Ông Nguyễn Sinh Hùng tại sân bay Kennedy
Trùng với thời điểm chuyến khởi hành xuất cảnh sang Mỹ của chủ tịch quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng vào buổi tối ngày 29/8 (giờ VN), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phát đi một bài viết đặc biệt: 'Quyền con người - Từ Tuyên ngôn độc lập đến Hiến pháp 2013', với kết luận 'Với việc tích cực triển khai xây dựng và ban hành các văn bản Luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người đã cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người', đồng thời đề cao vai trò cá nhân của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong việc cải cách luật.
Nhưng trong khi say sưa liệt kê công trạng của Quốc hội, bài viết trên VOV hoàn toàn không đả động đến hậu quả rất nhiều ý tưởng luật được hiến định từ Hiến pháp 1992, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ chính trị và Quốc hội VN cho thoát thai, như Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật tiếp cận thông tin... Thậm chí Hiến pháp năm 2013 còn đi ngược lại đòi hỏi hết sức chính đáng của tuyệt đại đa số nông dân và người dân, khi thẳng tay phủ nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, tiếp tục xúc tác mạnh mẽ cho công cuộc áp bức giành đất và cướp đất của các nhóm lợi ích ở các địa phương, tạo ra tầng lớp hàng triệu dân oan mất đất ở VN.
Ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Sinh Hùng, tại VN đã xảy ra hàng loạt vụ côn đồ được bảo kê bởi công an địa phương tấn công và đánh đập dã man những người dân đi thăm tù nhân lương tâm. VN cũng 'luôn quan tâm và bảo vệ quyền con người' khi đưa ra bằng chứng sống động không thả bất cứ tù chính trị nào trong dịp đặc xá 2/9, cho dù số phạm nhân được đặc xá lần này lên đến hơn 18,000 người.
Dự luật hình sự (sửa đổi) mới được công bố đã cho thấy toàn bộ các điều khoản bị cộng đồng quốc tế lên án là mơ hồ và thường xuyên bị công an lạm dụng, lợi dụng như 79 (lật đổ chính quyền), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ)… đã chỉ được hoán đổi vị trí và đánh số lại mà hầu như không có bất kỳ thay đổi hoặc lược bỏ nào về nội dung.
Hai dự luật khác do Quốc hội VN đưa ra ‘lấy ý kiến rộng rãi’ cũng đang gây tai tiếng đáng kể là dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo và dự luật về hội, với quá nhiều quy định ‘xin - cho’ mà do đó đã bị cộng đồng dân chủ trong nước tố cáo là những dự luật này được sinh ra chỉ để đối phó với sức ép của quốc tế, nhưng về thực chất nhằm cản trở chứ không phải mở ra dân chủ.
Lần này, ông Nguyễn Sinh Hùng đến New York để ‘tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới (WCSP) lần thứ 4 và thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Ngài Saber Chaudhury, Chủ tịch Thường trực danh dự Thượng viện Hoa Kỳ, Ngài Patrick Leahy, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Ngài John Boehner và Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ John McCain'.
SBTN