Một blogger ở Vũng Tàu cho biết ông vừa nhận quyết định của thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 5 triệu đồng vì nội dung đăng trên blog cá nhân.
Hôm 10/9, blogger Đoàn Hữu Long, chủ nhân của trang
http://doanhuulong.blogspot.ca/, cho biết: Quyết định số 02/QĐ-XPVPHC của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt vi phạm hành chính đối với ông về hành vi “vi phạm một trong các quy định về quản lý thông tin điện tử trên mạng đối với các trang Thông tin điện tử không phải xin phép, quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 64 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”.
Ngoài số tiền bị phạt, Quyết định của thanh tra còn nêu rõ: “Biện pháp khắc phục hậu quả: Xóa bỏ các bài đăng vi phạm trên trang thông tin điện tử”.
Blogger Đoàn Hữu Long bị xử phạt 5 triệu đồng, đồng thời buộc phải gỡ những thông tin không được phép đăng tải trên Trang Thông tin điện tử cá nhân theo quy định.
Trên blogpsot, ông Long có chủ trương tập hợp các bài viết về kinh tế Việt Nam.
Hôm 10/9, các nội dung hiển thị trên trang này là dẫn link bài của các trang báo điện tử trong và ngoài nước về thị trường bất động sản Vũng Tàu, tình hình nợ xấu ngân hàng, thực trạng kinh tế - xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam...
‘Tội trích dẫn thông tin trên blog’
Trao đổi với chúng tôi hôm 10/9, Thanh tra Nguyễn Tấn Trung Thuận, người ký Quyết định nêu trên, xác nhận: “Ông Long bị xử phạt vì theo quy định của pháp luật, blogger không được trích dẫn nội dung báo chí trên blog. Các nội dung sai phạm trên blog của ông Long do PA83 kết luận và bản thân ông Long cũng thừa nhận sai phạm của mình”, ông Thuận nói.
Cùng ngày, luật sư Trần Vũ Hải nói với chúng tôi rằng các blogger “nên bình tĩnh và nghiên cứu pháp luật kỹ hơn”.
“Khi nhận quyết định xử phạt, blogger cần xem xét việc đó có đúng thủ tục tố tụng. Nếu cần thì blogger phải tiến hành phản đối, khiếu nại để bảo vệ quyền lợi bản thân”.
‘Giới hạn quyền tự do ngôn luận’
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm 10/9, ông Long cho biết:“Tôi cho rằng Quyết định xử phạt tôi là ‘giọt nước tràn ly’ của một chuỗi sự kiện tôi viết blog từ năm 2012 và bị an ninh mời làm việc nhiều lần”.
Ông Long nói thêm: “Tuy không đồng ý khi nhận quyết định xử phạt, nhưng tôi chấp hành và không muốn rầy rà vì mang tiếng chống đối an ninh. Dù vậy, tôi đề nghị sửa đổi hoặc áp dụng linh hoạt hơn các điều luật xử phạt blog cá nhân, cởi mở hơn đối với quyền tự do ngôn luận của người dân.
Theo tôi, Việt Nam bị tụt hậu bi đát như ngày nay, có nguyên nhân sâu xa và chủ yếu từ việc giới hạn quyền tự do ngôn luận. Trên thế giới không có quốc gia nào cấm cản tự do ngôn luận mà phát triển lành mạnh. Việc phát triển kinh tế tỷ lệ thuận với quyền tự do ngôn luận, chứ không phải ngược lại”.
Ông đang đề nghị giảm nhẹ mức phạt vì “đang thất nghiệp, không có lương và thu nhập lại bị phạt tiền”.
Ông cũng cho biết mình sẽ “hạn chế cập nhật blog tối đa, tự kiểm duyệt cực kỳ nghiêm ngặt nội dung đăng tải để tránh bị xử phạt lần nữa”.
Trước đó, tháng 7/2015, ông Long đã từng bị Cục An ninh mạng triệu tập thẩm vấn trong bốn ngày tại trụ sở công an thành phố Vũng Tàu.
“Họ yêu cầu khai báo mật khẩu blog và facebook để in tài liệu điều tra.
Tôi phải ký xác nhận vào hàng chục bài viết in ra từ blog và các tin nhắn trên facebook”, ông Long viết trên blog cá nhân.
Sau đó, ông đã phải ‘tự nguyện’ xóa 712 bài viết trên blog.
Tháng 6/2013, ông bị công ty Trực thăng Miền Nam, Sân bay Vũng Tàu, cho thôi việc sau 18 năm công tác tại đây.
Dù quyết định thôi việc không nói rõ lý do nhưng ông cho rằng nguyên do thật sự ‘liên quan đến nội dung trên blog cá nhân’.
Trên trang blog cá nhân, ông Long tự giới thiệu về bản thân như sau: “Lập blog ‘Báo Hoa Sen’,
http://baohoasen.blogspot.com, đăng tải 1.400 bài viết về kinh tế - chính trị, đã bị cơ quan An ninh -Bộ Công an bắt vào tháng 5/2012 và thu giữ blog ‘Báo Hoa Sen’.
Liên quan đến việc xử phạt blogger, năm 2012, ông Nguyễn Xuân Diện, một trong những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội năm 2011 cũng từng đã bị Thanh Tra Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hà Nội ra ‘Quyết định xử phạt hành chính trong việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin điện tử trên Internet’.
Bản quyết định đòi ông Diện nộp phạt 7,5 triệu đồng nhưng ông khước từ nộp phạt.
Theo VOA