Toàn cảnh khu vực số 1 với đội quân đất nung của vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng tại Bảo tàng Tây An, Trung Quốc. Wikipedia
Trong giấc mơ trở thành bá chủ thế giới, chính quyền Trung Quốc ngày nay thổi bùng tinh thần dân tộc thông qua việc dung hòa với những tôn giáo truyền thống và đề cao quá khứ hào hùng trải qua nhiều triều đại phong kiến.
Đi tìm tín ngưỡng cầu may Thành phố Tây An (Xian ), tỉnh Thiểm Tây và ngọn núi Hoa Sơn (Hua Shan), thuộc dãy Ngũ Nhạc Danh Sơn thiêng liêng, được nối với nhau bằng con đường 312. Đây là chủ đề phóng sự đặc biệt (ngày 30/07/2015) trong loạt bài “Mùa hè Le Figaro”.
Trải qua nhiều triều đại, Hoa Sơn là cái nôi của đạo Lão. Thế nhưng, những ẩn sĩ đạo Lão cuối cùng đang buộc phải rời ngọn núi trong vài thập niên gần đây, để nhường chỗ cho một vùng công nghiệp rộng lớn. Không bận tâm tới việc cảnh quan bị phá vỡ, các nhà máy công nghiệp, các khu chế biến trở thành biểu tượng cho tốc độ tăng trưởng thần kỳ mà Trung Quốc đang thực hiện bằng mọi giá từ nhiều thập niên trở lại đây.
Phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIII, dưới thời nhà Nguyên (Yuan), đạo Lão bị cấm triệt để trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa (1966-1976), trước khi trở lại hưng thịnh từ khoảng 20 năm nay. Một người lái xe khách nhận xét : “Đỉnh Hoa Sơn là nơi thiêng liêng gắn liền với sự may mắn. Nên gần đây các vị đạo sĩ bỗng bị "quá tải" vì hàng đoàn du khách từ khắp nơi đổ về. Vì tại Trung Quốc ngày nay, cứ liên quan tới tiền bạc là mọi người đều trở nên mê tín”. Thực vậy, trong một xã hội nơi tiền là vua sau nhiều năm bị cấm kị, thì nhu cầu tâm linh ngày càng cấp thiết hơn. Hơn nữa, tôn giáo lấp đầy khoảng trống hệ tư tưởng mà chủ nghĩa Cộng sản gây ra.
Một giáo sư về hưu chuyên về tôn giáo, trước làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học-Xã hội, nhận xét : “Đạo Lão ca ngợi sự hài hòa và ổn định xã hội. Đây là những giá trị mà Đảng Cộng sản đang đề cao. Nhưng Lão giáo phát triển chậm hơn nhiều so với Thiên Chúa giáo, do tập trung vào “hoàn thiện bản thân” hơn là truyền bá”.
Chính vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy dân Trung Quốc trở về với những tôn giáo truyền thống, như Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo, hơn là Thiên Chúa giáo. Tôn giáo ngoại bang này bị xem là công cụ truyền bá những giá trị Tây phương mà đảng Cộng sản cho đó là “căn bệnh của nền dân chủ”.
Trung Hoa và hình mẫu chuyên chế Tần Thủy Hoàng Nằm cách ngọn núi Hoa Sơn hơn 130 km, Tây An từng là một trong bốn kinh đô trong lịch sử Trung Hoa và là kinh đô của 13 triều đại, gồm nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán và nhà Đường. Cố đô Tây An cũng là điểm kết thúc phía đông của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Tây An còn nổi tiếng với đội quân đất nung của vị hoàng đế đầu tiên, Tần Thủy Hoàng, cũng như ngôi mộ của ông, người đã có công thống nhất Trung Hoa vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Được ba người nông dân đào giếng tình cờ phát hiện vào tháng 03/1974, quần thể di tích gồm hàng chục nghìn bức tượng, được làm từ đất nung với những khuôn mặt đại diện từng dân tộc của vương quốc. Chúng được chôn theo vị Hoàng đế Tần Thủy Hoàng để phục vụ Ngài ở thế giới bên kia.
Hình ảnh một Tần Thủy Hoàng hà khắc và độc đoán, một bạo chúa tàn bạo và khát máu, hay một Tần Thủy Hoàng đốt sách, diệt trừ giới trí thức đối lập, không được phản ánh trong khu quần thể di tích. Trái lại, nổi bật suốt chuyến thăm quan là chính sách thống nhất Trung Quốc của vị Hoàng đế : từ các quy định về tiêu chuẩn đơn vị đo lường-đong đếm, tới tiền tệ và chữ viết. Ở đây, Tần Thủy Hoàng được ca ngợi là một vị hoàng đế đã thực hiện những công trình vĩ đại chưa từng có, mà bằng chứng là bức Vạn Lý Trường Thành đầu tiên được kết nối từ những đoạn tường thành đã có trước đó.
Kể từ ngày được phát hiện, khu di tích này trở thành địa điểm hành hương gần như bắt buộc của mọi thế hệ học sinh Trung Quốc. Và đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng phục danh cho vị hoàng đế luôn bị chỉ trích trong quá khứ. Miệng lưỡi thiên hạ “đồn” rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có cùng tham vọng độc tài.
Một du khách Trung Quốc nhận xét : “Hoàng đế đầu tiên của chúng tôi bắt đốt sách và các nhà nho. Đó chính là mô hình của Mao Trạch Đông (trong thời kỳ Cách mạng Văn Hóa, 1966-1976). Ngày nay, ông hoàng Tập Cận Bình vẫn còn tốt hơn nhiều : Ông chỉ bỏ tù những người chống đối và kiểm duyệt mạng internet”.
Một nhà sử học thuộc Đại học Đông Bắc Tây An, kể lại : “Dưới thời nhà Hán và Đường, Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Còn Tây An là thành phố lớn nhất thế giới với một triệu dân và là trung tâm chính trị và văn hoá. Đây là một thành phố quốc tế, có quy mô lớn hơn nhiều so với Bắc Kinh hiện nay. Tây An cởi mở, nên người nước ngoài còn có thể trở thành công chức, hàng hoá và ý tưởng đều giao thoa tại đây. Hai nghìn người nước ngoài sinh sống tại cố đô trong thời kỳ này, gồm cả thương lái, nhà ngoại giao và trí thức”.
Nước Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình mơ tìm lại vị thế này. Quá trình phục hưng đang đi đúng hướng và Tây An đang giữ vị trí trọng tâm của nhiều dự án. Là ngã tư của mọi trục đường, thành phố còn được mệnh danh là “mắt trời” của Trung Quốc, vì nhiều trung tâm kiểm soát vệ tinh đã được xây dựng tại đây. Tây An còn là thành phố quan trọng phục vụ cho các dự án nghiên cứu và phát triển, kể cả lĩnh vực không gian. Máy bay vận tải Trung Quốc, niềm tự hào của đất nước, cũng được xuất xưởng từ những nhà máy lắp ráp tại đây.
Từ huyền thoại “Con đường tơ lụa” cũ, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đẩy nhanh thực hiện “Con đường tơ lụa” hiện đại của thế kỷ XXI. Đây là dự án chủ đạo của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc để khôi phục thời kỳ huy hoàng của đế chế. Nhà sử học trên nhận xét : “Đây mới chỉ là điểm xuất phát trong việc thiết lập mối quan hệ vững chắc với toàn thế giới. Nhưng để tìm lại được vị thế thời kỳ vàng son trước đây của Tây An, Trung Quốc cần phải mở cửa hơn nữa. Chặng đường còn rất dài”.
Di Hoà Viên : Khơi dậy chủ nghĩa dân tộc từ tàn dư cướp pháChỉ cách Bắc Kinh khoảng 15 km về hướng tây bắc, Di Hoà Viên (hay cung điện mùa hè) là một địa điểm du lịch nổi tiếng với lượng khách tham quan hàng ngày có thể lên tới 100.000 người. Báo Le Monde (ngày 01/08/2015) cho biết dưới triều đại nhà Thanh, đây là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của các vị hoàng đế. Quần thể có nhiều công trình độc đáo theo phong cách phương Tây, trái ngược với sự nghiêm trang trong Tử Cấm Thành, nơi hoàng đế sống vào mùa đông.
Cho tới đầu thế kỷ XX, khoảng 200 đền đài theo kiểu Trung Hoa còn chứa đầy những đồ vật có giá trị, những bức tranh vẽ, tuyệt tác thư pháp và đồ gốm sứ quý hiếm. Thế nhưng, từ vẻ lộng lẫy và phóng khoáng của Di Hòa Viên vào cuối thế kỷ XIX, hiện giờ gần như không còn gì sau hai lần bị người phương Tây cướp phá : lần thứ nhất trong cuộc chiến tranh Nha phiến (với người Anh và Pháp) vào năm 1860 và lần thứ hai, trong trận loạn Quyền Phỉ (Boxer Rebellion, liên minh tám nước Áo-Hungari, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Anh và Mỹ) vào năm 1900.
Chính từ nỗi nhục lịch sử này mà Di Hòa Viên trở thành một địa điểm du lịch được ưa chuộng. Giá trị của cung điện nằm ở những hố trũng với một tấm biển chỉ dẫn nơi đây từng là một ngôi chùa hay một cung điện, hay một cây cầu theo kiểu Trung Hoa đã bị phá huỷ. Chỉ còn lại dấu vết tại khu vực đền điện phương Tây, nằm trong quần thể, là còn đứng vững vì được xây từ vật liệu cứng, trong khi những công trình của người Trung Quốc được dựng bằng gỗ.
Chỉ tới những năm 1990, Di Hoà Viên mới được mở cửa đón khách tham quan. Ngày nay, trong tâm thức người Trung Quốc, Di Hoà Viên là tượng trưng cho “cột mốc số không” văn hoá. Một giáo viên tiểu học tại tỉnh Quý Châu (Guizhou), tới thăm Bắc Kinh lần thứ hai, cho biết : “Ngay từ nhỏ, ở trường tiểu học, người ta dạy cho học sinh biết Di Hoà Viên đã bị cướp bóc và tàn phá như thế nào. Tất cả người dân Trung Quốc thuộc lòng điều này!”
Hàng trăm nghìn đồ vật quý hiếm, thường là vật duy nhất, cướp được tại cung điện mùa hè, đã bị đưa sang phương Tây và được trưng bầy tại các bảo tàng nổi tiếng, giúp thế giới hiểu được lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Thế nhưng, ý tưởng trả lại cho Bắc Kinh những đồ vật bị đánh cắp tại Di Hoà Viên luôn thu hút công luận Trung Quốc và trở thành một vấn đề thời sự đặc biệt, kể từ khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy vào những năm 2000.
Theo RFI