logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 07/08/2015 lúc 08:13:43(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Giã biệt thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) - Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi

UserPostedImage

Tin nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn qua đời ngày 4 tháng 8 năm 2015 tại nhà riêng ở Phan Thiết vì bệnh tim, hưởng thọ 71 tuổi đã lan truyền trên các trang báo điện tử khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại.

Sinh năm 1944, Nguyễn Bắc Sơn năm 1970, ở tuổi thanh niên 26 tuổi đã nổi tiếng với dòng thơ độc đáo. Người đọc đã cảm thấy ý thơ rất lạ với những câu: “ Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé sông Mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một ngày vui. Ngày vui đời lính vô cùng ngắn. Mặt trời thoắt đã ở phương tây. Nếu ta lỡ chết vì say rượu. Linh hồn chắc sẽ thành mây bay.”

Và khi tập thơ Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi được xuất bản năm 1972 thì nó trở thành một tác phẩm độc đáo và làm nên sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Bắc Sơn.

Cái nhìn vô nghĩa của Nguyễn Bắc Sơn về cuộc chiến tranh Việt Nam thời đó qua những câu : “ Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi. Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí. Lũ chúng ta sống một đời vô vị. Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau. Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu. Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc. Mượn bom đạn chơi trò pháo tết. Và máu xương làm phân bón rừng hoang”.

Trong trận chiến, sống chết chỉ trong tích tắc cho nên nhà thơ có những câu tưởng như đùa giỡn nhưng cay đắng : “ Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình. Ăn muối đá mà điên say chiến đấu. Ta vốn hiền khô ta là lính cậu. Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo. Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo. Xem cuộc chiến như tai trời ách nước. Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước. Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.”

Nhà thơ nhìn kẻ thù một cách khôi hài : “ Kẻ thù ta ơi các ngài du kích. Hãy tránh ra xa đừng chơi bắn nheo. Hãy tránh ra xa ta xin tí điều. Lúc này đây ta không thèm đánh giặc. Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc.

Tuy vậy nhà thơ cũng có lúc mơ mộng : “ Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát. Nghe súng rừng xa nổ cắc cù. Chợt thấy trong lòng mình bát ngát. Nỗi buồn sương khói của mùa thu.”

Hoặc thả hồn bay bỗng : “ Đêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác. Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay. Đâu có chắc mặt trời mai sẽ mọc. Trời rây mưa lành lạnh khiến thèm say.”

Thi sĩ viết về rượu cũng độc đáo : “ Khi tao đi lãnh khẩu phần. Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao.Chúng mình nhậu đế trừ hao.Bảy ngày sắp đến ngêu ngao trong rừng.Mùa này gió núi mưa bưng.Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan. Mùa này gió bụi mưa ngàn. Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà.”

Nguyễn Bắc Sơn bày tỏ những ý nghĩ về cuộc chiến : “ Các bạn cũ những thằng nào vô phước. Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua. Hãy về đây mà say khướt cùng ta. Này bóng mây cao này vòm lá thấp. Con đường phố người anh em tấp nập. Một người này yêu một chút người kia. Tay ấm trong tay chân ấm vỉa hè. Trái tim ấm lửa tình người ấm áp. Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất. Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông. Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong. Để nhìn thấy hình bản lai diện mục. Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt. Xin giã từ đời vũ khí huy chương. Xin trở về như một kẻ hoàn lương. Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết.”

Nguyễn Bắc Sơn đã tự vẽ chân dung mình qua các câu thơ : “ Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du. Trôi qua tháng trôi qua ngày trôi trên cuộc đời huyễn mộng. Trôi từ chiếc nôi ru đến nấm mồ. Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sóng. Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ. Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng. Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.”

Và thi sĩ rất yêu mến bạn bè : “ Có khi nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ. Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời. Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn. Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.”

Trong cuộc chiến Việt Nam, Nguyễn Bắc Sơn là lính Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/4/1975 cha của anh trở về miền Nam với chức vụ sĩ quan cấp tá Cộng Sản Bắc Việt. Ông có làm bài thơ tả về thân phận của hai cha con :

“ Bố tôi qua đời đúng năm năm. Tôi viết bài thơ này để tâm sự cùng một ngưới khuất núi. Thuở sinh tiền ông rất thương tôi và tôi rất thương ông. Nhưng hai chúng tôi đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm. Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng. Và thế là ông từ tuổi thanh xuân. Cùng bạn bè đi làm cách mạng. Ông càng làm cách mạng chừng nào. Thì loài người càng thêm sặc máu.Tôi ước mơi cõi đời tốt đẹp. Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người. Tôi càng ca tụng chừng nào. Thì loài người càng xấu xa chừng ấy.”

Sau năm 1975, Nguyễn Bắc Sơn vẫn làm thơ, chất bụi đời , ngông ngênh bàng bạc trong mấy câu : “ Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc. Vô tình ngang một quán cà phê. Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn. Mải mê tán dóc chẳng cho về. Về đâu đâu cũng là đâu đó. Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ. Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ. Ba nghìn thế giới cũng chưa to.”

Thi sĩ có mấy câu thơ về tình yêu thấy ngồ ngộ : “ Vì đàn bà người nào cũng như người nấy. Nên dặn lòng thôi hãy cố quên em. Nhưng đâu phải đàn bà người nào cũng như người nấy. Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên.” . Hoặc “ Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt. Nhưng vì sao ta lại yêu em.Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột.Ta quàng xiên nên đã yêu em”.Hoặc : Đàn bà dễ sợ quá ta. Nó kềm nó kẹp đời ta quá chừng. Nó càng kẹp ta càng mừng. Chỉ e nó kẹp nữa chừng nó thả ra.”

Nguyễn Bắc Sơn có một bài thơ tình nói về người vợ của ông : “ Lòng vui sướng như một chiều nắng tốt.Cầm tay em chầm chậm bước qua sông.Tà áo em buồm trắng đã căng phồng. Những tình ý một đời chưa nói hết. Trong thành phố này từ lâu anh vẫn biết.Ở đâu đây còn chảy một dòng sông. Ở đâu đây còn có mặt trời hồng. Có bến tịnh đậu con thuyền trôi nồi. Thời tuổi nhỏ đời anh buồn quá đỗi. Nhà anh nghèo ngày không đủ cơm ăn. Mẹ hai tay lau nước mắt nhọc nhằn.Cay đắng quá đàn con đâu có biết.Khi lớn khôn nhiều đêm anh hối tiếc.Đã bao ngày mê mải với văn chương.Nhưng bất tài không viết nổi tình thương.Của người mẹ tóc đài đang nhuốm tuyết. Em cũng biết tình yêu anh bát ngát.Và ngây thơ như đồng mía lau say.Biết ngày xưa anh là ngọn gió tây.Thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối. Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới. Khi em thành sương phụ áo màu đen.Anh bán đi chồng sách quí nuôi em.Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi. Khu vườn nhà ta sáng nay có nhiều lá mới. Những lá già rã mục tự hôm qua. Trong lòng anh cũng nở một bông hoa. Đóa hoa chỉ mình em ngó thấy.”

Trong dòng thơ của văn học Miền Nam trước năm 1975, Nguyễn Bắc Sơn là một hiện tượng vì khi mới xuất hiện bài thơ đầu tiên đã làm giới yêu thơ chú ý và tập thơ Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi có những câu thơ tả về tâm sự đời lính ngang tàng ngông nghênh còn được thích mãi đến bây giờ. Những dòng thơ đó mang chất lịch sử về một cuộc chiến và thi sĩ nhìn cuộc chiến vô nghĩa. Có người bảo thơ ông mang chất phản chiến. Cũng có thể hoàn cảnh gia đình đặc biệt khi cha của ông là sĩ quan bên kia chiến tuyến cho nên góp phần tạo nên tư tưởng phản chiến trong những bài thơ của mình.

Chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa là miền đất tươi đẹp để những dòng thơ phản chiến của Nguyễn Bắc Sơn được sáng tác và được phổ biến trong khi đó chế độ Miền Bắc Cộng Sản lúc nào cũng tuyên truyền mị dân khoác lên chiếc áo giải phóng dân tộc cho cuộc chiến tranh Việt Nam trước năm 1975.

Phản chiến là phản đối chiến tranh, thể hiện sự yêu thích hòa bình của loài người. Nhưng chỉ áp dụng phản chiến ở Miền Nam mà không áp dụng ở Miền Bắc là sự không công bằng và người Cộng Sản đã lợi dụng chiêu bài phản chiến để làm suy giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ Miền Nam.

Thời gian đã hơn bốn mươi năm kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Miền Bắc Cộng Sản đã thắng Miền Nam tự do để đưa đất nước vào một giai đoạn suy đồi tột cùng và cũng có thể dẫn đến họa Bắc Thuộc một lần nữa trong lịch sử dân tộc.

Có người không thích chất phản chiến trong thơ lính của Nguyễn Bắc Sơn, đó là về mặt chính trị. Nhưng về mặt nghệ thuật thì những câu thơ độc đáo của ông làm khách văn nghệ ngưỡng mộ.

Giã biệt thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn ( 1944- 2015), thi sĩ tài hoa của đất Phan Thiết, ngang tàng của dòng thơ Miền Nam .

UserPostedImage

SBTN

Sửa bởi người viết 11/08/2015 lúc 07:45:00(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#2 Đã gửi : 11/08/2015 lúc 07:46:57(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015)
UserPostedImage
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (ảnh: Facebook).

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, mới qua đời ngày 4 tháng 8 vừa qua, cũng tại Phan Thiết. Trước năm 1975, ở miền Nam, ông chỉ xuất bản một tập thơ duy nhất, Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972); sau năm 1975, sống trong nước, ông cũng chỉ in được một tập thơ, Ở đời như một nhà thơ Đông Phương (1995), trong đó có khá nhiều bài thơ đã in trong tập thơ đầu. Như vậy, Nguyễn Bắc Sơn làm thơ rất ít. Nhưng ấn tượng ông để lại lại khá lớn. Theo lời kể của Võ Phiến, trước năm 1975, cả Doãn Quốc Sỹ lẫn Chu Tử đều khen thơ Nguyễn Bắc Sơn “hay”. Bản thân Võ Phiến, trước năm 1975, trong cuốn Chúng ta qua cách viết (1972), khen bài “Chiến tranh Việt Nam và tôi” là “tuyệt diệu” (trang 228); sau năm 1975, trong cuốn Văn học Miền Nam – Thơ (1999), tiếp tục khen phong cách thơ Nguyễn Bắc Sơn là “độc đáo” (tr. 2927). Ở hải ngoại, năm 2005, đọc lại thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà phê bình Đặng Tiến cũng khen là “hay”, là “tài hoa”, là “thốn tâm thiên cổ”, “tấc lòng lưu vọng ngàn năm”.

Riêng tôi, tôi chỉ đánh giá cao Nguyễn Bắc Sơn ở những bài thơ viết về chiến tranh. Những bài thơ khác của ông, có thể gộp chung vào chủ đề “đời thường”, từ những bài thơ viết cho bạn, cho vợ, cho đứa con mới chào đời hoặc cho chính mình đến những bài thơ bộc lộ những ngẫm nghĩ riêng tư về ý nghĩa cuộc đời, theo tôi, không có gì đặc sắc. Ở những bài thơ ấy, trí tưởng tượng không có gì phong phú; hình tượng không có gì mới lạ; tư tưởng không có gì sắc bén; ngôn ngữ không có gì độc đáo. Nguyễn Bắc Sơn chỉ là nhà thơ có bản lĩnh trong năm, bảy bài thơ viết về chiến tranh mà thôi. Có thể nói, ở miền Nam, trước năm 1975, hiếm có ai viết về chiến tranh mà để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và hay đến thế. Hay ở tâm tình: vừa u uất vừa kiêu bạc. Hay ở giọng điệu: vừa tha thiết lại vừa nghênh ngang bất cần. Hay ở ngôn ngữ: đầy tính chất văn xuôi, lại là thứ văn xuôi bụi bặm ngoài đường sá, nhưng được nâng lên thành thơ, thật thơ. Hay ở ý nghĩa: chúng phản ánh một thứ văn hoá chiến tranh rất đặc biệt ở miền Nam trước năm 1975 vốn khác rất xa thứ văn hoá chiến tranh khát máu ở miền Bắc với những “Hãy giết chúng như thiên thần giết quỷ” (Chế Lan Viên), những “ném lựu đạn cho người vui vật sướng” (Xuân Diệu), những “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ” (Tố Hữu) trong cùng một thời kỳ.

Dưới đây, tôi xin trích mấy bài thơ về chiến tranh tiêu biểu nhất của Nguyễn Bắc Sơn như những nén nhang tưởng niệm ngày ông vĩnh viễn ra đi.

MỘT TIẾNG ĐỒNG HỒ TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG HÀNH QUÂN

Khi tao đi lấy khẩu phần

Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao

Chúng mình nhậu để trừ hao

Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng

Mùa này gió núi mưa bưng

Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan

Mùa này gió bãi mưa ngàn

Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà

Những thằng lính trẻ hào hoa

Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh

Lao mình vào cuộc phân tranh

Tiếc thương xương máu sinh thành được ư.

MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG

Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay

Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.

CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
Ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.

Theo Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
phai  
#3 Đã gửi : 25/08/2015 lúc 05:53:14(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nguyễn Bắc Sơn, gã giang hồ hảo hán

Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.
Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.
(Bỏ xứ - Nguyễn Bắc Sơn)

“Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, những kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương triết đạo thì thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lập mệnh, khi qua đời, tôi xin được mỉm cười” Tự bạch Nguyễn Bắc Sơn (1)

Nguyễn Bắc Sơn, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận, một miền biển nhỏ ở Miền Nam Trung bộ Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã ngang tàng, sống yếm thế, nhiều lần tử tự nhưng không chết, năm 15 tuổi, ông lên nghĩa địa, cắt gân tay, nằm chờ, may có người thấy đã cứu. Sau đó, ít nhất 3 lần nhà thơ nhảy lầu tự tử nhưng thần chết thấy ông chưa tới số nên còn nhẹ tay. Sinh ra và lớn lên trong thời loạn ly, như bao người thanh niên khác Nguyễn Bắc Sơn cũng vào lính, ông là binh nhì, lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

Năm 1972, Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, lập tức được giới văn nghệ và đặc biệt lính chiến Sài Gòn yêu thích vì lối viết phóng túng, giang hồ như các nhân vật du đãng trong tiểu thuyết thời thượng của Duyên Anh ngày đó. Nhưng là loại giang hồ hảo hán không phải loại du côn. Thơ của ông không câu nệ hình thức, với lối viết thoải mái, nghĩ đến đâu viết đến đó, phóng bút rất nhanh bất cứ ở đâu và hào phóng tặng bạn bè.

Một trong những đoạn thơ nổi tiếng mà bất cứ người lính Miền Nam nào cũng thuộc lòng:
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui
(Mật khu Lê Hồng Phong)

Mới nghe chừng mang chất du đãng, nhưng đoạn thơ trên phản ánh nỗi sầu đời, bi phẫn của một thế hệ thanh niên, sống không biết ngày mai, cuộc đời phó thác cho mũi tên đường đạn, đọc thơ ông tôi liên tưởng đến những câu thơ của gã lãng tử Bùi Chí Vinh, một nhà thơ sống sau ông một thập kỷ cũng có lối viết ngang tàng, bất cần đời như vậy:
Bằng sáng tác của mình
Tôi nhổ nước bọt vào những điều lừa mị
Tôi hôn thiết tha người con gái nghèo làm đĩ
Và bạt tai đứa công chúa hợm mình
Tôi cho Lệnh Hồ Xung nói tục với Doanh Doanh
Và Trương Vô Kỵ gọi Triệu Minh bằng ả
Tôi theo phò người giang hồ quân tử
Và tẩy chay đám quyền quý nịnh thần
Tôi sẵn sàng đạp xích lô đến chỗ hẹn với tình nhân
Và mặc quần rách dìu nàng đi ăn phở
(Mở - Bùi Chí Vinh)

Có lẽ cùng một nòi tình nên khi gặp Bùi Chí Vinh, Nguyễn Bắc Sơn không hết lời ca ngợi: “Rằng thơ ta ngông như Tạ Tốn/Câu trước câu sau Đồ Long đao/Vần dưới vần trên Ỷ Thiên kiếm”. (2)

Tôi biết Nguyễn Bắc Sơn hơn mười năm trước, khi tìm tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam. Ngày ấy, tài liệu in trong nước viết về Văn học Miền Nam hầu như không có, nên tôi truy tìm trên mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” trong Tổng tập văn học Miền Nam của Võ Phiến với giọng thơ lạ, nói với kẻ thù như nói với một người bạn, những câu thơ tức khắc thấm vào tôi và tôi đã dẫn chứng trong chuyên luận của mình, nhằm so sánh ý thức về chiến tranh của người lính Cộng hòa Miền Nam và bộ đội Miền Bắc.

Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...
(Chiến tranh Việt Nam và tôi)

“Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chém giết, đều hô hào cổ võ tàn sát một cách trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức của chủ nghĩa cộng sản về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. Đây lại là một bi kịch khác.

Một người lính Cộng hòa nói với một bộ đội miền Bắc, như nói với anh em và quả thật họ là anh em cùng giống “da vàng mũi tẹt” mà ra. Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc chiến tranh, đã có những cuộc gặp kỳ lạ. Năm 1974, trong lúc làm biên tập viên phần văn hóa văn nghệ tờ Quân đội nhân dân, nhà thơ Anh Ngọc ở Hà Nội có tổ chức một trang chuyên đề về nền văn học trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Nhà nghiên cứu Thạch Phương đã mở đầu bài viết của mình bằng những dòng: “Có một thời những người lính Sài Gòn truyền nhau mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui
Cái tên Nguyễn Bắc Sơn đã gợi cho đại tá Anh Ngọc bao nhiêu tò mò, ông thổ lộ: “Với một người lớn lên ở Miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quả là xa lạ, đó là một thế giới mà ông không bao giờ có ngày gặp gỡ và thông cảm được. Ấy thế mà lịch sử xoay chuyển thật nhanh. Sau ngày 18-4-1975 nhà thơ Anh Ngọc, một đại tá trong Quân đội nhân dân, tiếp quản Phan Thiết, trong một buổi mít tinh của giáo chức thị xã, ông giật mình khi nghe anh Vĩnh Giên giới thiệu, anh Nguyễn Bắc Sơn, thi sĩ... sau đó, nhà thơ Anh Ngọc đã đón đầu nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn và trong vòng 5 phút, bằng bản tính nồng nhiệt và sự hào sảng của cả hai, họ đã biến thành bạn tri kỷ của nhau. Nguyễn Bắc Sơn chở Anh Ngọc trên chiếc xe đạp mini của mình về căn nhà nhỏ và tặng bạn tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, Nguyễn Bắc Sơn hóm hỉnh hỏi: Ông có dám mang nó trong ba lô không? Anh Ngọc trả lời: Sao lại không? (3)
Nếu họ gặp nhau vài ngày trước đây, họ là kẻ thù trên hai chiến tuyến, và tôi không bắn anh thì anh bắn tôi, đơn giản như vậy thôi.

Một lần vào Sài Gòn, thăm tòa soạn Quán Văn, chủ biên Nguyên Minh mời gọi tôi viết bài về Nguyễn Bắc Sơn, tạp chí sắp ra chuyên đề này, tôi thích thú, vì đã biết tên ông lâu rồi, thật tiếc, lần đó tôi không có thời gian để viết bài kịp in trong chuyên đề này.

Sau này tham khảo tài liệu, tôi mới biết ngoài những bài viết về chiến tranh với lối viết ngang tàng, ông còn là một hảo hán, sống kiểu giang hồ Lương Sơn Bạt, yêu thích bạn bè:

Vì ta nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Bởi đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi
(Mai sau dù có bao giờ)

Trong Chân dung Nguyễn Bắc Sơn ông tự họa:

...Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc làm thơ theo khí hậu từng mùa

Nguyễn Bắc Sơn thường ví mình là du đãng, theo kiểu như vầy:

Tiếc mày không gặp ta ngày trước
Ta cho mày say quắc cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu
Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưởng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vừng trăng lạnh
Cao hứng cười buông tiếng chửi thề
Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu bay
Đời mình như rượu còn ly cặn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày
(Tha lỗi cho ta)

Và chìm khuất sau những câu thơ ngông nghênh ấy là đau xót không nguôi cho phận người trong chiến tranh:

Mày về thăm ta như chuột lột
Thất thểu chỉ còn xương với cốt
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Thê thảm còn hơn thằng cốt đột
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Chinh chiến sao mày không chết tốt
Dăm đồng rượu trắng vội bày ra
Nhậu để khói sầu lên ngút ngút
...
Ngửi mày một tị xem làm sao
Thân thể mày bay mùi binh đao
Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
(Bài hát khổ nhục)

Với chiến tranh ông bất cần đời, với bạn bè ông hào sảng. Người đời gọi ông là trang hảo hán, có nghĩa khí, với mọi người ông chỉ biết cho đi. Nghe kể có lần con gái mua cho Nguyễn Bắc Sơn chiếc xe đạp mới, khi về ông đi tay không, hỏi ra mới biết ông cho một đứa nhỏ hàng xóm đi học xa mà không có xe đạp. Bạn bè của ông nhiều vô kể, ai cũng quý cái tâm trong sáng của nhà thơ, việc ông hàng ngày ra đường gặp ai cũng vơ hết tiền trong túi cho từ một người quét rác ở công viên, đến người bạn văn chương túng quẫn, một em bé bán vé số... là việc bình thường, mỗi ngày giúp đỡ được ai là lòng ông hạnh phúc. Với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tiền bạc là phù du, ngày ba bữa, vui chơi rong ruổi cùng bạn bè. Ông giúp người cũng theo kiểu của mình. “Cái thằng, con lóc nhóc cả năm đứa. Nghèo rớt mồng tơi. Thuê xích lô trả tiền ngày để đạp, mong kiếm đủ tiền đong gạo. Nó ở sát nhà cũ của tui. Thương mấy đứa nhỏ, tui hay lén lão bà bà xúc gạo cho nó. Bửa đó, tự nhiên nó xuất hiện ở ngõ hẻm nhà tui. Tui thấy, bèn dắt xe đạp về cất. Rồi leo lên xích lô cho nó chở đi lòng vòng suốt đường này qua phố nọ, sau đó trực chỉ quán cà phê”. Thì ra, ông đã giúp người nghèo rất tự nhiên. Và Bảy xích lô đã nhận tiền xe gấp năm gấp bảy lần mà không hề áy náy. (4)

Như một thiền sư, thơ ông đôi lúc đậm chất Lão Trang, Phật:

Nằm ngữa mặt ở bên trời lận đận
Ta và ngươi, hai gã cóc cần đời
Đời mạt pháp, con người mạt hậu
Có một tấm lòng, rồi cũng chỉ rong chơi
...
Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng, gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề! Lạnh thấu thiên thu
...
Em ni cô ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu, say bí tỉ
...
Nhảy tòm xuống suối giỡn trăng khuya
Hát khúc vọng tình, khúc nhớ quê
Quê Nhà xa tít và xa tắp
Non nước cháy hương chẳng chịu về
Bát cơm Hương tích Phật
Thọ dụng suốt đời vẫn thấy dư
Nhưng thiếu tình yêu và tình bạn
Làm sao cho khỏi ngất ngư
(Tháng chạp sầu đời bên núi lạnh)

Nhưng thiếu tình yêu và tình bạn, làm sao cho khỏi ngất ngư, thật vậy, đời ông không thiếu bạn bè, nhưng tình yêu của ông là những cuộc tình khắc khoải, đi qua đời nhau nhưng không dừng lại:

Chiều mù sương vì tình yêu mù sương
...Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ
Nơi hàng cây rụng tiếng tắc kè kêu
Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu
Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ
...Đi ngang qua, đi ngang qua
Đi ngang qua
Đi ngang qua không dừng trong đời nhau...
(Mùa thu đi ngang qua cây phong du)

hay những mối tình thầm lặng của những người lính trẻ trong thời chiến như ông, bạn bè ông, yêu nàng nhưng chỉ dám nhìn nàng từ xa qua khung kính, chỉ để thấy má em ửng hồng, khi trên lưng còn cõng chiếc balo trên đường hành quân. Trong thời chiến tranh “Tình yêu đôi khi là xa xỉ phẩm” nói như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thuở má em hồng
Và ta, kẻ mười năm không áo lạnh
...
Đà Lạt, lạc đà dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba lô
Những hào sĩ đứng bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười thương lớp sóng lô nhô
(Chiêm bao về Đà Lạt)

Ngày trước, có lần nghe bạn tôi ngâm nga

Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si

mà không biết rằng đó là bài thơ “Giai nhân và sách vở” của Nguyễn Bắc Sơn.

Trong lời tự bạch, nhà thơ viết “... còn lòng trần? Tôi vẫn còn, nói như thiền sư Nhất Hạnh trong ‘Giấc mơ Việt Nam’, tôi vẫn còn ‘Giấc mơ Việt Nam’. Đã biết ‘nhân sinh nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh’ mà vẫn sống nồng nàn với ‘Giấc mơ Việt Nam’. Ấy là lòng kẻ làm thơ. Ai cũng vậy thôi...” (5)

Tôi tin rằng, trước khi qua đời “gã giang hồ, hảo hán” này sẽ mỉm cười, như “đứa trẻ nghìn năm trước/ Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta”.

Ban Mai (VOA)
18/8/2015
____________
Tài liệu tham khảo:
(1)(5) Trần Hữu Dũng - Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn- TC Quán Văn số 23 06/2014
(2) Bùi Chí Vinh- Cách nhậu của Nguyễn Bắc Sơn
(3) Anh Ngọc - Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng- TC Quán Văn số 23 06/2014
(4) Nguyễn Thị Liên Tâm - Đồng tiền rong chơi-SĐD
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.362 giây.