Bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sieng được dựng lên tại vị trí nhà tù S21. Paula Bronstein/ Getty Images
Hôm nay, 07/09/2015, trong phiên xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống, tại tòa án Phnom Penh, lần đầu tiên vấn đề diệt chủng người Chàm ( hay còn gọi là Chăm ), sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi, được nêu lên.
Đây là phiên toà xử về nạn diệt chủng người Việt và người Chàm, về các vụ cưỡng ép hôn nhân, hãm hiếp, cũng như những tội ác trong các nhà tù và các trại lao động cải tạo, trong đó có nhà tù khét tiếng S-21 ở Phnom Penh.
Là người Chàm đầu tiên ra làm chứng trước tòa án do Liên hiệp quốc bảo trợ, ông It Sen, năm nay 63 tuổi, kể lại rằng : Nếu cai tù Khmer Đỏ nghe chúng tôi nói tiếng Chàm là chúng tôi sẽ bị đưa đi giết. Ông It Sen có bốn người trong gia đình bị giết hại, trong đó có người vợ và một đứa con. Ông đã trốn trại được, nhưng kể lại là đã thấy hàng chục người Chàm bị dìm xuống sông cho chết. Ông cũng nhớ lại là vào thời đó, Khmer Đỏ tịch thu những cuốn kinh Coran đem đi đốt, còn những người Hồi giáo nào hành đạo đều bị bắt.
Không chỉ bị bắt bớ, giết hại, người Chàm còn bị làm nhục. Ông It Sen kể : « Toàn bộ người Chàm đều bị buộc phải ăn thịt heo. Một số người chịu không nổi đã nôn mửa ».
Theo các số liệu thống kê, khoảng 20 ngàn người Việt và từ 100 ngàn đến 500 ngàn người Chàm ( trên tổng số 700 ngàn ) đã bị chế độ Pol Pot giết hại trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1979.
Lý thuyết gia của chế độ Khmer Đỏ Nuon Chea, 89 tuổi, và chủ tịch Nhà nước "Kampuchea Dân chủ" Khieu Samphan, 84 tuổi, đã ra tòa từ năm 2001 vì trách nhiệm của họ trong những tội ác mà chế độ này gây ra. Đây là phiên tòa đầu tiên tập trung vào các vụ cưỡng bức dưới thời chế độ Pol Pot. Hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan đã bị kết án tù chung thân trong phiên xử đầu tiên này.
Còn phiên tòa thứ hai, bắt đầu từ năm 2014, xét xử những cáo buộc diệt chủng đối với người Việt và người Chàm, chứ không xử về những vụ sát hại hàng loạt người dân Cam Bốt. Liên hiệp quốc không xem hành động này là diệt chủng.
Tổng cộng có đến 2 triệu người, tức một phần tư dân số Cam Bốt, đã bỏ mạng dưới thời Khmer Đỏ, do kiệt sức, bệnh tật, đói khát, tra tấn hoặc bị hành quyết.
Theo RFI