Ngày 14/5/1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chọn một cậu bé sáu tuổi, tên Gedhun Choekyi Nyima, là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10. Chỉ ba ngày sau, cậu bé và gia đình đã biến mất. Năm 1995, nhà cầm quyền Trung Cộng tự lập ra một người khác, Gyaltsen Norbu, làm Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11. Vậy số phận của vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 kia đã ra sao?
“Assassination of the Buddha: the Truth about the Death of His Holiness the Tenth Panchen Lama” (Ám Sát Đức Phật: Chuyện Thật Về Cái Chết Của Vị Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười) được viết bởi Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) và An Lạc Nghiệp (Namloyak Dhungser). Cuốn sách vạch trần chi tiết cuộc ám sát vị Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10, đồng thời mô tả quãng đời buồn thảm của vị Lạt Ma bất hạnh này.
Một cuộc họp “Bát Đại Nguyên Lão” của đảng Cộng Sản Trung Hoa nhằm lập kế hoạch ám sát vị Phật Tây Tạng đã được tổ chức tại tư gia Đặng Tiểu Bình vào tháng 11 năm 1987. Những người có mặt gồm Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bạc Nhất Ba, Tống Bình. Vắng mặt Vương Chấn (bệnh), Dương Hướng Côn (đi công tác xa) và Bành Chân (đi công tác xa). Ngay sau buổi họp, nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Hoa đề cử hai nhân vật trực tiếp thi hành “Kế hoạch Bố trí Đặc biệt cho Ban Thiền,” là Hồ Cẩm Đào và Vương Gia Bảo.
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền (2012), một số nhà quan sát hy vọng mối quan hệ Bắc Kinh - Tây Tạng sẽ được cải thiện, một phần vì cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân từng rất thân thiện với Đức Đạt Lai Lạt Ma vào những năm 1950.
Nhưng chỉ hai năm sau đó, nhiều sự kiện thực tế đã làm suy giảm niềm lạc quan này. Tháng Ba 2015, các quan chức Đảng Cộng Sản Trung Hoa hết sức tức giận vì Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã phát biểu rằng ngài có thể kết thúc dòng tâm linh của mình và không tái sinh nữa. Điều đó sẽ làm đảo lộn kế hoạch của Bắc Kinh dự trù cho ra đời một Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, là người sẽ chấp nhận sự hiện diện và các chính sách của Trung Cộng ở Tây Tạng.
Tiểu sử tác giả Yuan Hongbing và Namloyak DhungserNhà văn, nhà thơ Trung Hoa Yuan Hongbing là giáo sư Luật tại Đại Học Bắc Kinh khi xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Thông thạo tiếng Hoa và tiếng Tây Tạng, ông cũng là nhà nghiên cứu độc lập về Tibetology. Ông đào thoát khỏi Hoa Lục năm 1994, hiện sống tại Đài Loan. Nhà thơ Tây Tạng Namloyak Dhungser lưu vong qua Ấn Độ năm 1999, rồi qua Úc và hiện là chủ bút của International Tibetology Forum.
Cuốn Assassination Of The Buddha hiện chưa có ấn bản tiếng Anh. Bản tiếng Hoa thì nằm trong danh sách những sách bị cấm đoán tại Hoa Lục: “Sát Phật: Thập Thế Ban Thiền Đại Sư Mông Nạn Chân Tướng”.
Tin Sách do Tủ Sách Tiếng Quê Hương & Book Club Nhà Việt Nam thực hiện nhằm giới thiệu các tác phẩm giá trị trong nước cũng như hải ngoại, kể cả các tác giả ngoại quốc. Mọi liên lạc xin email về:
tiengquehuongbookclub@gmail.com, hay gởi thư về: Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA