Sáng 22 tháng 3 năm 2013 công an lại hẹn đến.
Dù biết là chỉ mình tôi phải làm việc với công an nhưng không hiểu sao vợ tôi hủy buổi gặp mặt nhóm cựu sinh viên khoa Văn; con trai tôi bố trí làm việc ở nhà chứ chưa lên văn phòng Công ty; anh cu Pi – cháu nội non hai tháng tuổi của tôi – vốn ngủ khì rất muộn bỗng thao thức, ọ ẹ.
Hôm nay “hội thảo” ba vấn đề.
MỘT –
- Hôm trước bác bảo nếu có công văn đóng dấu đỏ của cấp có thẩm quyền gửi bác thì bác mới xét lại chủ trương thành lập “Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Việt Nam”; cấp trên bảo bác phải có thư xin thì mới có công văn trả lời.
- Tôi có xin mở công ty quốc doanh hoặc xin được làm quan chức đâu.
- Thành thật khuyên bác đừng làm, lôi thôi lắm.
- Vâng, để tôi đắn đo giữa lương tâm với sự hèn yếu của tuổi già
- Mà bác thấy đấy, những người mà bác gọi là tù nhân lương tâm có khổ sở hơn những tù nhân khác đâu, sao bác không quan tâm tới những người khác?
- Tù nhân lương tâm là những người vì lương tâm mà bị tù. Tôi chỉ quen biết những người này. Nghe họ đến kể về những ngày tù tội tôi không cầm được nước mắt. Khi ở trong tù tôi được ăn ở sướng hơn hẳn họ mà tôi đã tuyệt thực đến 12 ngày, còn định đập đầu vào tường tự tử …
Những người như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân …. nếu không bị tù thì bây giờ họ làm cho công ty hoặc cơ quan nước ngoài lương tháng ít nhất nghìn đô, Nguyễn Vũ Bình không làm cho Tạp chí Cộng sản thì làm báo khác cũng mươi triệu là ít …. Vậy mà bây giờ họ thất cơ lỡ vận, trong khi cùng trang lứa con ông cháu cha thì trở thành đại gia ném tiền qua cửa sổ …
- Dẫu sao bác cũng không nên làm đâu bác ạ!
HAI –
- Hình như hôm nay bác vẫn triệu tập họp Câu lạc bộ của bác ở đây?
- Câu lạc bộ gì đâu. Mọi người thỉnh thoảng ghé thăm tôi. Tôi rất quý bạn bè, rất thích giao tiếp nhưng lại phải tiết kiệm thời gian. Từ trẻ tôi đã biết năng suất tư duy của mình không cao nên phải lấy cần cù bù khả năng. Bây giờ thời gian Trời Phật dành cho tôi càng không còn bao nhiêu nữa. Suốt từ bẩy tuổi đến nay tôi duy trì thể dục hầu như thường xuyên. Sau khi nghỉ hưu tôi nâng số buổi thể dục lên hai lần một ngày nhưng phải bố trí thể dục đúng lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều để có thể vừa tập thể dục vừa nghe thời sự qua chiếc radio xách tay. Tôi hẹn nhiều người cùng đến chỉ để đỡ phải tiếp rải rác. Tuổi chúng tôi bây giờ thì còn âm mưu gì được, ý đồ gì được, tổ chức gì được.
- Các bác đến thăm nhau vài ba người thì được. Tụ tập đông người ở đâu chứ ở nhà bác là điểm rất nhạy cảm thì không được đâu bác ạ.
BA –
- Bác đã hoàn thành cuốn “Đêm dày lấp lánh” chưa bác nhi?
- Tôi vừa edite xong
- Sách có dày không bác?
- Khoảng gần một nghỉn trang
- Bác nói về vấn đề gỉ?
- Về những nhân vật đã có đóng góp tích cực cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong lịch sử như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh …. cho đến đương đại.
- Bác định đưa nhà xuất bản nào?
- Chắc bây giờ chưa nhà xuất bản nào trong nước dám nhận nhưng hy vọng đứa con tinh thần ấy của tôi sẽ được tung tăng trên giải đất hình chữ S này trong tương lai gần.
- Bác đã có lời tựa chưa và có thể cho xem được không?
- Được ạ
- Dẫu thế nào đi nữa, khi chưa được phép xuất bản thì bác đừng cho lưu hành trong nước nhé.
- Lúc ấy chưa kịp đem trình nhưng xin chép Lời tựa cuốn “Đêm dày lấp lánh” ra đây để cùng xem xét xem có nên cấm không:
“Lịch sử Việt Nam thường được trình bầy bằng chuỗi các sự kiện qua từng thời kỳ, đại thể như:
Thế kỷ thứ 7 trước công nguyên Hùng Vương lập nước Văn Lang. Năm thế kỷ sau, từ ngày Mỵ Châu dâng thành Cổ Loa, nước ta chìm vào vòng Bắc thuộc suốt một nghìn năm, cho đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng ….
Dưới triều phong kiến, lịch sử lần giở các trang: Đinh, Lê, Lý, Trần … với các chiến công lừng lẫy: Lý Thường Kiệt chặn đứng 30 vạn quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt; quan quân nhà Trần ba lần đánh thắng Nguyên Mông; Quang Trung đại phá quân Thanh ……
Tạc sâu vào tâm trí học trò nếu không phải là những trận chiến chống ngoại xâm cam go thì cũng là chuyện thóan đoạt vương triều: Thái sư Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, diệt Lý lập Trần …; chuyện nội chiến: Trịnh Nguyễn phân tranh ….
Trong khi đó những cải cách xã hội qua từng triều đại, kể cả cuộc cải cách toàn diện đầu tiên trong lịch sử của Hồ Quý Ly với các chủ trương hạn điền, hạn nô … nhằm xóa bỏ đặc quyền và thế lực của tầng lớp quý tộc mở đường chấn hưng đất nước cũng rất mờ nhạt trong ký ức học trò.
Hết thời phong kiến, từ ngày ĐCSVN nắm quyền lãnh đạo thì học trò được dạy và người dân Việt Nam chủ yếu cũng chỉ được ghi tạc những chiến tích vang dội: Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng 30 tháng 4 …
Người ta cứ chê học sinh Việt Nam bây giờ rất dốt về sử, trong khi đầu óc các em bị nhồi nhét ngổn ngang không biết bao nhiêu địa danh chiến trận: xưa là Ải Chi Lăng, Gò Đống Đa …, nay là Nà Ngần, Đông Khê, Vạn Tường, Đồng Xoài …; không biết bao nhiêu anh hùng, tướng sỹ: xưa là Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn…, nay, không chỉ Võ Nguyên Giáp mà phải nhớ cả Phan Đình Giót, Lê Văn Tám, Nguyễn Chí Thanh …
Sao lịch sử Việt Nam chủ yếu lại chỉ là lịch sử của mấy ông vua (ngày xưa), mấy lãnh tụ (ngày nay) và mấy ông tướng cùng với các trận đánh ?!
Hầu như không lịch sử nước nào lại chất chứa nặng nề toàn những tên tuổi vua quan, tướng tá như lịch sử nước ta.
Được biết, cuốn “Khái quát lịch sử Hoa Kỳ” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quảng bá gồm những chương mục như sau:
Chương 1: Nước Mỹ thời lập quốc, Chương 2: Thời kỳ thuộc địa, Chương 3: Chặng đường giành độc lập, Chương 4: Xây dựng một chính phủ quốc gia, Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng, Chương 6: Xung đột địa phương, Chương 7: Nội chiến và công cuộc tái thiết, Chương 8: Tăng trưởng và cải cách, Chương 9: Bất mãn và cải cách, Chương 10: Chiến tranh, thịnh vượng và suy thoái, Chương 11: Chính sách kinh tế mới và Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chương 12: Nước Mỹ sau chiến tranh, Chương 13: Những thập niên của sự thay đổi 1960-1980, Chương 14: Chủ nghĩa bảo thủ mới và trật tự thế giới mới, Chương 15: Cây cầu bắc sang thế kỷ XXI.
Cuốn lịch sử Thái Lan cũng chỉ bao gồm các chương:
Chương 1: Thời kỳ đầu, Chương 2: Vương quốc Sukhothai, Chương 3: Vương quốc Ayutthaya, Chương 4: Vương triều Chakri, Chương 5: Thời kỳ 1763-1932, Chương 6: Chế độ quân sự, Chương 7: Nền dân chủ.
Không như nhiều nước khác, sử sách, giáo trình lịch sử Vỉệt Nam chủ yếu viết về các vua quan, tướng lĩnh, triều chính mà ít thấy bóng dáng nhân sinh, tồn tại xã hội, tiến hóa dân tộc …
Muốn tìm hiểu tiến trình xã hội, đời sống dân tộc người ta phải tìm đến các cuốn sách lịch sử chuyên biệt như: “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh (1933), “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên (1944), “Lịch sử mỹ thuật Việt Nam” của Nguyễn Phi Hoanh, “Lịch sử kiến trúc Việt Nam” của Ngô Huy Quỳnh, “Sơ lược lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam” của Đinh Gia Trinh, “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” của Viện Triết học, “Lịch sử thủy lợi Việt Nam” của Phan Khánh, “Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam” của Ngô Đức Thịnh, “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của Viện Triết học …
Tôi ước ao sẽ có một cuốn lịch sử về “Tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam”.
Giá mà quỹ thời gian cá nhân còn đủ rộng dài, tôi quyết tiếp tục học, tiếp tục đọc, tiếp tục khảo sát để đảm đương cho được việc này.
Do trình độ hạn chế và điều kiện không cho phép, cuốn sách nhỏ này chỉ bao gồm các bài viết về thân thế và công trạng của một số nhân vật có đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Về bố cục, các nhân vật lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám được xếp theo thứ tự thời gian, từ sau đó thì xếp theo tên người qua thứ tự bảng chữ cái.
Hy vọng cuốn sách không chỉ góp phần vinh danh những anh hùng, chiến sỹ … bằng trí tuệ tiên phong và lòng dũng cảm đáng kính phục đã có đóng góp quý giá cho công cuộc dân chủ hóa nước nhà mà sẽ là tư liệu được tham khảo cho một trong những cuốn sách lịch sử rất cần có ở Việt Nam”.
Hà Nội 24 tháng 3 năm 2013
© Nguyễn Thanh Giang (Đàn Chim Việt)