Nữ hoàng Anh quốc Elisabeth Đệ nhị tại trạm xe lửa Newtongrange ở Scotland, 09/09/2015. REUTERS/Andrew Milligan/Pool
Sự kiện Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị của Anh quốc đã ở ngôi được 63 năm 216 ngày, đánh bại kỷ lục của Nữ hoàng Victoria trước đây, được tất cả các báo chú ý. Libération dành trang bìa và bốn trang trong để tìm cách lý giải, vì sao người đứng đầu khối Thịnh vượng chung lại có thể trị vì lâu như thế.
Là con gái Hoàng tử thứ hai của Quốc vương George Đệ ngũ, công chúa nhỏ Elizabeth chào đời năm 1926. Công chúa chưa bao giờ đến trường mà được giáo dục ngay trong Hoàng cung để trở thành một lady hoàn hảo – biết mỉm cười, tiếp khách và khiêu vũ trong các cuộc tiếp tân thượng lưu ; chứ không phải là người sẽ lên ngôi vị cao nhất trong vương triều.
Nhưng đến năm 1936, người chú Edward Đệ bát sau lên ngôi, lại muốn cưới một phụ nữ Mỹ thứ dân, đã hai lần ly dị, nên bị truất ngôi vương sau 327 ngày. Vương miện được trao cho người em trai với danh hiệu George Đệ lục, và Elizabeth mới 10 tuổi, nhờ đó trở thành người kế vị.
Cũng như Nữ hoàng Victoria trước đây, Elizabeth Đệ nhị lập gia đình vì tình yêu. Cô lấy người tình đầu tiên là Hoàng thân Philip, một chàng trai 18 tuổi rất đẹp trai mà cô đã yêu từ năm mới 13 tuổi. Hoàng thân ở bên cạnh Nữ hoàng trong vô số các chuyến công du. Ông năm nay 94 tuổi, là chỗ dựa của bà, và có lẽ là người duy nhất biết được suy nghĩ thực sự của Elizabeth Đệ nhị.
Trong vai trò Nữ hoàng, bà chưa bao giờ phạm một sai lầm nhỏ. Chiếc váy chưa một lần bị gió thổi tung, chưa bao giờ lỡ lời, không quên những cái bắt tay. Bà đã biết đến 12 đời Thủ tướng Anh, nhưng chưa bao giờ tỏ ra thiên vị ai. Chỉ có một lần duy nhất, lúc Công nương Diana bị tai nạn qua đời, Nữ hoàng vốn « chưa bao giờ than phiền cũng như giải thích », cuối cùng cũng hiểu ra rằng công chúng muốn lần này bà phá lệ, và sau đó đã lên truyền hình phát biểu.
Nữ hoàng không hề nao núng trước những tai tiếng của Hoàng gia, từ những vụ ly dị đến ngoại tình. Trong Thế chiến, bà từng là lính cơ khí của quân đội Anh, và không ngại du hành hàng ngàn cây số cho các hoạt động ngoại giao của vương quốc.
« Nữ hoàng được lòng nhất mọi thời đại », theo như cuộc thăm dò của YouGov công bố cách đây vài ngày, có bí quyết gì ?
Giáo sư Bob Morris ở Luân Đôn trên nhật báo Les Echos cho rằng, trước hết là ở sự kín đáo của bà. Elizabeth Đệ nhị chưa bao giờ trả lời phỏng vấn, chưa bao giờ cho thấy cảm tưởng bà can thiệp vào chính trị. Không ai biết được bà nghĩ gì – truyền thống này có từ đầu thế kỷ 20 trong triều đại của Quốc vương Edouard Đệ thất.
Hoàng gia không có một nhiệm vụ chính thức nào, nên người ta có thể đặt câu hỏi, vậy thì sự tồn tại của Hoàng gia Anh là để làm gì, và ngược lại, nếu không hại gì đến ai, tại sao lại xóa bỏ ? Theo giáo sư Morris, Hoàng gia Anh là một trong những định chế hiếm hoi đại diện cho toàn bộ Anh quốc, vào thời điểm Scotland, xứ Galles và Bắc Ireland ngày càng được tự trị nhiều hơn. Nữ hoàng rất được tôn trọng trong Khối thịnh vượng chung, bà còn là người đứng đầu 15 quốc gia khác.
Theo Libération, Elizabeth Đệ nhị mang lại cho trí tưởng tượng của thế giới phương Tây một vầng hào quang cổ tích. Dù dân chủ, các dân tộc vẫn cần những biểu tượng cho sự đoàn kết, nối liền quá khứ với hiện tại. Còn thần dân Anh coi vị Nữ hoàng như một chiếc bình từ lâu vẫn đặt trên lò sưởi, nhắc lại cho cả gia đình những kỷ niệm chung và một thời huy hoàng xưa cũ
Theo RFI