiệp đại học tại miền Nam ra dạy tại miền Bắc, tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi. Được thống nhất, đất nước sẽ lớn hơn, mạnh hơn, nhờ có được một dân số có học thức cao hơn. Hiện nay, đa số người Bắc Triều Tiên hầu như không biết một máy tính là gì, cũng không biết internet là gì. Tất cả mọi thứ tại miền Bắc đều phải xây dựng lại để cho cư dân có thể hưởng được sự thịnh vượng kinh tế của miền Nam.
RFI : Khi nào thì Triều Tiên có thể thống nhất ?
Kim Eun Sun : Thống nhất là một điều cần thiết và tất yếu sẽ xẩy ra vào một lúc nào đó, sẽ sớm hơn là người ta tưởng, sẽ bất ngờ cho dù chúng ta không muốn thế. Còn khi nào thì không ai biết được. Chế độ độc tài Bắc Triều Tiên không thể tồn tại mãi mãi, mặc dù có vẻ vững vàng.
Mặt khác, Kim Jong Un, nhân vật số một của chế độ hiện nay lại là một con người lạ lùng. Người ta có cảm tưởng là ông ta đang cố gắng thay đổi. Kim Jong Un hành động khác với người cha Kim Jong Il [cầm quyền từ 1994-2011] và cũng khác ông nội của mình [Kim Nhật Thành, « Chủ tịch Vĩnh cửu », người sáng lập Bắc Triều Tiên vào năm 1948].
Cung cách của Kim Jong Un hoàn toàn không giống cha và ông mình. Ví dụ như là ở miền Bắc, một lãnh đạo không bao giờ xuất hiện trước công chúng cùng với vợ, nhưng Kim Jong Un thì lại làm như vậy. Thế là người dân bình thường cũng bắt đầu ra phố với vợ hay chồng của mình. Trước đây, các cặp vợ chồng không được nắm tay nhau. Ngày nay, họ không ngần ngại làm thế. Nhờ Kim Jong Un, lĩnh vực này đã có được cởi mở hơn.
Kim Jong Un cũng đã cho phép một trong những biểu tượng của nước Mỹ là cà phê Starbucks hiện diện tại thủ đô Bình Nhưỡng. Trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói rằng Kim Jong Un đang cố gắng mang đến Bắc Triều Tiên một chút sắc thái của phương Tây.
RFI : Còn có những dấu hiệu thay đổi nào khác ở Bắc Triều Tiên, nổi tiếng là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới ?
Kim Eun Sun : Thanh niên chẳng hạn thì lén lút xem phim truyện và phim Hàn Quốc. Họ rất mê loại phim này. Họ mơ về miền Nam, miền đất đã mê hoặc họ. Đầu óc họ đã thay đổi, không còn trung thành với chế độ, với gia tộc họ Kim cầm quyền, với Kim Jong Un. Họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi.
Còn đối với người lớn tuổi hơn, có lẽ chỉ có 1% trong số này không muốn thay đổi hệ thống, bởi vì họ là những kẻ đặc quyền đặc lợi, đang sống trong xa hoa. Đó là tầng lớp lãnh đạo cao cấp. Nhưng coi chừng. ngày mà cuộc sống thực của giới lãnh đạo bị phát hiện, người dân sẽ thể hiện sự thù địch thực sự của mình.
Tôi nghĩ rằng 90% người dân ở miền Bắc muốn thay đổi ngay bây giờ. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo miền Bắc luôn tuyên truyền rằng đời sống ở miền Nam rất khó khăn. Họ chẳng hạn đã cho thấy hình ảnh của một bé gái đang đánh giày cho một người lính Mỹ và khẳng định rằng ở miền Nam, các cô gái chỉ có kiểu đời sống khổ cực như vậy mà thôi. Và đó là lý do tại sao cần phải thống nhất đất nước, dĩ nhiên là để giúp miền Nam.
Nhưng bây giờ, người dân ở miền Bắc đã có một cái nhìn khác về miền Nam. Họ biết rằng miền Nam sung túc hơn nhiều. Họ nghĩ rằng họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi được thống nhất với miền Nam.
Tiếng Hàn có tục ngữ : « Một nửa công việc đã được thực hiện, chỉ cần hoàn tất mà thôi ». Bắc Triều Tiên cũng giống như bó củi khô, nếu châm lửa, có thể bùng lên rất nhanh.
Theo RFI