Di dân chờ đợi trước cơ quan y tế xã hội ở Berlin, Đức, 03/09/2015. REUTERS/Hannibal Hanschke
Hàng loạt vụ tấn công di dân tại miền Đông Đức cũ do nhiều nhóm cực hữu tiến hành trong những tuần gần đây làm dấy lên tranh luận về nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũ. Khu vực này bị cho là « kỳ thị chủng tộc » hơn phần còn lại của đất nước về những khác biệt lịch sử và kinh tế xã hội.
Từ vài tháng gần đây, nước Đức phải đối mặt với làn sóng người nhập cư chưa từng có trong lịch sử và số lượng người xin tị nạn. Năm 2015, Đức dự tính sẽ tiếp nhận 800.000 đơn.
Tuy nhiên, song song với hành động của chính phủ là hàng loạt các vụ tấn công phản đối (từ đốt phá, đe dọa tới đánh người…), đặc biệt là tại miền Đông Đức gồm các bang (Brandebourg, Mecklembourg, Saxe-Anhalt, Saxe và Thuringe) từng thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, trước khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Rất nhiều chính trị gia kịch liệt lên án những hành động trên. Một số người thậm chí còn cáo buộc một nước Đức cựu cộng sản còn kỳ thị chủng tộc hơn là phần còn lại của đất nước. Trước các hành động kỳ thị trên, Chủ tịch Đảng cực tả Die Linke de Thuringe nhấn mạnh rằng người nhập cư « là một vấn đề chung liên quan tới toàn nước Đức và người dân Đức phải cùng nhau giải quyết ».
Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt Roger Lewentz, Bộ trưởng Nội vụ Đức nhận xét rằng « sống chung với những người nhập cư là cả một quá trình học tập, vì trong vòng vài thập kỷ, dưới chế độ khép kín của CHDC Đức, người dân không biết tới các nền văn hóa khác ».
Ngày 31/08 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng là người xuất thân từ Đông Đức cũ, nhấn mạnh rằng bà không muốn biến sự bất đồng về người nhập cư thành cuộc xung đột Đông-Tây.
Đông Đức kỳ thị chủng tộcTrên thực tế, theo tuần báo Der Spiegel, năm 2014, 47% các vụ bạo lực kì thị chủng tộc xảy ra tại vùng Đông Đức cũ. Trong khi đó, năm bang tại khu vực này chỉ tiếp nhận khoảng 16% số lượng người nhập cư và con số này chỉ chiếm 17% dân số của vùng.
Ổ bạo lực chính là ở bang Saxe. Tại đây đã xảy ra 42 vụ bạo lực chống người nhập cư trên tổng số 202 vụ được ghi nhận trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ tháng 01-06/2015. Cũng tại bang này, vào tháng 08 vừa qua đã diễn ra nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát và các phần tử cực hữu.
Thủ phủ của vùng này cũng là cái nôi của phong trào chống Hồi giáo và chống người nhập cư được thành lập từ mùa thu năm ngoái. Phong trào này đạt tới đỉnh điểm vào tháng 01/2015 khi huy động được 25.000 người biểu tình sau vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris.
Vào đầu những năm 1990, ít lâu sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức đang gặp khó khăn về kinh tế cũng đã phải đối mặt với làn sóng nhập cư từ Nam Tư cũ.
Một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp nhắc lại, trong thời kỳ này, đã xảy ra một đợt tấn công nhằm vào các gia đình nhập cư, chủ yếu tại Đông Đức, mà cụ thể là những thành phần cực đoan đã nhắm vào một tòa nhà nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống tại Rostock.
Sau đó, « nhiều đảng quốc xã nhỏ » lần lượt được thành lập tại bang Saxe, như đảng NPD hay Der III Weg (Con đường thứ ba).
Nhà chính trị học Hajo Funke, giảng viên tại Đại học Freie Berlin, nhận xét rằng 70 năm sau khi Đệ tam Đế chế sụp đổ, hệ tư tưởng cực hữu vẫn còn tồn tại tại Đức, mà nguyên nhân là do những biến động mà CHDC Đức cũ phải hứng chịu trong những năm 1990. Ông giải thích thêm nguyên nhân là do một thế hệ cha mẹ khó khăn về kinh tế, trong khi đó con cái họ bị mất định hướng. Vì vậy, họ trở nên tức giận và thất vọng.
Còn ngày nay, tỉ lệ thất nghiệp tại các bang miền Đông Đức lên tới 9,2%, trong khi mức trung bình của cả nước là 6,4%.
Nổi tiếng vì gây ra nhiều vụ giết người kinh hoàng nhất tại Đức từ sau thế chiến vì kỳ thị chủng tộc, nhóm Tân Quốc xã cực hữu NSU cũng có nguồn gốc từ Thuringe. Kẻ cuối cùng của bộ ba trong nhóm, nữ sát thủ Beate Zschape, 40 tuổi, hiện đang bị xét xử tại Munchen vì đã tham gia vào hàng chục vụ giết người.
Theo RFI