Trong tam giác Mỹ - Trung - Nga, người dân Việt Nam đang ‘hội nhập’ ra sao và nhìn về hướng nào?
Một khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu PEW (Mỹ) đã cho kết quả đáng ngạc nhiên: Về mức độ ủng hộ đối với Tổng thống Putin, người dân Việt Nam vẫn đứng đầu trong danh sách, với 70% số người có quan điểm ủng hộ, chỉ thấp hơn so với mức 88% của chính người dân Nga.
Có ít nhất một lý do giải thích cho luồng tâm lý trên: chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nửa đầu thế kỷ XX từ Liên Xô, cho đến nay vẫn còn khá nhiều người VN, đa phần sống ở miền Bắc, dành mối thiện cảm cho Putin mà không mấy lưu tâm đến tư tưởng và chuỗi hành vi mang tính độc đoán, độc tài của tổng thống hậu xô viết này. Cùng lúc, hệ thống truyền thông một chiều của báo đảng cũng vẫn duy trì hình ảnh của Putin như một nhà lãnh đạo hầu như không có khuyết nhược, bất chấp thực tế Nga đã không có bất cứ hành động nào để giúp VN đối phó với Trung Quốc.
Nhưng hoàn toàn ngược lại với tâm lý ủng hộ Putin, Việt Nam cùng Nhật Bản là hai nước nổi bật trong cuộc khảo sát của Pew vào giữa năm 2015 có quan điểm rất tiêu cực về Trung Quốc, với tỉ lệ lần lượt là 89% và 74%.
Gần ba phần tư người Việt Nam cho rằng cứng rắn với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ quan trọng hơn là có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với nước này (17%). Đây chính là lý do quan trọng giải thích vì sao tới 71% người Việt Nam hoan nghênh Mỹ tập trung nguồn lực quân sự trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Ở đỉnh còn lại trong tam giác Mỹ - Trung - Nga, hiện tượng tâm lý mới mẻ và nổi trội là có tới 78% người Việt Nam được khảo sát vào năm 2015 cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, tăng hai điểm phần trăm so với năm 2014, trong khi chỉ có 13% nói điều ngược lại. Quan điểm này tương đồng với đa số những nước mà Pew khảo sát, cho thấy Mỹ được quốc tế nhìn nhận với thái độ phần lớn là tích cực, 69%.
Đại bộ phận giới trẻ Việt Nam có thiện cảm với Mỹ với 88% những người trong độ tuổi từ 18-29 cho biết như vậy. Với nhóm tuổi 30-49 thì tỉ lệ này là 77% và 64% cho thế hệ từ 50 tuổi trở lên.
Hiện tượng tâm lý đáng chú ý không kém là phần đông người Việt Nam cho rằng Mỹ là nước tôn trọng những quyền tự do cá nhân (79%), bày tỏ sự tin tưởng cao đối với Tổng thống Barack Obama về những vấn đề quốc tế (71%), và ủng hộ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo (55%).
Hầu như rõ ràng, năm 2015 đang chứng kiến sự dịch chuyển không chỉ về nhận thức mà cả sang hành động của không chỉ người dân mà còn giới lãnh đạo VN trong xu hướng ‘giãn Trung, gần Mỹ’.
Chủ thuyết và tư thế ‘đu dây’ của Hà Nội đang dần đi vào ngõ cụt, thậm chí có thể hoàn toàn phá sản trong những năm tới - khi Bắc Kinh có thể quyết định tấn công trực diện Việt Nam.
SBTN