Kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, 06/08/2015. REUTERS/Toru Hanai
Về châu Á, báo Le Monde dành hồ sơ dày tám trang với tựa đề : 70 năm Hiroshima, tiếng nói của những kẻ sống sót. Trên trang đầu tiên, có bài phân tích nói về mối đe dọa tiềm tàng của vũ khí hạt nhân. Theo Le Monde, nếu như ngày 14/07 vừa qua, nhóm 5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) đã ký một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, thì tình hình hiện nay không mấy khả quan cho lắm.
Bên cạnh năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, còn có ba nước khác có vũ khí hạt nhân trong tay là Israel, Ấn Độ và Pakistan. Chế độ Bắc Triều Tiên cũng có những chương trình thử nghiệm hạt nhân, lồng vào bối cảnh các nước châu Á đang chạy đua vũ trang, giữa một bên là tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc và một bên là chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản.
Theo Le Monde, vũ khí hạt nhân không chỉ đơn thuần mang tính răn đe, mà còn trở thành một hình thức ''bảo hiểm'' cho sự tồn tại của các chế độ toàn trị. Tờ báo đơn cử hai ví dụ : thứ nhất là trường hợp của Libya. Một số người tin chắc rằng giả sử như Libya duy trì chương trình hạt nhân, thì chưa chắc gì Kadhafi sẽ bị lật đổ. Trường hợp thứ nhì là của Ukraina, nếu như chính quyền Kiev không giải trừ kho vũ khí hạt nhân từ năm 1994, thì liệu nước Nga giờ đây có dám thôn tính sáp nhập vùng Crimée.
Kể từ những năm 1970 (với hiệp ước SALT I & II) cho tới những năm 1990 (hiệp ước START I & II), hai siêu cường Mỹ và Nga đã từ từ ‘‘hạ nhiệt’’, xuống thang bằng cách giảm dần kho vũ khí. Người ta tưởng chừng các mối hiểm nguy đã qua, nào ngờ các mối đe dọa tiềm tàng khác lại xuất hiện trong một thế giới đa cực.
Các mối tranh chấp xung đột gần đây cho thấy là cuộc chạy đua vũ trang giờ đây mang tính chiến thuật. Các nước không còn cần phải tích trữ trong kho các loại vũ khí hạt nhân, mà lại chế tạo những vũ khí có gắn đầu đạn hạt nhân, tinh vi và chính xác hơn, có thể đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Mục tiêu hạn chế tối đa các loại vũ khí hạt nhân, mà ông Obama từng công bố trong bài diễn văn đọc tại Praha vào năm 2009, ngày càng trở nên xa vời. Các chế độ toàn trị dùng thử nghiệm hạt nhân như một món hàng để đổi chác với phương Tây, các nhà độc tài thì xem vũ khí nguyên tử như một ‘‘lá bùa hộ mệnh’’, một kiểu ‘‘bảo hiểm nhân thọ’’.
Theo RFI