Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi đắp, chụp từ máy bay trinh sát của Mỹ ngày 21/05/2015. Reuters
Trung Quốc là một trong những nước nổi tiếng trong lãnh vực làm hàng giả đủ loại. Đối với Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, Bắc Kinh vừa có thêm một mặt hàng giả mới : Đó là chủ quyền trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, vùng Biển Đông.
Phát biểu nhân Diễn đàn An ninh Aspen, tổ chức ở tiểu bang Colorado (Hoa Kỳ) hôm 24/07/2015, Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã xác định rằng Trung Quốc « chủ yếu đang làm ra chủ quyền giả tạo » tại vùng Biển Đông, bằng cách bồi đắp đảo nhân tạo trên những rạn san hô, và bãi cạn.
Đối với ông Harry Harris, các nước tranh chấp chủ quyền khác tại Biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng đã tiến hành cải tạo đất trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, tổng diện tích cải tạo của các nước này chỉ khoảng 100 mẫu Anh (acre) trong vòng 45 năm, chẳng thấm vào đâu so với kích thước, phạm vi và quy mô của các công trình rầm rộ của Trung Quốc, mà theo Đô đốc Harris đã lên đến gần 3.000 mẫu Anh trong vỏn vẹn 18 tháng.
Theo Đô đốc Harris đa số các nước trong vùng Biển Đông muốn duy trì nguyên trạng, riêng Bắc Kinh lại muốn thay đổi hiện trạng « để phục vụ quyền lợi bản thân hẹp hòi » của họ.
Hành động xây dựng tại vùng quần đảo Trường Sa của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến cho Bộ Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương càng lúc càng lo ngại, thúc đẩy lực lượng Mỹ tăng cường các chiến dịch tuần tra và giám sát các khu vực xung quanh quần đảo đang tranh chấp.
Ngoài mối quan ngại về mặt quân sự, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ còn đặc biệt quan tâm đến các tác hại môi trường mà các công trình Trung Quốc đã gây ra, một vấn đề mà ông Harris tiếc là ít được chú ý tới.
Đô đốc Harry Harris đã trích dẫn quan điểm phê phán của ông John McManus, chuyên gia về sinh học biển thuộc trường Đại học Miami, đã khẳng định hồi đầu tháng Bẩy này trên nhật báo The Washington Post rằng công việc nạo vét lòng biển một cách vội vàng để đắp đảo đã mang tính chất « tàn phá », và đó là « điều tệ hại nhất đã xảy ra với các rạn san hô trong suốt cuộc đời của chúng ta ».
Theo RFI