Với những căm phẫn không được lắng nghe của toàn dân về tượng Boác, nên vẫn thi nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa, bài thơ này quả thật hèn mọn, nhỏ nhoi quá. Và chẳng thể nào gói ghém đủ.
Bài thơ đã xẹt ngang trong tôi cách đây mấy hôm, đi cùng những bức xúc của đồng bào ta từ trong đến ngoài, cư dân mạng, Facebook… Để rồi bây giờ, chừng như khi mọi người có vẻ lắng xuống, nghe ngóng Thủ Tướng ra chiêu “tạm ngưng” (không có nghĩa là ngưng) tôi bỗng cảm thấy cần hâm nóng lại trong tận cùng của những buồn rầu: “Sao sự kiện gì, công chuyện gì của đất nước, chúng ta cũng chỉ “dám” sôi sục chừng năm bảy hôm, rồi thỏ đế vẫn hoàn thỏ đế, và mọi người lại trở về với thủ-thuật-sống của câm lặng, của im lặng là vàng?”
Không trách chúng ta đã bỏ qua quá nhiều cơ hội, và không đủ can đảm để bùng vỡ những vết thương phẫn nộ.
Những tên chóp bu CS đã quá nhuyễn chiêu thuật công cụ, mỵ dân khi cần bằng chính tiền thuế của dân, bất chấp mọi thứ nợ… “kinh tế”, để cố đạt những mục đích tuyên truyền chính trị.
Ướp xác, xây lăng bảo vệ lăng và đền đài, đúc tượng dựng tượng như một hình thái của thứ loa ca tụng điệp khúc, với những tạp âm lập đi lập lại, xây đi xây lại một sự cảnh báo, không được vô ơn với công lao của những lãnh tụ “đỉnh cao” (chẳng hạn “Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch vĩ đại…”)
Nhớ ơn Boác là để tôn vinh tư tưởng của Boác, và như thế bắt nhân dân phải liên tưởng đến thứ chỉ đạo, cương lĩnh của Đảng CSVN, nhất là chính họ cũng là những đương kim “chủ nhân ông”, đội lốt đầy tớ (mẫn cảm) của nhân dân.
Thật ra bài thơ này tôi viết như một chia sẻ, thương cảm với những đồng bào thấp cổ bé miệng ở Sơn La, ở một nơi mà sự nghèo đói đứng vào cuối hạng thứ ba của đất nước. Một đất nước mà dường như các nhà lãnh đạo điều hành chỉ giỏi cúi đầu xin xỏ chạy lẹt đẹt, và không có nỗ lực cũng như tiềm năng muốn phát triển và vươn lên cùng năm châu.
Đặc biệt tôi muốn gởi gấm bài thơ này cho một khuôn mặt rất trẻ mới xuất hiện: Facebooker Lê Nam.
Đúng như em nói: “Là tuổi trẻ, chúng ta phải có chính kiến và hành động về những vấn đề của đất nước… Các bạn ơi, đừng sợ.”
Là một người viết, tôi cũng muốn có những dòng thơ cảm xúc, không ơ hờ dửng dưng với những gì đang xảy ra cho dân tộc, quê hương, đất nước.
Ước gì tất cả những bạn đọc có tâm hồn Thơ, xin hãy tiếp nối những vần thơ dấn thân này. Để không hẹn mà chúng ta cũng sẽ “Gặp Nhau Trên Những Con Đường” như một ý thơ của Vũ Đông Hà.
Sau đây là bài thơ mà tôi muốn trao gởi:
Boác chết không mồ, chấm dứt làm giàu muôn trượng cái xác khô!
Bao lâu rồi trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với trẻ thơ
Trẻ thơ nơi đâu không đến lớp mỗi ngày
Lớn lên như cỏ trên rừng không ước mơ
Ngắm pháo bông dân nghèo không ăn phải no
Ngắm tượng Boác càng “được” tộng thêm bánh vẽ
Nghìn tỉ đô phen này một lũ mặt mo
Đi buôn tượng buôn đền linh hồn bán rẻ
Bao năm rồi lẳng lặng coi chúng nó hề
Học tập gương Boác rao bán đạo đức chê
Xứ sở sùng bái cá nhân vuốt ve hình tượng
Thặng dư khẩu hiệu, bầy Ích Tắc tự cắn vết thương
Chúng ta một lũ chim lạc loài khóc chiều xuống
Mở từng trang đời thấy lịch sử chạy quanh
Bao tượng đài hình hài đội mồ luống cuống
Hoang phí đã đành, đất nước hệt món hàng phá hoại
Nhìn quanh toàn một lũ cây trọc đầu bất toại
Tương lai bất định như những đám mây trôi
Thêm 58 tượng Boác, nỗi lăng nhục càng quỷ quái
Tạm ngưng hay đình chỉ luôn thứ lãnh đạo… tồi?!
11/08/2015
Nguyễn Thị Thanh Bình