Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. tanbaohiem.com
Bảo Hiểm Y Tế cho học sinh, sinh viên tại Việt Nam là khoản đóng bắt buộc theo qui định của Bộ Y Tế; nếu không đóng sẽ bị xử theo luật BHYT. Trong năm nay các em học sinh sẽ phải đóng mức tiền cao hơn các năm trước.
Thực hư việc tăng chi phí, bắt buộc phải đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên và dịch vụ dành cho người mua BHYT như thế nào?
Khó khăn và thắc mắc khi mua BHYT.Theo thông báo mới từ vụ Bảo Hiểm Y Tế thuộc Bộ Y Tế, trong năm học 2015 - 2016 các em học sinh, sinh viên bắt buộc phải mua BHYT. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT bắt buộc tất cả học sinh, sinh viên phải tham gia đóng BHYT. Năm trước các em phải đóng 289.800 Vnđ, nhưng năm nay số tiền đó là 543.375 Vnđ cho 15 tháng.
Chị Quỳnh Như sống tại Tp. Tân An, tỉnh Long An có con đang học lớp 9, cho đài RFA biết về việc tăng phí mua BHYT lên một gấp đôi, trong khi dịch vụ chăm sóc người có BHYT không tăng, chị chia sẻ:
“Đối với chị thì cái khó khăn đó với một số tiền đó thì nó không khó khăn gì mấy, nhưng nó đem lại sự bức xúc cho chị. Tại vì khi mà dịch vụ BHYT nó chất lượng tăng lên thì mới được tăng giá, còn đằng này dịch vụ chất lượng càng ngày càng đi xuống, mà lại tăng giá như vậy thì không ai đồng ý hết.”
Em B (xin được giấu tên) là sinh viên năm 3 tại trường Đại Học Thủy Lợi, Hà Nội, em tiếp lời:
“Số tiền đó đối với một cá nhân thì không khó lắm, nhưng mà số tiền đó tính tổng cho toàn sinh viên, học sinh Việt Nam góp lại thì nó rất lớn. Và em không biết số tiền đó sẽ đi về đâu, cái đó mới là một vấn đề.
Tại vì em nghĩ giá dịch vụ cũng chả tăng nhiều, tăng lên gần một trăm rưỡi/1 năm thì cũng quá bất hợp lý.”
Trên thực tế, mức giá 543.375 Vnđ vẫn quá cao so với mức thu nhập của những người lao động tại Việt Nam, đây là khó khăn của những phụ huynh có con đang ở độ tuổi đến trường, đặc biệt là những gia đình đông con, bởi mỗi dịp đầu năm học, phụ huynh luôn có hàng trăm thứ phí phải đóng.
Bị bắt buộc phải mua BHYTMặc dù biết sẽ không bao giờ sử dụng đến dịch vụ BHYT khi đưa con đi khám tại bệnh viện. Nhưng phụ huynh học sinh vẫn đang rất phân vân trước việc có nên đóng BHYT hay không?
Rất bực bội về việc bị bắt buộc đóng BHYT trong khi không bao giờ sử dụng dịch vụ, chị Quỳnh Như nói:
“Chị đang thắc mắc nếu như giờ chị không sử dụng dịch vụ BHYT hàng năm mà bắt buộc chị đóng. Nếu chị không đóng thì con của chị có bị đuổi học hay không? Nếu mà bị đuổi học thì lý do gì bị đuổi học?Lấy cái quyền gì để đuổi học?
Còn nếu không đóng mà không có chuyện gì thì chị sẽ không đóng, tại vì chị có xài bảo hiểm khác cho con chị rồi”
Chị Quỳnh Như nói thêm:
“Cái này là tận thu, có thể cho một lợi ích nhóm mà thôi, chứ thực chất thì chưa quan tâm đến sức khỏe của người dân.
Tại vì nếu dịch vụ tốt thì tự động người dân sẽ tìm đến thôi, chẳng cần hỗ trợ cho học sinh, sinh viên hay là bắt buộc gì đâu.”
Là một sinh viên chịu trực tiếp việc áp đặt đóng BHYT, em B tiếp lời:
“Theo quan điểm của cá nhân em, mà không chỉ của riêng em mà là của tất cả các sinh viên đều cảm thấy nó cực kỳ áp đặt và không hợp lý. Cái này nên để các công ty nó làm việc với sinh viên, ai muốn đăng ký thì đăng ký, chứ nhà trường không nên áp đặt như thế này.
Công dân thì có quyền tự do, tự nguyện trong mọi vấn đề, phải có dân chủ, cái này là họ áp đặt, tuy mình là sinh viên nhưng họ không cho mình có quyền gì. Thực tế là nên loại bỏ đi, không nên bắt buộc sinh viên đóng BHYT như thế này nữa.”
Mặc dù nhà trường chỉ là nơi thu tiền BHYT giùm cho Vụ Bảo Hiểm Xã Hội trực thuộc bộ Y Tế, nhưng các trường học tại Việt Nam lại rất khắc khe với những trường hợp không đóng BHYT.
Một số trường Đại Học tại Việt Nam đã ra thông báo sẽ có nhiều biện pháp trừng trị nếu sinh viên không chịu đóng BHYT. Điển hình là trường Đại Học Thủy Lợi, trường Đại Học Kỹ Thuật Lê Quý Đôn… ra thông báo sẽ xử lý nghiêm những ai không đóng BHYT, thông báo nêu rõ:
“Hủy môn thi gần nhất, trừ điểm rèn luyện, không được xem xét khen thưởng, học bổng và chịu mọi hình thức kỷ luật theo luật định.”
Mua BHYT những không bao giờ dùng đến.Mặc dù phải mua BHYT với chi phí cao hơn năm trước một gấp đôi, nhưng số lần học sinh, sinh viên sử dụng đến BHTY khi đi khám tại các bệnh viện là rất ít.
Bởi mỗi lần đi khám tại Bệnh viện thủ tục rất rườm rà, nhất là đối với những trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện rất kém.
Em B từng đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, khi đến khám em không được hỗ trợ bất cứ thứ gì, và bệnh viện cũng không công nhận thẻ BHYT, em bực bội nói:
“Bản thân em năm ngoái cũng đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này cũng liên kết, em nghĩ là sẽ được miễn giảm, nhưng sau đó đi khám và lấy thuốc, nó không công nhận bảo hiểm đó. Tức là nó không miễn giảm cái gì”
Cùng cảnh ngộ, chị Hà sống tại Tp. Biên Hòa, hiện chi có con đang học lớp 4. Chị chia sẻ với chúng tôi về việc đưa con đi khám tại bệnh viện theo diện người có BHYT, chị chán nản nói:
“Có xuất trình BHYT nhưng mà nó rất lâu, mình phải xếp hàng đợi, mình khám buổi sáng có khi đến chiều mới lấy được thuốc, rồi mình phải ngồi đợi như vậy mất cả ngày, trong khi đó mình còn công ăn việc làm nữa.
Nhiều lúc thấy bé không cần phải nhập viện thì thôi, cho đi khám dịch vụ luôn, chứ vào bệnh viện đâu có xài đến thẻ BHYT.
Cảnh chờ đóng viện phí bằng thẻ bảo hiểm
Hầu như bé nhà em từ lúc đóng BHYT từ lớp 1 cho tới lớp 4 chưa có sử dụng. Có mỗi năm vừa rồi đi nhổ răng thì thấy nó (BHYT) phức tạp quá nên cho bé đi dịch vụ luôn.”
Cơ quan chức năng nói gì?Trước sự bất cập về vấn đề tăng phí mua BHYT, bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng vụ BHYT thuộc Bộ Y Tế giải thích trên truyền thông trong nước, Năm học này mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%. Các thay đổi này là theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Thay vì 12 tháng, năm nay các em sẽ phải mua 15 tháng. Bởi năm nay thẻ BHYT sẽ theo lịch hành chính, tức sẽ có hiệu lực từ 1/1 – 31/12 thay vì hiệu lực từ 1/10/2015 – 30/9/2016.
Bà vụ trưởng vụ BHYT không giải thích lý do vì sao tăng mức đóng BHYT từ 3 – 4,5%. Bà chỉ nói điều đó được quy định trong luật mà thôi. Bà Hương cũng không nhắc đến vấn đề dịch vụ chăm sóc y tế cho những người đóng BHYT tại bệnh viện.
Theo RFA