Cập nhật tình hình Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên KhaSinh viên Nguyễn Phương Uyên. Photo courtesy of danlambao Gặp gỡ- điều traMẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên không giấu được nổi vui mừng khi gia đình bà được gặp con gái sau gần nửa năm xa cách, bà cho biết:
“Việc gặp Nguyễn Phương Uyên hôm qua cũng ‘may rủi’ thôi. Gia đình sốt ruột quá vì từ khi cháu bị bắt đến nay là 5 tháng rưỡi. Chồng tôi thương con, nhớ con đến ốm, còn đứa con nhỏ suốt ngày nhớ chị cứ khóc. Tôi đánh liều một phen, bằng cách đưa cả hai bố con đi cùng; nhưng không có hy vọng gì gặp mặt.
Ngày 28 cả nhà đi tàu lên Sài Gòn ở lại một đêm. Đến ngày 29 cả nhà lên tòa án tỉnh Long An khoảng 9:30 và nộp đơn xin gặp mặt. Bảo vệ hướng dẫn để chứng đơn. Nhưng đợi đến hơn 11 giờ vẫn không có trả lời gì. Tôi cuống lên chạy đi hỏi, mãi đến 11 giờ 15 mới chứng được đơn. Đợi đến 2 giờ chiều mới đi lên trại giam.”
Cuộc gặp gỡ diễn ra chỉ trong vòng 30 phút và có công an theo dõi sát để nhắc nhở nên gia đình chỉ có thể hỏi han sức khỏe và chuyện nhà mà thôi. Bà Nhung, mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên cho biết nhận xét qua cuộc gặp về tình hình sức khỏe và tinh thần của con gái trong lần gặp mặt hồi ngày 29 tháng 3 vừa qua như sau:
“Sức khỏe của cháu rất kém. Thứ nhất mắt cháu cận đến 3,5 độ chứ không phải 2,8 độ như tôi biết. Cháu nói trước khi bị bắt cháu đo mắt 3,5 độ nên bây giờ nhìn mọi vật rất khó khăn. Cháu nói đau đầu dữ dội, cháu cũng đau bụng; ốm và xanh. Cháu nói không ngủ được vì nằm mơ thấy ác mộng.
Về tinh thần thì khi cháu bước ra khỏi nhà giam để gặp gia đình; lúc đó có hơi muốn khóc; nhưng cả nhà trước đó nói không được khóc để giữ vũng tinh thần cho cháu Uyên. Cả nhà cố gắng cười để cháu vững tinh thần.
Thấy tinh thần cháu ổn định tôi cũng yên tâm. Gia đình cũng cố gắng nói cho cháu biết: gia đình, bố mẹ, họ hàng, cũng như các bác, các cô chú, anh chị em ở bên ngoài cũng rất yêu quí và quan tâm con. Kể cả việc đi thăm, các cô chú, các bác bên ngoài cũng có giúp đỡ tiền nong, đi lại nên con đừng có lo. Cháu rất lo vấn đề đó nên dặn tôi đừng gửi tiền, thức ăn gì cho nó hết. Nó có hiểu được, nên tôi rất mừng.”
Trong khi đó mẹ của Đinh Nguyên Kha, người cùng bị bắt chung đợt với Nguyễn Phương Uyên vẫn chưa được gặp mặt con trai, bà chia sẻ:
“Họ nói giờ còn phải điều tra thêm vụ án mới nữa. Tôi không hiểu Nhà nước làm gì? Cáo trạng mà Viện Kiểm sát đưa qua tòa án là không có bằng chứng khép Kha tội khủng bố; anh của Kha là Uy cũng không có vấn đề gì; mà bây giờ lại đi điều tra khởi tố tội khủng bố, giam Kha thêm 4 tháng nữa. Họ không cho mình gặp; luật sư còn không tiếp thì còn nói chuyện được ai.”
Đinh Nguyên Kha. Photo courtesy of Thanh Niên Công GiáoNgười thân liên lụyĐinh Nguyên Kha có một người anh trai là Đinh Nhật Uy làm nghề sửa máy vi tính. Trong thời gian qua Đinh Nhật Uy bị cơ quan an ninh mời đi làm việc nhiều ngày, anh này cho biết:
“Khi họ nói thu thập bằng chứng trong vụ án khủng bố của Kha, họ lục lạo đồ của tôi;máy tính cũng lục. Họ lấy máy chụp hình, máy in, tài liệu của tôi. Họ cũng lên nhà cha mẹ tôi ở ruộng cách chừng 3 cây số. Họ cũng lục tung lên. Họ không kiếm đồ gì của Kha mà thấy đồ của tôi họ lấy. Hiện tôi cũng bị mời làm việc.
Trước đó họ mời 10 ngày liên tục, ngày nào cũng mời đi mà tôi mệt quá nên đâu có đi. Bây giờ cứ mỗi tuần họ mời một lần; họ cứ làm việc về những bài viết của cá nhân tôi trên trang facebook cá nhân. Hỏi tới, hỏi lui. Tôi không biết cơ quan điều tra đang làm gì với bản thân tôi. Không thấy mình có tội tình gì mà cứ bị ‘quần suốt’; đâu còn đi làm ăn được gì nữa.”
Mẹ của Đinh Nguyên Kha thuật lại việc cơ quan an ninh đến lục soát nơi làm việc của Đinh Nhật Uy cũng như nhà của bà:
“Giấy khám xét đưa tôi đọc là khám xét về tội khủng bố của Đinh Nguyên Kha, họ vào lục lọi để tìm kiếm có gì còn lại để khởi tố; nhưng Uy sửa máy cho ai họ cũng đòi cho số điện thoại gọi đến để hỏi có đúng không. Nhà trên ruộng cũng lên khám kiểu đó. Viện Kiểm sát, tổ trưởng cũng không có ai. Họ kêu một người đang lội sình ngoài ruộng lên họ nhờ đưa vào khám. Người đó thấy công an kêu nên sợ chạy vô.”
Luật sư bào chữaLuật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên có lần gặp mặt thân chủ gần nhất vào ngày 18 tháng 3 vừa qua. Đến ngày thứ bảy 30 tháng 3, ông cho biết lại một số thông tin liên quan như sau:
“Có cáo trạng của Viện Kiểm sát rồi, truy tố tội theo điều 88 ‘tuyên truyền chống Nhà Nước’, khoản 1. Mức thấp nhất theo điều 88. Với tội này theo qui định của pháp luật thì một tháng sau khi có cáo trạng, tòa phải mở phiên xét xử; nhưng vụ án này có liên quan đến Đinh Nguyên Kha người bị truy tố vào khung nặng hơn. Theo thông tin tôi biết thì bên Công an muốn tìm thêm chứng cứ để khởi tố tội mới thế nào đó với Đinh Nguyên Kha, nên thời gian xét xử sẽ kéo dài, có thể phải trên một tháng.”
Được biết luật sư bào chữa cho Đinh Nhật Uy là luật sư Nguyễn Văn Miến. Ông này được phép vào gặp thân chủ tại trại B34, tổng cục an ninh 2, Bộ Công an tại đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hồ Chí Minh hồi tuần rồi. Thông tin cho biết có thể Đinh Nguyên Kha phải bị giam thêm 4 tháng nữa để điều tra về tội danh khủng bố.
Xin phép được nhắc lại, sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt sau khi tiến hành rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương hồi ngày 10 tháng 10 năm ngoái. Nội dung được nói nhằm lên án những bất công trong vấn đề thu hồi đất đai, đàn áp tôn giáo, cũng như việc Trung Quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nguyễn Phương Uyên bị bắt vào ngày 14 tháng 10, và mãi đến 9 ngày sau công an mới thừa nhận việc bắt giam đó.
Một số bạn bè của sinh viên Nguyễn Phương Uyên thuộc đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 10 có thư cầu cứu khẩn cấp gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị giúp bạn Nguyễn Phương Uyên. Các bạn cho rằng Nguyễn Phương Uyên là người tốt, năng nổ trong sinh hoạt và học tập, không làm gì phương hại đến người khác.
Ngay sau đó, vào ngày 30 tháng 10 một số nhân sĩ, trí thức, trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có thư ngỏ gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị trả tự do và công khai giải thích về sự kiện bắt giam sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
Source: RFA