Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhân một chuyến viếng thăm « Vùng lãnh thổ phương Bắc » ngày 22/082015 - REUTERS /RIA Novosti
Các quan chức Nhật Bản hôm nay, 16/09/2015, cho biết Tokyo đã phản đối Matxcơva sau vụ một máy bay, được cho là của Nga, đã xâm phạm không phận Nhật Bản.
Ít lâu sau khi một chiếc máy bay xâm nhập vào không phận Nhật Bản ngoài khơi hòn đảo Hokkaido, Bộ Ngoại giao Nhật đã thể hiện sự bất bình thông qua Sứ quán Nga tại Tokyo. Một quan chức ngoại giao cho AFP biết : « Phía Nga chưa công nhận sự cố này song cho biết là sẽ kiểm tra lại ».
Theo một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, không quân nước này đã cho xuất kích bốn chiến đấu cơ để đẩy lùi máy bay xâm nhập được cho là của Nga, căn cứ theo lộ trình của chiếc phi cơ. 16 giây sau khi xâm phạm không phận Nhật Bản, chiếc phi cơ bay về hướng « Vùng lãnh thổ phương Bắc ».
Vùng lãnh thổ này của Nhật Bản nằm gần với bốn hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril, được Tokyo gọi là các vùng lãnh thổ phương Bắc, hiện đang là chủ đề tranh chấp giữa hai nước.
Nếu việc xâm phạm không phận trên được xác nhận, đây sẽ là vụ vi phạm đầu tiên kể từ tháng 08/2013. Vào lúc đó, hai oanh tạc cơ TU-95 của Nga bị ngăn chặn ngoài khơi đảo Okinoshima, nằm ở phía Tây Nam quần đảo.
Nhật Bản thường xuyên điều máy bay bảo vệ không phận mỗi khi máy bay Nga hay Trung Quốc tiến gần. Trong vòng một năm (tính tới cuối tháng Ba), không quân Nhật đã xuất kích 464 lần đuổi máy bay Trung Quốc và 473 lần đối với phi cơ của Nga.
Nhật báo Sankei Shimbun cho biết Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida dự kiến công du Matxcơva vào tuần tới để thảo luận về việc Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ thăm Tokyo từ nay tới cuối năm. Ông Kishida đã hoãn chuyến đi sang Matxcơva sau khi Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, vào tháng Tám vừa qua, đã tới thăm một trong những hòn đảo đang có tranh chấp nói trên.
Quân đội Xô Viết đã nắm quyền kiểm soát các hòn đảo thuộc « Vùng lãnh thổ phương Bắc » sau khi Nhật Bản đầu hàng, kết thúc đệ nhị thế chiến. Các tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ 70 năm qua đã cản trở trao đổi thương mại song phương và hai nước chưa ký hiệp định hòa bình
Theo RFI